Viết văn cũng là nhiệm vụ

(ANTĐ) -Trước khi trở thành biên tập viên NXB Quân đội nhân dân, Nguyễn Xuân Thủy có gần chục năm lăn lộn với công việc viết báo về những người lính, trong đó những người lính Trường Sa luôn là đề tài mà anh yêu thích và thông thuộc nhất.

Viết văn cũng là nhiệm vụ

(ANTĐ) -Trước khi trở thành biên tập viên NXB Quân đội nhân dân, Nguyễn Xuân Thủy có gần chục năm lăn lộn với công việc viết báo về những người lính, trong đó những người lính Trường Sa luôn là đề tài mà anh yêu thích và thông thuộc nhất.

Rất nhiều người trẻ tuổi hôm nay bắt đầu vào đời từ giảng đường đại học, còn tuổi 18 của Nguyễn Xuân Thủy lại là những ngày rời quê nhà Phú Thọ, khoác ba lô ra Trường Sa. Những năm tháng trong quân ngũ giữa biển và gió, giữa bão táp khắc nghiệt là tình đồng chí, đồng đội. Đó chính là cuộc sống chân thật và cảm động đến nao lòng về Trường Sa trong “Biển xanh màu lá” - cuốn tiểu thuyết mới nhất của anh.

- Nhà văn - người lính, anh tự thấy phẩm chất nào trong con người mình mạnh hơn?

- Tôi tập tành văn chương từ trước khi vào bộ đội. Cứ tưởng rằng sau khi vào môi trường binh nghiệp, những cảm hứng văn chương vừa mới nhen lên buổi ban đầu ấy sẽ mai một và ngủ yên. Nhưng rồi không hiểu sao, trong những năm tháng dài quân ngũ tôi vẫn viết, dù đôi khi đó chỉ là những phút nổi loạn riêng tư ít ỏi trong một môi trường khắc nghiệt. Văn chương không phải là thứ tôi lựa chọn ban đầu, nhưng nó lại là công việc tôi đang làm hiện nay trên cương vị là một người lính. Tôi nghĩ tất cả những nhà văn khoác áo lính bao giờ họ cũng đặt vai trò người lính lên trên. Với tôi, chủ quan mà nói thì tôi cho rằng, phẩm chất người lính trong tôi vẫn đậm nét, mạnh hơn phẩm chất nhà văn. Trước hết, tôi là một người lính.

- Anh đến với văn chương hồn nhiên và đã đi một chặng đường khá dài. Từ truyện ngắn đầu tiên đến tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” có gì đã khác đi trong anh?

- Truyện đầu tay được in ít ra thì nó cũng vạch ra một con đường, một công việc có vẻ sáng sủa hơn mà tôi có thể làm trong quân đội, là động lực để tôi có niềm tin cho những sáng tác tiếp theo. Tôi viết chậm và ít, cùng với việc vừa học vừa làm, lại bận rộn đeo đuổi với việc làm báo, vì thế có thời gian anh em, đồng đội có người còn tưởng tôi đã gác bút không viết văn nữa. Việc ra tiểu thuyết “Biển xanh màu lá” và tập truyện ngắn “Dòng đời cuộn chảy” vừa rồi gần như là sơ kết một chặng đường văn chương ban đầu của tôi. Nếu có một khoảng cách từ truyện ngắn đầu tiên đến “Biển xanh màu lá” thì nó đơn thuần chỉ là… hình thức - lúc đầu là viết truyện ngắn, sau tôi đã tiến tới những trang viết dài hơi hơn. Nói thật, khi đề hai từ “tiểu thuyết” lên bản thảo, tôi thấy rất… ngập ngừng. Tôi vẫn cho rằng, cả hai tập sách đều là những sản phẩm đầu tay của những bỡ ngỡ và bản năng, dù rằng có thể sau này tôi viết còn… dở hơn thế. Đặc biệt, nhờ có văn chương mà tôi được chuyển ra Hà Nội làm việc (cười).

-“Biển xanh màu lá” phải chăng là sự trải nghiệm bắt đầu của một thanh niên rời làng ra biển, bắt đầu nhận thức, bắt đầu làm người lớn, bắt đầu biết hiểm nguy nhưng cũng bắt đầu biết yêu thương một cách đắm say?

