Nhà văn Sương Nguyệt Minh:

“Viết để thức tỉnh đám đàn ông dại dột”

ANTĐ - Nhà văn Sương Nguyệt Minh lâu nay gắn bó với đề tài chiến tranh, nông thôn, với giọng văn da diết, dung dị, có lúc dữ dội nhưng vẫn ấm áp, nhân hậu. Cách đây 5 năm anh bỗng trình làng tập truyện ngắn “Dị Hương” với bút pháp hiện thực - huyền ảo gai góc và bây giờ là tập tản văn có cái tên gây sốc, gợi tò mò “Đàn ông chọn khe ngực sâu”. Cuốn sách gồm 20 bài về thế giới phụ nữ, lời lẽ lúc trân trọng tôn vinh, lúc tung tẩy, ngoa ngoắt, nghiệt ngã.
“Viết để thức tỉnh đám đàn ông dại dột” ảnh 1
Bìa sách “Đàn ông chọn khe ngực sâu”


- PV: Nhân vật đàn bà trong các tác phẩm của anh đa phần đều rất ghê gớm, đáo để. Anh có thấy mình quá nghiệt ngã khi xây dựng những nhân vật phụ nữ như thế không?

- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Với tôi, đàn bà không chỉ ghê gớm lọc lõi, mà còn khó hiểu, cực kỳ bí ẩn, chứ không hời hợt, nông cạn, đơn giản như nhiều đàn ông vẫn nghĩ. Đàn bà vừa ngoan hiền, vừa nanh nọc. Họ vừa gần gũi vừa xa xăm. Họ làm cho ta cáu giận, độc đoán quyết liệt nhưng cũng làm cho ta run rẩy, mềm lòng rồi bị khuất phục. Họ vừa làm cho ta hạnh phúc vừa làm cho ta đau đớn, buốt giá. Họ làm cho ta thông minh, tỉnh táo, vừa khù khờ, ngu ngơ, dại dột. Họ là cái bếp quanh năm đỏ lửa, đồng thời cũng làm căn nhà lạnh lẽo.

- Trong “Đàn ông chọn khe ngực sâu” anh phân tích đủ mọi lẽ thiệt - hơn của đàn bà thông minh mà xấu và đàn bà đẹp mà đần; Vậy còn cá nhân Sương Nguyệt Minh, anh muốn người đàn bà của mình phải thế nào?

- Thường thì người ta thiếu gì thì ước muốn, đi tìm kiếm cái đó và người ta có rồi không ai rước thêm về làm gì. Nhưng thằng đàn ông là tôi ở trường hợp ngoại lệ là: Giời se duyên. Tôi chưa bao giờ đứng trước sự lựa chọn ấy, và không bị cuốn vào sự lựa chọn ấy. 

-  “Chẳng người đàn ông nào dại gì mà lấy một người đàn bà thông minh suốt ngày lê dép quèn quẹt trong óc mình” - nghe điều này có vẻ tự ti và chủ quan quá không?

- Nếu người đàn ông nào mà lấy người phụ nữ suốt ngày đọc được ý nghĩ của mình thì thực sự là bi kịch. Bản chất của con người nói chung là luôn khám phá, tìm cái mới, cái ly kỳ bí ẩn. Một khi không còn gì bí ẩn nữa mọi chuyện sẽ trở nên nhàm chán. Tương lai thì xa xôi mù mịt, vì thế mới sống được một cách an lành, an tâm để trải nghiệm, còn nếu chúng ta biết tương lai rõ ràng như thuộc đường chỉ lòng bàn tay: năm nào bị thất tình, năm nào thân bại danh liệt, năm nào thành đạt, năm nào bị án tử hình… thì hoảng sợ lắm, chẳng ai dám sống. Mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà cũng thế, còn bí ẩn còn chinh phục, còn hấp dẫn thì mới sáng tạo. 

- Có ai bảo với anh rằng, nhiều trang viết của anh bày tỏ thái độ cay nghiệt với phụ nữ?

- Có đấy. Nhưng khi tôi bảo: “Đã đọc hết chưa? Chưa thì đọc hết đi đã”. Đọc hết, lại bảo thấy ấm áp. Tác phẩm của tôi, tìm được lời nói cay nghiệt về đàn bà thì khó lắm!

- Và anh cũng đã vạch vòi tất tật cả nhược điểm, mưu mô, thủ đoạn của phụ nữ bằng những hình ảnh, chi tiết nghệ thuật…

- À, tôi thuộc đám đàn ông vốn rất ngây thơ, khù khờ, cả tin. Dù “cơm chấm cơm” tôi cũng cố viết để thức tỉnh cái đám dại dột ấy. Người ta có lòng tin thì mới sống được nhưng cũng phải biết hoài nghi mới sống tốt. Chẳng hạn, viết về “Thời chung thủy tốt đẹp đã qua”, tôi không vạch vòi hay soi mói phụ nữ. Tôi viết trong tâm thế của sự tiếc nuối, thương xót những người mẹ, người chị ngày xưa đằng đẵng 5 năm, 10 năm chờ chồng, chờ người yêu. Bây giờ, thời thế thay đổi, sự thủy chung thành một món đồ xa xỉ, thậm chí bị coi rẻ không ra cái gì. Vật chất có sức công phá rất mạnh mẽ, nó tàn phá lòng tin, tình thương, nó bào mòn tâm hồn tình cảm thì còn gì mà chờ nhau nữa.

