Tự ý xây dựng làm biến dạng Di sản Quốc gia, chùa Bối Khê khắc phục hậu quả thế nào?

ANTD.VN -Như báo ANTĐ đã đưa tin, hai cổng phụ gần gác chuông chùa Bối Khê đã bị đập đi xây mới, đáng chú ý là công trình xây dựng mới lại không liên quan đến cảnh quan kiến trúc của chùa- Di tích quốc gia về nghệ thuật kiến trúc, được xếp hạng từ năm 1979. Mặc dù việc đập cũ xây mới đã gần như hoàn tất, đến hôm nay 18/4, UBND huyện Thanh Oai mới có văn bản yêu cầu UBND xã Tam Hưng “nghiêm túc thực hiện một số nội dung”.

Cỗng cũ chùa Bối Khê nay đã bị đập bỏ để thay vào đó là cổng mới (Ảnh: Hồ Hạ)

Trong công văn số 482/UBND-VHTT do Chủ tịch huyện Lê Thị Hà ký gửi Phòng Văn hóa Thông tin huyện, UBND xã cùng BQL di tích chùa Bối Khê đã yêu cầu: Thực hiện đình chỉ ngay các hoạt động tự ý xây dựng tại di tích chùa Bối Khê khi chưa có chủ trương của cấp có thẩm quyền. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do tự ý vi phạm xây dựng và trả lại nguyên hiện trạng của di tích như trước khi có các hoạt động tự ý xây dựng trên. Căn cứ các quy định của pháp luật, thực hiện xử lý vi phạm về xây dựng trái phép tại di tích theo đúng thẩm quyền. Lập hồ sơ tu bổ tôn tạo di tích trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

UBND huyện yêu cầu UBND xã Tam Hưng có báo cáo cụ thể về việc xây dựng tại di tích chùa Bối Khê và có những biện pháp xử lý của xã đối với vụ việc trên.

Cũng theo nội dung báo cáo, nếu UBND xã Tam Hưng, BQL Di tích chùa Bối Khê tiếp tục để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng tại khuôn viên di tích chùa Bối Khê và các di tích khác trên địa bàn, UBND xã Tam Hưng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND huyện.

Vườn tháp chùa (ảnh Hồ Hạ)

Trước đó vào chiều ngày 17/4, Sở VHTT Hà Nội đã cử một đoàn công tác kiểm tra hiện trạng chùa Bối Khê, buổi làm việc có sự tham dự của cán bộ phòng VHTT huyện Thanh Oai và đại diện chính quyền xã Tam Hưng. Trong biên bản kiểm tra hiện trạng di tích cũng đã chỉ rõ: “Công trình cổng phụ gần gác chuông, tường đang xây dựng, xong phần thô, chưa trát, sân phía trước lát đá đang hoàn thiện. Hồ sơ thiết kế hạng mục cổng, tường gần gác chuông (bên phải) chưa lập và xin ý kiến cấp có thẩm quyền”. Đoàn công tác sau khi tiến hành lập biên bản đã yêu cầu đình chỉ, dừng thi công hạng mục cồng gần gác chuông. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ tu bổ, tôn tạo theo quy định trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt”.

Điểm lại “quá trình” tự ý đập cũ, xây mới Di tích Quốc gia khi chưa có thỏa thuận của Sở VHTT và Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTT&DL), vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa thì thấy, ngay từ tháng 11/2018, chùa đã tiến hành đập cổng cũ. Khi đó Sở VHTT đã lên tiếng, Phòng Văn hóa huyện đã có cuộc làm việc với chính quyền xã về việc này.

Đến ngày 14/12/2018, Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục có văn bản số 5006/SVHTT-QLDT đề nghị UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo các phòng chức năng của huyện phối hợp với UBND xã Tam Hưng kiểm tra và có biện pháp xử lý, gửi báo cáo về Sở Văn hóa và Thể thao trước ngày 18/12/2018.