- Một phần câu chuyện là như thế. ít ra đó là hành trình của nhân vật dẫn chuyện - một cậu lính trẻ. Tôi mượn cậu ta để chuyển tải những thông điệp.

- Có gì thuộc về cá nhân anh trong “Biển xanh màu lá”? Người ta có quyền hỏi, rằng có một phần tự truyện của Nguyễn Xuân Thủy trong cuốn tiểu thuyết này?

- Đương nhiên rồi. Dấu ấn tác giả khá lớn trong “Biển xanh màu lá”, nhân vật Phương gần như đồng hành với tôi, đó là những tâm lý tôi đã trải qua và thuộc hơn, tôi rất sợ bị giả, khi viết tôi luôn thường trực ý nghĩ những người lính ở cơ sở họ sẽ tiếp nhận nó như thế nào. Có lẽ người viết văn ở giai đoạn đầu thường có tâm lý đó.

- Anh đã đến, đã sống ở Trường Sa trong một thời gian đủ dài để hiểu được sự dữ dội của thiên nhiên và sự dẻo dai của sức lực và ý chí con người. Vậy Trường Sa có phải là đề tài lớn nhất mà anh muốn theo đuổi trong nghiệp văn của mình?

- Nó sẽ là đề tài lớn nhất với tôi đến thời điểm này. Đã là người cầm bút thì khát vọng lớn nhất vẫn là vấn đề con người, dù cho đó là về Trường Sa, Trường Sơn, hay một đề tài xã hội nào khác thì vẫn là vấn đề con người. Sau này tôi có thể không viết về Trường Sa, nhưng nó sẽ mãi để lại một dấu ấn không bao giờ phai trong tôi.

- Trường Sa có phải là miền đất gian khó nhất mà anh từng tới? Và có điều gì ở đó anh cảm thấy nó sẽ thuộc về mình mãi mãi?

- Trong những năm tháng quân ngũ của mình, tôi đi qua khá nhiều vùng miền. Lúc đầu là Hà Tây, rồi Hà Nội, sau đó tôi được điều động vào phía Nam, đã từng có thời gian ở Tây Nguyên, ở vùng duyên hải Nam Trung bộ, và Trường Sa là nơi gian khó nhất. Tình đồng đội và tình người sẽ mãi là những lắng đọng...

- Anh có thường trở lại Trường Sa? Ngày anh đến và ngày anh trở lại, Trường Sa có gì đổi thay, có gì nguyên vẹn?

- Tháng 5 vừa rồi, sau 7 năm rời đảo, tôi có chuyến trở lại Trường Sa khá “ồn ào” với tư cách nhà báo và tác giả mang sách tặng lính đảo. Trong khoảng thời gian 7 năm Trường Sa đã có nhiều thay đổi, những đồng đội của tôi phần lớn cũng đã trở về đất liền nhận những nhiệm vụ khác, tôi có gặp lại một số người trước đây từng ở cùng với mình trên đảo Trường Sa lớn, giờ đây đang công tác tại các đảo khác của Quần đảo Trường Sa. Tôi được về lại đơn vị cũ của mình, được ôn lại những kỷ niệm Trường Sa, ăn thịt hộp, được tắm lại ở vùng biển Trường Sa. Tình đồng chí đồng đội là thứ mãi mãi không thay đổi, tôi cảm nhận rất rõ điều này trong chuyến trở lại Trường Sa vừa rồi.

- Tôi cho rằng, “Biển xanh màu lá” không phải là cuốn tiểu thuyết có kỹ thuật xuất sắc, cũng không mang đề tài thời thượng, thậm chí còn có chút gì đó hơi “đỏ” trong tư duy nữa, nhưng nó lay động được tâm hồn người đọc trẻ bởi những chi tiết chân thật, xúc động, những trải nghiệm của người trong cuộc. Bản thân anh có hài lòng với “Biển xanh màu lá” không?

- Nói là hài lòng tuyệt đối thì không, bởi ai cũng có ham muốn sản phẩm mình làm ra, nhất là sản phẩm văn chương, phải hoàn hảo, và có thể ngay sau khi viết đã phát hiện, nhận ra điều này điều kia chưa ổn, thế nhưng nó là kết quả của một quá trình lao động. Ngay từ khi đặt bút viết nó tôi đã coi đây sẽ như một món quà gửi tặng những người lính Trường Sa, nên tôi đã viết với tất cả trải nghiệm thực tế tại Trường Sa và kinh nghiệm văn chương ít ỏi của bản thân ở thời điểm đó. Có những cái yếu, cái sai sửa được, nhưng cũng có những cái yếu cái sai mà người viết bất lực với nó, do cái tài của mỗi người thôi.

