Võ Thị Sáu - Nữ đội viên công an xung phong sống mãi với quê hương

ANTĐ - Vào những ngày giáp Tết Mậu Tý 2008, Bảo tàng Công an nhân dân được đón đoàn đại biểu các má miền Nam thăm bảo tàng, một hình ảnh khiến chúng tôi vô cùng xúc động, má Nguyễn Thị Mười 85 tuổi, quê ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã dừng rất lâu trước hiện vật tượng đồng toàn thân nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu và mảnh vải màu xanh tím than thực dân Pháp dùng bịt mắt nữ anh hùng Võ Thị Sáu tại pháp trường Côn Đảo ngày 23-1-1952 (hiện vật này do Bảo tàng Cách mạng cung cấp). Trong hồ sơ quản lý hiện vật có ghi: “1/3 chiếc khăn bịt mắt nữ anh hùng Võ Thị Sáu, công an xung phong quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, bị thực dân Pháp hành hình 7 giờ sáng ngày 23-1-1952 tại Hành Dương, Côn Đảo.

Hiện vật do một cán bộ là tù nhân chính trị tại Côn Đảo là Phong Giao giữ được mang về miền Bắc đưa viện Bảo tàng tháng 12-1959”. Xem đến đây, má khuỵu xuống “Phụ nữ Việt Nam truyền thống anh hùng nối tiếp anh hùng, các chị mất đi nhưng vẫn còn sống mãi với quê hương đất nước” - Má nghẹn ngào khóc.

Võ Thị Sáu sinh năm 1933, trong một gia đình nghèo ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Qua nhiều lần thử thách, năm 1947 Võ Thị Sáu được kết nạp vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ lúc 14 tuổi.

Với trí thông minh, dáng vóc nhỏ, nhanh nhẹn, Võ Thị Sáu đã luồn sâu vào vùng tạm chiếm từ thị trấn Đất Đỏ đến Phước Lợi, Long Mỹ, Phước Hải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình, cung cấp và báo cáo kịp thời cho tổ chức nhiều tin tức quan trọng, đã giúp cho Công an quận Đất Đỏ có kế hoạch chủ động đề phòng và tấn công địch có hiệu quả.

Bình minh Côn Đảo
Bình minh Côn Đảo

Võ Thị Sáu đã phát hiện kịp thời tên Sáu Thoại - nữ gián điệp làm chỉ điểm cho Pháp để báo cáo cho tổ chức xử lý. Tháng 7-1948, chị phát hiện tên Sớm là nhân viên công an xã đã phản bội, đang chỉ đường dẫn Pháp vào đánh úp căn cứ của Đội Công an xung phong. Nhờ thông tin báo cáo kịp thời Công an huyện và Đội Công an xung phong đã thoát khỏi nguy hiểm, bảo vệ được cách mạng.

Đội Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp (14-7-1948), do tỉnh trưởng Lê Thành Tường tổ chức tại Đất Đỏ. Để bảo vệ cuộc lễ, địch đã tăng cường lực lượng bảo vệ canh phòng, chăng dây thép gai quanh khu mít tinh, lập trạm gác các ngả đường về Đất Đỏ trước đó 3 ngày.

Võ Thị Sáu xin được trực tiếp đánh trận này. Chị nhận lựu đạn ém vào góc chợ sát khán đài từ nửa đêm. Buổi sáng hôm ấy, địch lùa đồng bào vào sân. Khi xe của Tỉnh trưởng vừa tới, chị Sáu tung lựu đạn về phía khán đài - nơi trống không có người để uy hiếp giải tán cuộc mít tinh.

Hai tổ công an xung phong chốt gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh đồng thời hỗ trợ cho Sáu rút an toàn. Các cơ sở của ta được bố trí trong đoàn người mít tinh hô to: “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn đồng bào giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và chị được giao nhiệm vụ diệt tề trừ gian.

Tên cai tổng Tòng là việt gian khét tiếng chống phá cách mạng, tổ chức cách mạng quyết định và giao cho Đội Công an xung phong trừ khử Tòng, Võ Thị Sáu được giao thực hiện nhiệm vụ này, sau khi đề xuất phương án và được được tổ chức đồng ý diệt tên Tòng ngay tại tổng hành dinh.

