Vui vui bốt Hàng Đậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đã một tuần nay, cứ vào 17h30 là các ô cửa sổ tầng 2 và 3 của bốt Hàng Đậu lại thấy sáng đèn. Sự thay đổi này không khiến cánh ông già bà cả, những người chiều nào cũng ra vườn hoa Hàng Đậu tập thể dục, không khỏi ngạc nhiên. Ban đầu chưa mấy ai để ý nhưng 1 ngày, rồi 2, rồi 3 ngày, thấy chiều nào cũng vậy nên các cụ bắt đầu để ý…
Tháp nước Hàng Đậu sẽ trở thành điểm tham quan nhiều bất ngờ cho du khách

Tháp nước Hàng Đậu sẽ trở thành điểm tham quan nhiều bất ngờ cho du khách

Chuyện vặt ở vỉa hè

Ông Vạn tay nâng cốc nước vối, mắt nhìn chăm chăm vào mấy ô cửa sổ đang sáng đèn mà miên man suy nghĩ. Đối với ông, bốt Hàng Đậu quá đỗi quen thuộc, ông chưa uống cốc nước ngay mà quay sang hỏi bà Nga: “Bà thấy có gì mới không?”. Mải rót nước cho khách nên bà Nga chưa trả lời, mà thực ra bà có nghe thấy nhưng chẳng hiểu ông Vạn hỏi chuyện gì. Sau khi đã rót một lượt nước cho mấy người khách, bà mới quay lại hỏi: “Bác vừa hỏi em gì thế?”. Ông Vạn tủm tỉm cười: “Tôi hỏi bà có thấy mấy hôm nay các ô cửa sổ trên bốt Hàng Đậu sáng đèn không?”. Bà Nga xoay người nhìn, mắt nheo nheo: “Ừ nhỉ… bác nói em mới để ý đấy. Không hiểu người ta làm gì bên trong ấy?”.

Bốt Hàng Đậu là cái tên mà người Hà Nội (cả đến loa trên xe buýt cũng gọi thế) chỉ tháp nước do người Pháp xây dựng vào năm 1894 tại khu vực vườn hoa Hàng Đậu. Đến nay, cái tháp nước ấy có tuổi đời những 130 năm và trải qua 3 thế kỷ. Kể thì một công trình có tuổi đời như vậy cũng đáng để thiên hạ phải nể. Trải qua mấy cuộc chiến tranh, mấy lần bom đạn mà nó vẫn tồn tại dù đến nay nó không còn thực hiện chức năng ban đầu nữa. Thế nhưng cũng chẳng thấy có chuyện phải phá bỏ hay thay đổi mục đích sử dụng, tháp nước vẫn trầm ngâm đứng đó để bao người đi qua ngắm thấy hay hay, bao người sống ở các phố xung quanh xem nó như “người bạn cuộc đời”.

Không gian lung linh của Bốt Hàng Đậu sau khi cải tạo

Không gian lung linh của Bốt Hàng Đậu sau khi cải tạo

Cuộc trò chuyện bên quán nước vỉa hè đối diện với bốt Hàng Đậu chẳng thu xếp mà tự nhiên diễn ra. Ông Vạn đặt cốc nước vối xuống nói nhỏ: “Hy vọng không phải người ta tính khoác cho bốt Hàng Đậu một màu sơn mới?”. Câu nói này khiến ông Tú phải bật lên tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Đậu. Hơn 70 năm qua, cứ sáng mở mắt là tôi đã thấy nó rồi”.

Ông Dũng cũng thêm lời: “Em tuy ít tuổi hơn bác, nhưng em cũng như bác, ngày nào cũng nhìn mà em chẳng thấy cái bốt Hàng Đậu thừa thãi cả”. Đúng vậy, tháp nước Hàng Đậu có kiến trúc hình trụ, đường kính 19m với 3 tầng, có chiều cao 25m. Người Pháp khi xây dựng nó đã đặt tên là Đài Đầu (nghĩa là đài cao truyền cấp nước từ ngay đoạn đầu vào nội thành). Nó có dung tích chứa và cấp nước lên tới 1.250m3. Quanh tháp có 54 ô cửa nhìn nhang nhác như lỗ châu mai ở các lô cốt của lính Pháp nên người Hà Nội đã theo đó mà gọi là bốt Hàng Đậu. Cái tên dựa vào hình dạng hóa ra lại trở thành một danh từ mà ai ai cũng chấp nhận được.

Ông Tú lại lên tiếng sau khi phả làn khói thuốc lào mù mịt lên trời: “Tôi sinh ra đã thấy bốt Hàng Đậu có màu giống như màu xi măng như thế này rồi. Ông nội tôi, rồi bố tôi hồi còn sống cũng nói nó có màu như vậy”. Ông Dũng tiếp lời: “Mấy năm trước người ta có ý định thay áo mới cho bốt Hàng Đậu này bằng sơn trắng. Họ đã sơn thử nhưng thấy dư luận không đồng tình, vậy là họ lại hoàn màu sơn cũ đấy”.