- Nghe nói anh đang chuẩn bị ra tiếp tập sách mới. Đó có phải là cuốn sách về những người lính không, thưa anh?

- Tôi đang viết dở cuốn tiểu thuyết thứ hai, nhưng có lẽ chưa ra ngay được, vì chưa biết… bao giờ mới xong. Mới viết được phân nửa, nhưng phần vì bận với việc chuyển đổi công việc, phần cũng hơi lúng túng nên tạm dừng lại để lấy đà viết tiếp. Lần này thì hoàn toàn không phải là về những người lính, đó là một cuốn tiểu thuyết hưởng ứng cuộc vận động viết về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức.

Một cuốn sách về tác động sâu sắc của thế giới mạng tới hành vi con người với một nhân vật được sinh ra từ Internet, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của Internet… Nhưng với một người viết trong quân đội như tôi thì những người lính sẽ là nhân vật trung tâm và là đề tài lâu bền trong nghiệp viết.

- Anh mong chờ điều gì từ văn chương? Anh có cho rằng, lập nghiệp bằng văn chương ở thời điểm hiện tại là cuộc chơi xa xỉ, ngông cuồng và kèm theo ảo tưởng?

- Với người lính thì… viết văn cũng là một nhiệm vụ. Nuôi và để tôi viết văn chắc quân đội đỡ “thiệt” hơn vì viết văn là công việc tôi có thể làm tốt nhất trong vai trò người lính. Tôi cũng không kỳ vọng điều gì lớn lao trong việc viết văn, chỉ đơn giản là được chia sẻ và tôi cho viết văn là cách chia sẻ tốt nhất. Còn nếu nhận được điều gì lớn hơn thế thì đó là… ngoài ý muốn của tôi.

Đến với văn chương không thể tính được mất, hơn thua, nếu đã ảo tưởng thì tốt nhất là đừng tỉnh ra, như thế sẽ không phải đối mặt với bi kịch. Còn nếu nói rằng lập nghiệp bằng văn chương là con đường xa xỉ, ngông cuồng thì phải thêm vào sự cám dỗ nữa, bởi hiện tại đang có rất nhiều người đi theo con đường này. Văn chương muôn đời vẫn có sức hấp dẫn nhất định.

- Anh có theo dõi văn chương của bạn bè đồng thế hệ? Anh đánh giá thế nào về họ?

- Tôi theo dõi không thường xuyên và không có hệ thống. Bạn viết quen thì đọc, còn lại tôi đọc những tác phẩm có dư luận hoặc được giới thiệu. Tôi luôn thấy mình cũ hơn họ, kém cỏi, tụt hậu hơn họ. Nếu so với các thế hệ trước, họ được trang bị những hành trang tốt hơn, có nền tảng hơn, nhiều cơ hội hơn, và nhiều người đã nắm bắt được những cơ hội đó. Nhưng cũng có những người hơi thái quá theo nghĩa không tốt, tôi hay quan tâm đến thái độ của người viết với tác phẩm của họ và trước công chúng.

- Anh có bao giờ băn khoăn về những sáng tác của mình? Rằng nó chỉn chu quá, nó “lính quá” mà nó thiếu đi sự thăng hoa?

- Vâng, có chứ. Nghe bạn đọc, bạn viết có những nhận xét mình cũng phải nghĩ ngợi chứ. Cũng có thể do chất lính nó át chất văn, cũng có thể do cái tạng của tôi nó thế. Khổ nỗi là văn chương rất khó để đo đếm, nếu có thể rạch ròi như giơ tay biểu quyết thì nếu số phiếu không quá bán có lẽ tôi đã chuyển đi làm việc khác rồi.

- Bạn đọc có nên biết thêm gì về đời riêng của anh không? ý tôi là anh muốn nói gì với họ về bản thân mình không?

- Một người lính viết văn. Tôi nghĩ thế là đủ. Còn ai muốn biết sâu hơn tốt nhất hãy trở thành bạn của tôi.

Phi Phan (Thực hiện)