Vở kịch ra mắt “trái mùa”

ANTĐ - Vở kịch “Chuyện chàng dũng sỹ” là tác phẩm sân khấu duy nhất dành cho thiếu nhi được Nhà hát Kịch Việt Nam “tung ra” vào thời điểm “trái vụ”. Xét về mặt thời gian, vở kịch này đã được chuẩn bị để đón “vụ mùa thiếu nhi” sớm cả năm trời.
Vở kịch ra mắt “trái mùa” ảnh 1

Truyền khát vọng cho tuổi thơ

Từ lâu, vào mỗi dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu, các nhà hát, các nhóm nghệ sỹ đua nhau tung ra các sản phẩm nghệ thuật phục vụ nhu cầu giải trí của các em nhỏ. Vì thế, sân khấu thiếu nhi không tránh khỏi lối dàn dựng chộp giật, manh mún, chỉ rộ lên độ dăm bữa nửa tháng rồi lại rơi vào im lặng. Ở thời điểm cuối năm, các nhà hát đua nhau dựng các vở chính kịch, hài kịch thì việc Nhà hát Kịch Việt Nam cho ra mắt vở kịch thiếu nhi “Chuyện chàng dũng sỹ” được coi là lạ và bất thường. Lý do dựng vở kịch này được Giám đốc Nguyễn Thế Vinh giải thích: “Vở sẽ tham dự Liên hoan và diễn đàn Sân khấu Trung Quốc-ASEAN lần thứ hai tổ chức tại Nam Ninh –Trung Quốc vào tháng này. Ngoài ra, Nhà hát Kịch Việt Nam muốn mang đến cho các em thiếu nhi một sản phẩm sân khấu chất lượng và được chuẩn bị công phu”.

Do NSƯT Anh Tú chuyển thể từ sử thi “Bài ca Đam San” rồi được Phó Giám đốc nhà hát dàn dựng, vở kịch “Chuyện chàng dũng sỹ” không đi sâu vào nội dung câu chuyện sử thi mà truyền đến các em kiệt tác văn học của dân tộc Ê Đê. Đó là khát vọng chinh phục, chiến thắng và làm chủ thiên nhiên của con người. Sân khấu được thiết kế đơn giản nhưng vẫn rực rỡ sắc màu. Cây nêu, hình tượng nghệ thuật kiến trúc và biểu tượng tâm linh trong các nghi lễ truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên trên sân khấu được cách điệu đã trở nên sinh động và hấp dẫn với các em thiếu nhi. Vở kịch đã đưa các em nhỏ đến với không khí của ngày hội Tây Nguyên rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng, nhịp nhàng điệu múa của các em thiếu nhi xúng xính trong váy áo. Ở đó, chàng dũng sỹ Đam San đã xuất hiện lẫm liệt và là biểu tượng cho sức mạnh, lòng dũng cảm bảo vệ con người của dân tộc Ê Đê. 

Diễn viên trẻ lại

Vở kịch dành cho thiếu nhi không thể cứng nhắc và bắt các em nhỏ phải ngồi im theo dõi từ đầu đến cuối câu chuyện, nên những màn nhảy múa của các nhân vật không thể thiếu. Tuy nhiên, liều lượng mà đạo diễn Anh Tú đưa vào “Chuyện chàng dũng sỹ” có đủ nút thắt, nút mở, khơi gợi trong mỗi em niềm khao khát chinh phục những đỉnh cao và truyền đến các em nghị lực vượt qua khó khăn. Dàn diễn viên của “Chuyện chàng dũng sỹ” đều không còn trẻ. Người trẻ nhất là nghệ sỹ Tạ Tuấn Minh (Đam San) cũng đã ngoài 30 tuổi và người nhiều tuổi nhất là nghệ sỹ Phú Đôn (Cây ông) đã ngấp nghé về hưu nhưng bỗng trẻ lại đến cả chục tuổi. Với thời lượng hơn 1 tiếng đồng hồ, vở kịch đã xây dựng hình ảnh Đam San, người anh hùng trong sử thi “Bài ca Đam San” của dân tộc Ê Đê là một tù trưởng dũng mãnh, có tâm hồn cao đẹp, yêu thiên nhiên, loài vật và con người. Chàng đã hỏi cưới Nữ thần Mặt trời làm vợ và bị lửa thiêu cháy. Cảm phục trước tấm lòng dũng cảm của Đam San, Nữ thần Mặt trời đã dùng phép màu để hồi sinh chàng, đưa Đam San trở về để sinh sống và bảo vệ buôn làng.