- Mới: Nhất trí bỏ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức
- Cán bộ, công chức xã không sáp nhập có được hưởng chế độ nghỉ hưu sớm?
Viên chức đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính vẫn được hưởng chính sách tinh giản biên chế |
Bộ Nội vụ vừa có hướng dẫn bổ sung chi tiết về chế độ, chính sách với viên chức, người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập do sắp xếp bộ máy theo các Nghị định 178 và Nghị định 57.
Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, trong các đơn vị sự nghiệp công lập, chỉ viên chức (tức những người được tuyển dụng theo Luật Viên chức, đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị) mới thuộc đối tượng được áp dụng chính sách tinh giản theo Nghị định 178.
Việc đơn vị có tự chủ tài chính 100% hay không không ảnh hưởng đến quyền lợi này, miễn là viên chức đó nằm trong diện bị sắp xếp lại tổ chức, thay đổi cơ chế hoạt động, giải thể hoặc sáp nhập.
Viên chức đang làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhưng không bị tác động bởi việc sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, thì sẽ không được hưởng các chế độ tinh giản biên chế theo Nghị định 178.
Ngược lại, người lao động ký hợp đồng lao động theo Bộ luật Lao động (thường là hợp đồng do đơn vị tự ký không theo chỉ tiêu biên chế) thì không được hưởng chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 178, dù làm việc trong cùng đơn vị sự nghiệp. Nhóm này nếu bị chấm dứt hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định riêng của pháp luật lao động và hợp đồng đã ký.
Các chính sách áp dụng với viên chức thuộc diện tinh giản bao gồm nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc hưởng trợ cấp một lần, hỗ trợ học nghề hoặc chuyển sang làm việc ngoài khu vực nhà nước.
Cụ thể, người nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỷ lệ lương hưu và được trợ cấp theo số năm nghỉ sớm. Người thôi việc sẽ được trợ cấp dựa trên số năm công tác và mức lương hiện tại. Người học nghề hoặc chuyển việc sẽ được hỗ trợ chi phí hoặc một khoản tiền nhất định.
Các đơn vị sự nghiệp công lập do UBND cấp huyện quản lý (trừ trường học và trạm y tế) sẽ được tổ chức lại, bảo đảm cung ứng hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu tại địa bàn cấp xã, liên xã, phù hợp với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 1,8 triệu viên chức, trong đó hơn 700.000 người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế và giáo dục.
Theo ước tính, trong nhóm chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc sáp nhập lần này, các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện (không bao gồm trường học và trạm y tế) sẽ là trọng tâm tái cơ cấu.
Hàng chục nghìn viên chức có thể phải điều chuyển công tác, thay đổi vị trí làm việc hoặc được sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ theo hướng tinh gọn và phù hợp với mô hình chính quyền hai cấp.