Vài nét về dòng họ Nguyễn Nhã và ông tổ nghệ thuật đờn ca tài tử

ANTD.VN - Nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESSCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. 

Đây là loại hình nghệ thuật đặc trưng của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ và là sự kết hợp hòa quện đặc sắc giữa tiếng đàn, lời ca và đạo diễn vừa phản ảnh tinh hoa văn hóa nghìn năm văn hiến của dân tộc vừa mang những nét riêng của người dân phương Nam cần cù, bình dị, phóng khoáng can trường nhưng rất đỗi nhân văn. Ông tổ của dòng nhạc vốn là niềm tự hào của người dân Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung là người thuộc dòng họ Nguyễn Nhã (Dương Cốc), Nguyễn Nhữ (Quảng Trị).

Dòng âm nhạc đàn ca tài tử Nam bộ được hình thành rõ nét ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX bắt nguồn từ các dòng âm nhạc dân ca Nam bộ: nhạc lễ Nam bộ, nhạc sân khấu, hát bội Nam bộ và nhạc cung đình, thính phòng Huế. Những thập niên cuối thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm dân ca Nam bộ của các nhạc sĩ: Trần Kiết Tường, Quách Vũ, Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang và nhóm các tác giả Hội viên Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, tuy có nhiều dị bản khác nhau, song cho thấy phần lớn xuất hiện từ Bắc bộ và Trung bộ.

Trong quá trình lưu truyền, phổ biến rộng rãi bằng phương thức truyền miệng, trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt văn hóa lễ hội, người dân Nam bộ đã sáng tạo và làm phong phú thêm tạo nên đặc trưng riêng của kho tàng dân ca Nam bộ, góp phần hình thành ngữ điệu, giọng nói, giọng ca mang đặc trưng riêng của người Nam bộ với Bắc bộ và Trung bộ.

Có thể nói, nhạc đờn ca tài tử Nam bộ từ lúc mới phát sinh do ảnh hưởng trực tiếp hoặc khúc xạ bởi các dòng âm nhạc truyền thống dân tộc kể trên và không ngừng phát triển cho đến khi hội tụ đủ các yếu tố của môn nghệ thuật mới vừa mang tính bác học vừa mang tính dân gian là cả một quá trình đóng góp và xây dựng bằng trí tuệ, tình cảm và sự sáng tạo không ngừng của nhân dân Nam bộ mà nòng cốt là các Nghệ nhân, nhạc sĩ có tên tuổi, trong đó có những tài năng kiệt suất được tôn vinh là bậc tổ của nghệ thuật đờn ca tài tử như ở miền Đông Nam bộ có nghệ nhân - nhạc sĩ Nguyễn Quang Đại (thường gọi ông Ba Đợi), khu vực miền Tây Nam bộ có nghệ nhân, nhạc sĩ Lê Tài Khí (thường gọi ông Nhạc khí).

Theo gia phả văn bia của dòng họ Nguyễn Nhã do cụ Nguyễn Nhã Tịch giữ chức Thư lại ở trung dũng nhị đội cung soạn ngày 27 tháng 8 năm Đinh Sửu, niên hiệu vua Tự Đức thứ 30 (1877) lập bia và viết gia phả. Vào thời vua Lê Thế Tông (Duy Đàm 1573-1560), Thượng tổ ở xã Lại Yên, huyện Đan Phượng (nay là xã Lại Yên - huyện Hoài Đức - Hà Nội), họ là Nguyễn Văn. Thượng tổ Lại Yên sinh hạ được 7 cành, đến nay con cháu đã đông vì đất chật người đông nên Thượng tổ cho con cháu đi nơi khác lập nghiệp.

Trưởng tộc đệ nhất chi ở Lại Yên do Nguyễn Văn Huệ thờ phụng, đệ nhị chi về xã Dương Cốc, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai lập nghiệp. Cụ đệ nhị chi lên là Nguyễn Quý Công sinh được 2 người con: con trưởng là Nguyễn Phúc An (nhánh 1 mang dòng họ Nhã), còn người em là Tài Vũ (nhánh 2 mang dòng họ Tài). Đệ tam chi thì đi vào vùng Thanh Hóa theo Nguyễn Hoàng Nam tiến.

Theo tác giả Hà Thắng - Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế, Phả tộc Nguyễn Nhữ ở Nguyên Xá - Châu Minh Linh con cháu đông đúc, trù phú. Ông Nguyễn Như Diên con trai ông Nguyễn Nhữ Hậu đã rời làng Nguyên Xá vào định cư tại miền Hải Quế. 

Ông Nguyễn Quang Đại thuộc dòng họ Nguyễn Nhữ ở Hải Quế ngày nay. Ông sinh năm Mậu Ngọ (1855). Con đường Nguyễn Quang Đại đến với quan nhạc của triều Nguyễn không thấy nói tới. Phải chăng ông được em họ là Nguyễn Minh Thông làm việc tại nội triều Nguyễn dưới triều Vua Hàm Nghi (1844-1855) tiến cử, hoặc giả ông đã là quan nhạc dưới triều Tự Đức, Kiến Phúc, Dục Đức, Hiệp Hòa do chính năng lực âm nhạc của ông.

Sau biến cố Kinh đô Huế thất thủ năm 1885, một số quan lại, dân bình bỏ xứ chạy vào Nam. Tại vùng đất mới, với nỗi lòng tha hương nhưng không xa tổ, rất nhiều người, trong đó có Nguyễn Quang Đại bằng tài năng âm nhạc đã gửi lòng mình qua âm nhạc để sầu, để nhớ, để ngập ngừng vui buồn với quê hương mới. Âu đó cũng bắt đầu ra đời thể loại mà nay ta quen gọi là nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Lúc này có 2 cánh nhạc, những cánh nhạc của Ba Đợi được cho là mạnh bởi sự sáng tạo dồi dào của nghệ nhân.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại đã sáng tác 8 bài Ngự để cung nghinh vua Thành Thái nhân dịp Nhà vua vào Nam (1898). Tiếp đó nhạc sư đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tới Cần Đước, Cần Giuộc, Long An bằng cách đến truyền dạy đờn ca tài tử Nam bộ rồi định cư đến cuối đời. Từ đó nghệ thuật này lan rộng, tỏa khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Nhạc sĩ Vy Chỗ - người nghiên cứu về nhạc sư Ba Đợi đã nhấn mạnh ngoài dạng thức của âm nhạc đặc trưng Nam bộ, nhạc sư Ba Đợi còn có nhiều cải cách lớn đó là nới nhịp thức cho bài bản và định hình nhịp nội, nhịp ngoại đầy tính triết học phương Đông.