Văn chương đã không còn rạch ròi thể loại

ANTĐ - Nếu như việc xác định một thể loại của một tác phẩm văn học trước đây đơn giản là tiểu thuyết, là truyện ngắn, là phóng sự… thì nay cầm trên tay một cuốn sách, người đọc chưa chắc đã biết nó thuộc thể loại gì. Bởi hình như cái gì đăng lên mạng và từ mạng đi ra cũng có thể trở thành sách. 

Văn chương đã không còn rạch ròi thể loại ảnh 1Mạng internet đã tạo đà cho nhiều cây bút cất cánh

Văn chương “phi thể loại”

Lâu nay bất cứ tác phẩm nào được “xuất thân” là “văn chương mạng” hay đi ra từ internet đều ít nhiều bị áp đặt cái sự ngờ vực về tính chính thống của nó. Mặc dù, văn chương mạng có nhiều loại, chẳng hạn như một số tác phẩm được đưa lên mạng nhằm thăm dò dư luận trước khi in ấn, một số khi được đăng lên vô tình nhận được phản ứng tốt nên được xuất bản, hay một số khác chỉ hoàn toàn “sống” ở trên mạng… Không thể phủ nhận nhờ internet đã có vô số thể loại văn học mà trước đây không có.

Vài dòng trạng thái chia sẻ trên facebook, một vài mẩu chuyện lẻ tẻ được lưu truyền trên các diễn đàn hay blog trước đây, những dòng thư từ trao đổi qua lại không rõ ý đồ, hay thậm chí một vài danh ngôn tự sáng tác… cũng có thể quy tập và đứng độc lập thành một cuốn sách. Thậm chí, bất cứ tập hợp những bài viết ngẫu hứng, không theo chủ đề… đều được xếp chung là tản văn hay tùy bút. Nhưng nếu xét trên nhiều phương diện, nhiều tác phẩm chỉ đơn thuần là bộc lộ cái tôi cá nhân, chứ chưa chạm được những tính cách rất nổi bật của thể loại này như tính khảo cứu hay phản biện rất gần gũi với báo chí.   

Cách đây không lâu, khi cuốn “Lòng người mênh mang” của cây bút Hoàng Hồng Minh ra mắt cũng đã gây nên một sự xôn xao trong làng văn khi tác giả tự xác lập một thể loại mới đó là “tản bút tùy văn”. Tác phẩm tập hợp những mẩu trò chuyện ngắn của tác giả về thế sự, về đối nhân xử thế… với lối đàm luận hóm hỉnh nhưng cũng đầy thâm thúy.

Hay nữ đạo diễn Việt Linh cũng đã trình làng cả một cuốn “truyện phim” mang tên “Ở đây có nắng”, trong đó hoàn toàn theo mô típ điện ảnh, với kết cấu nhiều lớp, nhiều thoại như trải một bộ phim lên trên con chữ. Tuy nhiên, ngoại trừ một vài cây bút đã mạnh dạn định danh cho tác phẩm của mình, còn đa phần đều đang mông lung trước cái gọi là thể loại. Thực tế là chúng ta có vô số tác phẩm không biết xếp vào thể loại nào, vì xếp vào đâu cũng dở, cũng khiên cưỡng. 

Không có thước đo cho sự nổi tiếng

Đã qua cái thời văn học chỉ là tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài… tức là văn học chỉ gói trong những thể truyền thống, ngày nay nhờ sự cộng hưởng với internet, thị trường sách đã có vô số biến thể, để gọi một cái tên chung cho những tác phẩm này đó là “văn học số đông”. Tại sao lại có cả một trào lưu sáng tác ngôn tình, hay tại sao gần đây “light-novel” một dạng tiểu thuyết chuyển thể từ truyện tranh lại được quan tâm đến thế. Tại sao nhiều người vẫn mải miết lao vào thể loại này, mặc dù đã không ít lần bị đặt vào “chế độ cảnh báo”.

Câu trả lời chỉ có thể là do nó phục vụ nhu cầu của số đông, đáp ứng nhu cầu giải trí, dễ đọc, dễ cảm nhận hơn là phải nhăn nhó suy tưởng. Thế nên một bài viết hay một cuốn sách bỗng trở thành đối tượng săn lùng rất có khả năng nhờ tác phẩm đó khéo léo nắm bắt được tâm lý độc giả. Việc một tác giả được nhiều người đọc không hẳn là thước đo chất lượng tác phẩm mà đôi khi do danh tiếng của người viết tạo dựng được mà thôi. Chẳng thế mà nhà văn Trang Hạ, người sở hữu một blog có đến vài chục nghìn người đọc một ngày, cũng đã từng bi quan nói rằng “người ta vào vì đó là blog của Trang Hạ chứ không phải vì những tác phẩm của cô ấy”. 

Lẽ dĩ nhiên, độc giả ngày nay không cần và không nhất thiết phải tìm hiểu xem một tác phẩm phải được xếp vào thể loại gì, truyền thống hay phi truyền thống, hiện thực hay hư cấu… miễn là nó đáp ứng được nhu cầu của họ. Tuy nhiên, sự lên ngôi của thị hiếu hay trào lưu rõ ràng đang “cào bằng” những giá trị văn học, tạo ra một đời sống văn học thiếu đi những cá tính.

Nhà văn Y Ban nhận định, sự tung hô của truyền thông với một vài “hiện tượng” đang khiến những người đi sau nhầm tưởng thành công đã quá dễ dàng. Nhưng chỉ sau vài tuần được “PR” rầm rộ, tác giả nổi lên như cồn thì tác phẩm cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Thiết nghĩ, đã là viết thì phải có độc giả, nhưng cũng đừng vì một hai cái “bán chạy nhất” mà thỏa hiệp với chính mình.