Phối cảnh thiết kế bên trong bốt Hàng Đậu

Phối cảnh thiết kế bên trong bốt Hàng Đậu

Hồi sinh những công trình

Vì sống gần bốt Hàng Đậu nên cũng có lúc đi qua tôi thấy ngại ngại. Chẳng hiểu tại sao mà sân bốt quanh năm ngày tháng nước cứ rỉ rả chảy đến mức rêu mốc sinh ra khắp nơi rất dễ trơn trượt. Chẳng mấy ai dám đi vào chỗ đó vì sợ vô phúc mà trượt chân thì khốn. Đau mình mẩy đã đành, lại thêm quần áo dính nước xú uế thì dở. Một dạo quanh bốt Hàng Đậu bị biến thành nơi người ta tiện đường ghé vào để “giải quyết nỗi buồn”. Thế là mọi người mỗi khi ngang qua đều tìm cách tránh.

Bà Nga góp thêm: “Đúng là dạo ấy ướt át bẩn thỉu thật. Em bán nước chè ở tận đây mà gặp hôm gió ngược thì cứ lấy tay bịt mũi suốt. May mà Nhà nước đã cho làm vệ sinh, chiếu sáng và căng dây xích nên giờ thấy đỡ rất nhiều”. Ông Dũng vội nói: “Quanh bốt Hàng Đậu bây giờ có rất nhiều em gái xinh đẹp ghé vào chụp ảnh. Thiên hạ bảo đó là điểm “check in” được các thanh nữ yêu thích lắm”. Cũng rất có lý bởi ngay trước mặt bốt Hàng Đậu là vườn hoa Hàng Đậu, liền ngay đó là phố Phan Đình Phùng - phố “check in” tấp nập của giới trẻ Hà thành. Các cô gái thường rủ nhau đến đây chụp mấy kiểu ảnh rồi đưa lên Facebook, Tiktok khoe bạn khoe bè.

Tôi nói thêm: “Cái hay của bốt Hàng Đậu là màu xi măng cổ điển làm nền cho các tà áo trắng đứng ghé bên tường chụp rất lên hình”. Nghe vậy, bà Nga cười chảy nước mắt: “Sao hôm nay các bác “văn hóa” thế? Mọi bữa chỉ thấy các bác uống nước vối với hút thuốc lào thôi”. Tôi bật cười: “Thì tức cảnh sinh tình mà”. Ông Tú bây giờ mới thủng thẳng: “Tôi nghe người ta nói, bốt Hàng Đậu lần này sẽ được làm mới. Nhưng không phải sơn màu mới mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Kiến trúc sư Việt Nam và nhiều đơn vị sẽ tổ chức tại đây Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023. Các ông các bà thấy mấy hôm nay công nhân kéo đường điện, lắp bóng đèn sáng khắp các ô cửa sổ đấy”.

Tháp nước Hàng Đậu (thời Pháp thuộc) được người dân gọi thành bốt Hàng Đậu

Tháp nước Hàng Đậu (thời Pháp thuộc) được người dân gọi thành bốt Hàng Đậu

Được biết, lần này thành phố sẽ “đánh thức” bốt Hàng Đậu sau bao nhiêu năm “ngủ quên”. Chương trình này sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống âm thanh, qua đó tái hiện lại những âm thanh của nước trong tự nhiên, lắp đặt ánh sáng với những hình ảnh nhấn mạnh tác động của đô thị tới môi trường tự nhiên.

Nghe vậy ông Tú reo lên: “Thế thì tuyệt vời quá. Mọi người sẽ có cơ hội được vào trong bốt để tham quan một công trình cổ xưa của Hà Nội”. Bà Nga lại tủm tỉm: “Lại thêm cụ Tú cũng “văn hóa” hẳn lên rồi”.

Câu chuyện giữa những người sống bên tháp nước Hàng Đậu cứ thế rôm rả. Bà Nga rót cho mỗi người một cốc nước vối nữa: “Cốc này em mời các bác”. Ông Dũng đỡ cốc nước: “Nhờ có bốt Hàng Đậu đổi mới mà hôm nay chúng ta được uống nước miễn phí của bà Nga”. Bà Nga lườm: “Riêng ông hôm nay tôi miễn phí thêm cốc nữa”. Mọi người cùng cười.

Từ ngày 17-11, bốt Hàng Đậu sẽ mở cửa cho mọi người vào bên trong tham quan. Đây cũng là dịp để các tác giả của công trình Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 truyền tải tới công chúng về vai trò của nước trong cuộc sống cũng như sự gắn kết giữa con người với tự nhiên. Đó cũng là cơ hội để công trình kiến trúc này tồn tại và trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước mỗi khi tới Hà Nội, hứa hẹn những kết nối với các điểm tham quan khác xung quanh.