Tương lai nào cho nghề đồng nát ở Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Dù được coi là không chính thức, làm tự do nhưng trong tương lai, nghề đồng nát ở Việt Nam sẽ tiếp tục song hành cùng quá trình phát triển của đời sống. Đây là câu trả lời được các diễn giả khẳng định tại buổi tọa đàm thú vị "Quá khứ, hiện tại và tương lai của nghề đồng nát ở Việt Nam" vừa diễn ra tại Viện Pháp Hà Nội.

Buổi tọa đàm được tổ chức nhân dịp ra mắt cuốn sách "Đồng nát ở Hà Nội, những không gian năng động trong đô thị", do nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Huyền làm chủ biên.

Chương trình có sự tham dự của nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Huyền, dịch giả bản tiếng Pháp Trần Văn Công, dịch giả bản tiếng Anh Vũ Thị Khánh Linh và chuyên gia pháp chế Nguyễn Thi, Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tác giả Nguyễn Thái Huyền cho biết, cuốn sách được ra đời là kết quả của dự án nghiên cứu "Recycurbs Viet" từ năm 2016, với mục tiêu cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước những thông tin và góc nhìn về người và nghề đồng nát trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Cơ sở thu gom phế liệu

Cơ sở thu gom phế liệu

Qua quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy đồng nát là nghề trở nên quá quen thuộc trong cuộc sống của người dân. Nghề đồng nát có lịch sử phát triển lâu dài song hành cùng đời sống của người dân đô thị sau chuyển dịch về các làng quê.

Trái ngược với tính bất định của người làm nghề đồng nát, các cơ sở thu gom phế liệu lại cố định và có không gian được bố trí khá cụ thể như không gian giao dịch thu mua, không gian để đồ phế liệu, không gian để đồ sắt, không gian để đồ gia đình tái sử dụng....

Dịch giả Trần Văn Công chia sẻ, khi chuyển ngữ cuốn sách này, anh đã quan tâm nhiều hơn tới những người làm công việc len lỏi tới từng ngõ ngách để thu gom phế liệu. Anh nhận thấy, những người đồng nát đều có quê ở Nam Định, cùng quê với anh. Và Triều Khúc, nơi anh đang sống là một trong những ngôi làng thu gom phế liệu lớn của Thủ đô. Tại đây có nhiều cơ sở thu mua phế liệu để từ đó chuyển về các làng nghề.

Đặc biệt, đứng ở góc độ văn hóa, đồng nát là nghề để lại ký ức với nhiều người bởi những tiếng rao vần vè dễ nhớ. Ví dụ như "Lông ngan lông vịt/Các cụ ăn thịt còn lông/ Túi bóng nilon/ Đồng chì nhôm bẹp /Dép nhựa đứt quai mang đổi kẹo đê e e e e". Hay "Ni lông giẻ rách/ Cặp sách vứt đi/Nhôm nhựa đồng chì/ Mang đổi kẹo kéo ơ ơ ơ ".

Dịch giả Khánh Linh cho biết, "đồng nát" là từ không thể chuyển nghĩa sang tiếng nước ngoài nên phải giữ nguyên tiếng Việt. Đây là nghề không chính thức và không có ở các nước phát triển. Ở Hàn Quốc, những người làm nghề đồng nát đã không còn, thay vào đó là cách thức thu gom phế liệu được công nhận chính thức từ các công ty môi trường.

Ông Nguyễn Thi, một chuyên gia pháp chế chia sẻ, đồng nát là nghề tự do, chưa có hiệp hội, chưa có văn bản quản lý về mặt pháp luật. Còn các cơ sở thu gom phế liệu thì khác, họ phải đóng thuế và chịu các quản lý cụ thể từ nhà nước.

Nghề đồng nát sẽ không mất đi ở Việt Nam trong vòng 10 năm, 20 năm tiếp theo

Nghề đồng nát sẽ không mất đi ở Việt Nam trong vòng 10 năm, 20 năm tiếp theo

Vì thế, những người đồng nát gặp phải những bất lợi trong hiện tại khi hoạt động đơn lẻ, dù rằng, những người làm nghề này có mối liên hệ để nắm bắt được giá cả nhưng phương thức hoạt động là đơn độc.

Hiện tại, đồng nát đang hoạt động cộng sinh khá tốt với công ty môi trường đô thị. Cả công ty và những người làm nghề đồng nát đơn lẻ đều hướng tới việc thu gom phế liệu để tái sinh chúng.

Cuộc sống càng hiện đại, nghề đồng nát sẽ càng gặp khó khăn vì phải cạnh tranh với các đơn vị thu gom phế liệu được công nhận. Khi đoán định về tương lai của nghề đồng nát, các diễn giả đều thống nhất cho rằng, dù chịu cạnh tranh nhưng nghề đồng nát sẽ không mất đi ở Việt Nam trong vòng 10 năm, 20 năm nữa.