Xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đề án "Huế-Kinh đô áo dài" vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Theo đó sẽ đưa áo dài trở thành sản phẩm văn hóa đặc sắc của Huế, tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận "Huế - Kinh đô áo dài"...

Áo dài Việt Nam xuất hiện từ thời nhà Nguyễn, được cách tân từ áo tứ thân, với tên gọi áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ. Từ năm 1930, các họa sĩ, nhà thiết kế đã phát triển trang phục thành áo dài hiện đại như ngày nay. Áo dài truyền thống là niềm tự hào của người Việt Nam.

Từ những lễ nghi quan trọng của quốc gia đến sinh hoạt văn hóa thường ngày, mọi người đều có thể sử dụng trang phục áo dài để thêm phần trang trọng cũng như thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Song, cũng vì chưa hiểu hết giá trị những bộ áo dài mà nhiều người mặc chưa đúng, hoặc đã cách tân thái quá khiến trang phục này không còn giữ được bản sắc văn hóa như vốn có.

Nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc áo dài truyền thống, những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống cũng như đề ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản...

Việc tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi được coi là "cái nôi của áo dài truyền thống" có chương trình hành động lớn như đề án "Huế - Kinh đô áo dài" hứa hẹn mang lại hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị áo dài với những lộ trình cụ thể.

Nam giới mặc áo dài đến công sở tại Huế

Nam giới mặc áo dài đến công sở tại Huế

Đề án sẽ triển khai việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị, thương hiệu áo dài Huế, xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Đồng thời khuyến khích từng bước đưa áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không giao văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống nhằm tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất cố đô Huế.

Hàng năm, Ngày hội Áo dài Huế trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng, được tổ chức định kỳ 2 lần/năm, là điểm nhấn của các kỳ lễ hội tại Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế.

Đề án “Huế- Kinh đô Áo dài” cũng tập trung nhiều nội dung về đánh giá thực trạng của việc bảo tồn, phát huy giá trị thương hiệu áo dài Huế hiện nay, trong đó đề cập đến việc đánh giá hạ tầng, nguồn lực để khai thác và phát triển áo dài Huế; khai thác, phát huy áo dài Huế qua các sự kiện cộng đồng, các hoạt động văn hóa- nghệ thuật…

Từ đó, đề ra những nhiệm vụ cụ thể như: nghiên cứu, sưu tầm, xây dựng cơ sở dữ liệu về Áo dài Huế; xây dựng các chương trình, hoạt động, video, clip và tổ chức quảng bá, truyền thồng hình ảnh về Áo dài Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Huế- Kinh đô Áo dài”; xây dựng cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực cho công tác quảng bá, truyền thông; cũng như kêu gọi đầu tư để hình thành các trung tâm trưng bày, may đo, đào tạo và trình diễn thời trang áo dài; xây dựng các tour du lịch, sản phẩm du lịch gắn với Áo dài Huế…