- Anh viết về: Đàn bà buôn chuyện. Đàn bà lọc lõi ghê gớm. Đàn bà 30 sex như hổ sói. Anh có sợ những người đàn bà xung quanh anh như vợ, người thân, đồng nghiệp và bạn đọc nữ giận anh không?

- “Ai có tật thì giật mình”. Tôi chưa thấy những phụ nữ mà tôi thân thiết phải giật mình. Hay họ giật mình mà tôi không biết chăng? Có khi họ đọc xong, lại bảo: “Ông này viết “bêu diếu” cả thế giới đàn bà, chắc là trừ mình ra” (cười). Ấy là nói vui. Không phải lần đầu tôi nói chuyện này đâu. Trong những lúc trà dư tửu hậu, tôi và bạn bè cả nam và nữ vẫn hay tranh luận về tình yêu, chọn vợ, chọn chồng, chọn người tình. Tập tản văn này chỉ là một cách nhìn của một người đàn ông viết văn trong nhiều cách nhìn khác về thế giới phụ nữ. 

- Vậy mà, nhìn bề ngoài anh rất thật thà, giống một anh giáo làng mô phạm, chẳng có vẻ đào hoa, lọc lõi để sắc sảo triết luận chuyên sâu về phụ nữ?

- Tôi là đàn ông khù khờ, nhưng tôi còn là nhà văn. Tôi luôn quan sát, ghi chép hiện tượng, sự kiện, con người và nghiền ngẫm về những cái tôi đã thu nhận. Thế giới phụ nữ là nơi có những nhân vật văn học cần khảo sát đưa vào tác phẩm. Khi tiếp xúc với một ai đó, một khi có ấn tượng thì người đó bao giờ cũng ám ảnh rất lâu trong đầu tôi. Họ đi rồi, nhưng trong tôi vẫn giữ lại hình bóng, nét mặt, ánh mắt nụ cười, tướng mạo, lời nói, cá tính… Mỗi phụ nữ ấn tượng (ấn tượng xấu hoặc ấn tượng đẹp) đều có thể trở thành nhân vật văn học của nhà văn mà.   

- Một người phụ nữ thế nào để lại ấn tượng lâu trong anh?

- Đó là người phụ nữ có duyên. Phụ nữ đẹp mà vô duyên, thì chỉ “xác hồn”, chứ không có tâm hồn; cũng giống bông hoa sặc sỡ không có hương thơm, mà phải là hương thơm dịu nhẹ thoang thoảng lặng thầm tỏa ra, chứ hương nồng nã, hương gắt thì cũng… sợ. Cái duyên nhiều khi nó thầm lặng, khiến người đối diện không nhận ra, lâu rồi mới dần dần bị cuốn hút, bị quyến rũ. Cả mối quan hệ giữa người cùng giới cũng phải có chữ duyên mới gắn bó, mới chơi thân với nhau lâu dài; chứ còn về hình thức, nếu chỉ tính mỗi cái đẹp thì mất cái đẹp này sẽ có cái đẹp khác ngay. 

- Với góc nhìn của một nhà văn, anh thấy phái yếu bây giờ có yếu không?

- Tôi chẳng thấy họ yếu tí nào. Họ đang tiến lên làm một “cuộc cách mạng thay đổi thế giới”. Ngày xưa đàn bà, con gái “Tam tòng tứ đức”, bây giờ tự chủ tự tin, tự chủ về kinh tế, tự chủ về tình cảm. Nếu bị đẩy đến tận cùng xung đột, nửa đêm gà gáy phụ nữ cũng có thể xách vali ra khỏi nhà không thương tiếc, không ân hận.  Thời hiện đại, đàn ông đã bớt gia trưởng, biết chỉnh lại sự độc đoán, cân bằng quyền lực trong gia đình. Còn phụ nữ khi đã tự chủ thì tự tin, và biết mình cần phải cứng rắn khi cần thiết. Điều này có lợi cho con cái, thấy sự ứng xử của người mẹ, con cái (nhất là con gái) cũng học được cái sự mạnh mẽ, không thụ động, cam chịu. Tất nhiên, phụ nữ mạnh mẽ quá, dương tính quá thì “già néo đứt dây”. Thiên chức phụ nữ là dịu dàng, nhường nhịn. Phụ nữ vẫn cần nhường nhịn một tí thôi thì gia đình mới yên ấm. Đàn ông xây nhà, đàn bà giữ bếp lửa ấm mà. Thế nên tôi mới phê phán phụ nữ “Quanh năm bếp không đỏ lửa”. 

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!