Lên Sa Pa gặp mây núi nhớ… cha

(ANTĐ) - Tô Ngọc Thành là con trai út của nhà danh họa Tô Ngọc Vân. Đời ông là một cuộc đời có lắm bi hài, có thân phận và áp lực tiếng tăm của người cha. Nhưng Thành đã đi trên đôi chân của mình, đã tìm một chỗ đứng riêng… Chưa lão nhưng bệnh trọng, chả biết ông trời có còn thương đến mà “bỏ sót”… Nhưng dù vậy ông vẫn  lạc quan, ngày đêm chiến đấu với bệnh tật dày vò để vẽ và viết.

Lên Sa Pa gặp mây núi nhớ… cha

(ANTĐ) - Tô Ngọc Thành là con trai út của nhà danh họa Tô Ngọc Vân. Đời ông là một cuộc đời có lắm bi hài, có thân phận và áp lực tiếng tăm của người cha. Nhưng Thành đã đi trên đôi chân của mình, đã tìm một chỗ đứng riêng… Chưa lão nhưng bệnh trọng, chả biết ông trời có còn thương đến mà “bỏ sót”… Nhưng dù vậy ông vẫn  lạc quan, ngày đêm chiến đấu với bệnh tật dày vò để vẽ và viết.

Bữa ngồi nhà thi sĩ, họa sĩ Trần Nhương, anh bảo chuyến này lên Sa Pa hội thảo thế nào cũng nán lại thêm mấy hôm để đi vẽ. Trần Nhương bảo Tô Ngọc Thành nhờ chịu lên Sa Pa mà có cả một tập hợp tranh về miền ngược đấy! Lần này Nhương lên chỉ để đi tìm cảm hứng và phát huy cái sở đoản ký họa cho du khách như là một cuộc rong chơi… theo cách mà họa sĩ Tô Ngọc Thành đã làm. Nghe Tô Ngọc Thành ốm. Thế mà lặn lội lên Sa Pa vẽ. Thật giời đày cái anh nghệ sĩ. Linh tính thế nào tôi gọi vào số máy anh, từ đầu dây bên kia, anh bảo: May quá tôi mới vừa Sa Pa về xong.

- Thì tôi đương tìm anh để hỏi chuyện Sa Pa đây!

Tô Ngọc Thành đầu bạc trắng, nhưng dáng anh vẫn nhanh nhẹn. Cái hăm hở như vẫn còn váng vất trong con người lắm truân chuyên vì nghề, vì đời này. Anh kể chuyến đi Sa Pa này ngắn nhất trong tất cả những chuyến ngược miền tây của anh. Mổ xong nằm dưỡng bệnh 8, 9 tháng ròng, xét nghiệm lại bác sĩ bảo ổn. Thế là lại muốn đi. Đi vì nhớ mây núi Sa Pa và nhớ... cha. Anh đi vì nhớ cái vùng đất đã gắn bó gần chục năm lại đây để làm nên mảng tranh đậm nhất đời cầm cọ của anh.

Anh lôi tôi lên phòng vẽ. Chao ôi! Hàng trăm bức đương chất đống. Hàng chục bức  treo khắp phòng. Dăm bức đương dở dang... Tôi không biết cái con người nhỏ thó lại đương bệnh kia lấy sức đâu mà vẽ khỏe thế... Anh bảo mình vừa đi Sa Pa mang tranh và đồ nghề về định không lên nữa. Mình lặn lội cũng kha khá nhiều nơi. Mà hình như lên với Sa Pa mình thấy gần với ông cụ nhà mình. Mây Sa Pa quấn quýt thành phố nhỏ này hầu như quanh năm. Mây cũng là Vân. Ông cụ mình là Tô Ngọc Vân. Nói cách khác mỗi lần đứng trước giá vẽ lại như lại được sống cạnh cha tôi. Lúc bình sinh người vẫn mong tôi vẽ nhiều, vẽ thật và tất nhiên không được bê nguyên xi cái thật ấy vào tranh...

Anh bảo năm nào cũng mấy bận lên Sa Pa, có bận lên đó dăm ba tháng. Vẽ không biết mệt. Vẽ bao nhiêu cũng không thỏa cái ham muốn khát khao thể hiện. Sa Pa có cái phố Tây. Đó là phố Cầu Mây, nơi có đông du khách Tây ở. Họa sĩ mà thuê phố ấy thì bán được tranh. Mình chỉ thuê nhà nghỉ thôi, tháng triệu bạc. Lội bộ hoặc mỏi quá thì đi xe ôm Mink. Chỉ có Mink mới leo nổi dốc đứng suối sâu. Ăn thì cơm bụi, có khi vào bản vẽ ăn cơm bà con đãi. Sống lang bạt như vậy mùa đông cũng như mùa hè. Cái sướng nhất là lên đó dựng giá giữa trời giữa phố mà vẽ. Cứ thế mà phác thảo hay vẽ trực tiếp. Phong cảnh đấy, nhân vật đấy không vẽ thì... tiếc quá mất. Những cô gái người Mông, người Dao trang phục sặc sỡ giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng như là mẫu bày sẵn tự nhiên vậy, làm sao mà không run lên mỗi khi cầm lấy cây bút vẽ...