Tuy nhiên, cho đến tận bây giờ, tức là sau nhiều tháng công văn 5006 được gửi đi, chính quyền huyện mới lên tiếng và yêu cầu chính quyền xã “dừng thi công”, “khắc phục hậu quả”, “trả lại nguyên hiện trạng”….

Khi mọi việc đã gần như an bài, “ván đã đóng thuyền” rồi, cái gì “phá” cũng đã “phá” xong xuôi, thì trả lại nguyên trạng thế nào? Hay là, sau khi sai phạm rồi thì mới “hoàn thiện hồ sơ tu bổ, trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt”.

Chuyện xây mới, rồi khi báo chí lên tiếng mới bổ sung hồ sơ vốn xưa nay xảy ra như cơm bữa ở hầu hết các công trình tu bổ di tích sai nguyên tắc. Công thức “đóng khung” là thế này: Sai phạm- họp kiểm điểm- hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xem xét rồi thì… hòa cả làng. Niên đại di tích đang từ hàng trăm năm bỗng chốc bị kéo giật lùi còn vài tháng tuổi. Những thứ xây mới, sáng choang, ngô nghê vụng về không ăn nhập gì với cảnh quan chung. Xét cho cùng, chỉ có di sản là mất đi không cách gì lấy lại được!

Chùa Bối Khê được xây dựng vào năm 1338, thời nhà Trần. Trong chùa có thờ Đức Thánh Bối, tức tướng công Nguyễn Đình An là người địa phương đã có công đánh tan quân xâm lược phương Bắc.

Không chỉ là di tích quý về niên đại, chùa còn có kiến trúc gỗ được xếp vào diện “mẫu mực”. Năm 1979, chùa được Bộ Văn hóa Thông tin, nay là Bộ VHTT&DL xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Tự ý xây dựng làm biến dạng Di sản Quốc gia, chùa Bối Khê khắc phục hậu quả thế nào? ảnh 4

Một mảng chạm rồng đạt đến độ đỉnh cao nghệ thuật tại chùa Bối Khê (ảnh: Hồ Hạ) 

Kiến trúc chùa Bối Khê có tiền đường, hành lang tả hữu, nhà tam bảo đều bằng gỗ dựng theo hình chữ quốc. Hậu đường được kết nối với điện thờ Thánh có hình chữ công. Toàn bộ kiến trúc được sắp xếp cân xứng hai bên theo một trục chính. Đặc biệt, chùa Bối Khê còn lưu giữ được kiến trúc độc đáo, những hoạ tiết về kiến trúc gỗ 4 vị chim thần.

Cổng chùa có 5 cửa, phía trên cửa chính có dòng chữ Đại Bi Tự. Qua cổng chùa thấy ngay chiếc cầu gạch vắt qua hào nước hẹp, dấu tích của dòng sông Đỗ Động. Đi qua cầu là tam quan cao hai tầng, tám mái. Tầng trên treo quả chuông lớn, đường kính 60cm, cao 1m đúc năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).

Tòa tam bảo còn gọi là Thượng điện, thờ Phật, Pháp, Tăng, cấu tạo theo 4 hàng cột, mỗi hàng 4 chiếc, riêng thềm điện có 6 cột đỡ mái, chia thành 7 gian. Hai vì kèo giữa mang đậm phong cách nghệ thuật thời Trần. Các đầu bảy đỡ mái phía ngoài được chạm khắc hình rồng, đầu bảy góc trái phía ngoài chạm hình chim thần Garuda. Bên phải tam bảo là nhà bia dựng năm 1450 ghi sự tích Đức Thánh Bối.

Đến nay, chùa Bối Khê vẫn còn lưu giữ được những cổ vật quý giá như tượng Phật bà nghìn mắt, nghìn tay có từ đời Lý là một trong 2 pho tượng đẹp và quý nhất Việt Nam, 11 bia đá có từ đời Hậu Trần, 2 quả chuông được đúc bằng đồng và 22 đạo sắc từ thời Lý cho đến thời Nguyễn, một quần thể tượng cửu long 9 pho tượng được đặt trên 9 bệ rồng.