Một buổi sáng tháng 11- 1948, Võ Thị Sáu cải trang trà trộn cùng tốp người đi làm căn cước, mang theo trái lựu đạn “mãng cầu” nằm trong cơi đựng trầu. Giữa buổi, Võ Thị Sáu vào nhà làm việc của tên tổng cai Tòng, rút chốt lựu đạn ném thẳng vào mặt y và hô to: “Việt Minh tấn công” rồi kéo mấy chị em cùng chạy. Lựu đạn nổ, cai Tòng nằm quằn quại trong vũng máu nhưng không chết, đám hội tề và lính đồn khiếp vía không dám lùng sục như trước nữa.

Chiếc khăn dùng để bịt mắt chị Võ Thị Sáu khi thực dân Pháp xử bắn chị tại Côn Đảo (ảnh chụp tại Viện Bảo tàng Cách mạng)

Chiếc khăn dùng để bịt mắt chị Võ Thị Sáu khi thực dân Pháp xử bắn chị tại Côn Đảo (ảnh chụp tại Viện Bảo tàng Cách mạng)

Tháng 2-1950, Võ Thị Sáu dùng lựu đạn tiêu diệt 2 tên ác ôn có nhiều nợ máu là Cả Đay và Cả Suốt, không may chị bị địch bắt. Địch giam chị tại khám Chí Hòa (Sài Gòn). Kẻ địch dùng mọi cực hình tra tấn, chị chết đi sống lại nhiều lần nhưng địch không khai thác được gì ở chị.

Chị vẫn giữ vững khí tiết người chiến sỹ Cộng sản, người Công an kiên cường, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cách mạng. Kẻ địch không khuất phục được người con gái quận Đất Đỏ, mặc dù Võ Thị Sáu chưa đến tuổi thành niên, thực dân Pháp vẫn đưa ra tòa xét xử và kết án tử hình. Để che giấu tội ác, giặc Pháp đày chị ra Côn Đảo chờ ngày đủ tuổi để thi hành bản án. Tại Côn Đảo, giặc Pháp tiếp tục dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc chị Sáu không được.

Đêm 22-1-1952, Võ Thị Sáu được Chi bộ nhà tù Côn Đảo  kết nạp chính thức vào Đảng Lao động Việt Nam.

Sáng 23-1-1952, giặc Pháp đưa chị Võ Thị Sáu ra pháp trường xử bắn. Trước lúc hy sinh, Võ Thị Sáu từ chối rửa tội. Chị ôn tồn nói với linh mục: “Tôi không có tội. Nếu cha muốn rửa tội xin hãy rửa tội cho những kẻ sắp giết tôi đây”.

Khi được hỏi có ân hận điều gì trước khi chết không, chị đã trả lời: “Tôi chỉ ân hận chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Không cần bịt mắt, chị hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù hô to: “Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm”. Ngày 3-8-1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Tượng chị Võ Thị Sáu tại Côn Đảo
Tượng chị Võ Thị Sáu tại Côn Đảo

Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu là một biểu tượng hiên ngang, lạc quan cách mạng, trước họng súng kẻ thù không hề run sợ, tỏ rõ được khí phách của người yêu nước, yêu cách mạng, tin tưởng tuyệt đối thắng lợi của cuộc cách mạng. Võ Thị Sáu được Đảng tin, nhân dân yêu quý, đồng đội mến phục, kẻ thù khiếp sợ.

Chị mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ Việt Nam noi theo, nhất là thế hệ trẻ trong lực lượng Công an nhân dân. Tên tuổi và sự nghiệp của chị đã được suy tôn vào hàng những nhân vật tiêu biểu của Từ điển bách khoa Công an nhân dân Việt Nam. Tượng Võ Thị Sáu đã được đặt tại quê hương, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Công an nhân dân. Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã đặt tên đường phố Võ Thị Sáu, biết rằng sự tôn vinh ca ngợi không thể bù đắp được những nỗi đau mất mát và hy sinh của chị và các anh hùng liệt sỹ cho sự nghiệp cách mạng dân tộc để có cuộc sống hôm nay.

Để thay lời kết, xin nêu hình ảnh: Sau cuộc hành hình Võ Thị Sáu, một người lính lê dương già đã bỏ ăn 3 ngày, anh ta luôn khóc than và sám hối với những tù chính trị ở công quán Côn Đảo: “Cô ta tin vào chính nghĩa dân tộc, bình thản đến lạ lùng, yêu đời đến phút chót, dũng khí tỏa ra cả khi ngã xuống. Đó mới chính là anh hùng”.