Ngồn ngộn trước mắt tôi là những bức vẽ Sa Pa. Mây núi Sa Pa lãng đãng, nhân vật của Sa Pa thì đậm chất bản địa bới váy áo rực màu, trang sức thật ấn tượng nhưng vào tranh Thành thì tươi sắc hấp dẫn đến sững sờ. Một bức thung lũng Mường Hoa như thực như mơ bởi hoa đào hoa ban. Rồi thì chợ tình Sa Pa, ruộng bậc thang Sa Pa, thiếu nữ Mông, thiếu nữ Dao… Tất cả một Sa Pa ngồn ngộn chất dân gian và hiện thực sinh động đi vào tranh Tô Ngọc Thành như nó cần phải được lưu lại bởi nghệ thuật sơn dầu... Và chỉ có sơn dầu mới đủ tải hết sắc mầu dân gian và cảnh sắc thiên nhiên xứ núi thơ mộng dưới chân dãy Hoàng Liên.

Tranh Tô Ngọc Thành vẽ về núi, vẽ đời sống vùng cao ấn tượng ở màu sắc, bố cục. Những mảng, những khối với nghệ thuật tương phản màu sắc rõ sáng khiến có cảm giác khỏe khắn, trẻ trung từ đường nét, nhưng không sa vào tả thực. ấn tượng là nhờ tài biết trừu tượng hóa hiện thực, để không nhàm chán chân dung cụ thể của đất ấy, người ấy, mà vẫn thấy rõ một Sa Pa hấp dẫn, níu bước chân du khách không thể không lên...

Gần năm mươi năm cầm cọ nối nghiệp cha, anh đã tìm khắp xứ chố đứng chưa thành thì bây giờ có lẽ anh đã tìm thấy chỗ đứng của hội họa mình trên... núi. Nếu 50 năm vẽ trong triển lãm lần trước anh treo trên dưới trăm bức, thì bây giờ đây khi treo tranh về Sa Pa, anh đã có... nửa nghìn bức. Vâng! Nửa nghìn bức ấy anh chỉ vẽ có trên dăm năm. Mới hay khi đã chín tài năng, khi đã đủ cảm xúc thì sự thăng hoa bắt đầu. Khi ấy, một năm lao động sáng tạo có khi tạo ra số tác phẩm bằng cả một đời dồn lại. Đó là trường hợp Tô Ngọc Thành.

Tô Ngọc Thành kể: Có những bức tâm huyết mình đương vẽ trên bản Mông đã có hai du khách Mỹ hỏi mua. Biết là họ mê bức tranh ấy thật nhưng mình phải có thời gian hoàn thiện tranh và suy nghĩ về việc nên bán hay không. Sau đấy, khách đã tìm về Hà Nội hỏi dò đến tận nhà. Nghệ thuật là thế. Nói khó để không bán mà họ vẫn cố theo đuổi để có bằng được tác phẩm ấy. Biết làm sao được. Có bức vẽ chưa ráo mầu bà du khách người Đức đã mua ngay với giá như đùa: 500 USD. Bà này ở trên phố Tô Ngọc Vân, mê tranh Tô Ngọc Vân nên khi gặp con trai nhà danh họa thì sướng lắm - ông Thành kể.

Bây giờ thì anh đành tạm biệt Sa Pa để lui về căn nhà nhỏ của mình nằm sâu trong một ngõ nhỏ khu Trung Tự để vẽ, để hoàn thiện những giấc mơ hội họa của mình. Anh đã bỏ lại phố phường tìm nơi núi rừng yên tĩnh để đi bằng cách của mình. “Chính quả” chưa thì không biết, nhưng anh đã làm nên chân dung mình sau bao nhiêu tìm kiếm. Vâng, Tô Ngọc Thành bây giờ đã yên lòng sau những tìm tòi lận đận trên trường đời gió bụi nghiệt ngã. Anh yên lòng vì đã không phụ lòng người cha thân yêu - nhà danh họa Tô Ngọc Vân khi ông di chúc trao lại phần di sản tác phẩm và cả nghiệp cầm bút vẽ cho anh.  

Tân Linh