Buộc phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

(ANTĐ) - “Trùng tu tôn tạo di tích bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thường không đúng quy trình”, “công tác thanh tra chuyên ngành chưa thường xuyên”, “khi xảy ra vi phạm, cơ quan quản lý còn lúng túng trong việc xử lý”... đó là những kết luận vừa được đưa ra tại cuộc họp báo công bố những đánh giá sơ bộ của Đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT&DL diễn ra chiều qua 19-5.

Buộc phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích

(ANTĐ) - “Trùng tu tôn tạo di tích bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thường không đúng quy trình”, “công tác thanh tra chuyên ngành chưa thường xuyên”, “khi xảy ra vi phạm, cơ quan quản lý còn lúng túng trong việc xử lý”... đó là những kết luận vừa được đưa ra tại cuộc họp báo công bố những đánh giá sơ bộ của Đoàn kiểm tra việc thực hiện Luật Di sản Văn hóa - Bộ VH-TT&DL diễn ra chiều qua 19-5.

Đình Mông Phụ sau khi trùng tu vẫn còn một số điể không đúng kỹ thuật
Đình Mông Phụ sau khi trùng tu vẫn còn một số điể không đúng kỹ thuật

Hầu hết là... tốt

Điểm đầu tiên Đoàn công tác của Bộ VH-TT&DL tiến hành thanh tra là một số di tích trọng điểm của Bắc Ninh như Đình Bảng, Đền Đô, chùa Dâu. Theo kết luận được đưa ra, các công trình này đều đã thực hiện tốt quy trình quản lý đầu tư, thi công và đảm bảo tối đa các giá trị lịch sử văn hóa. Hai di tích mới tu bổ của Bắc Giang là chùa Bổ Đà và đình Thổ Hà cũng được cho là đảm bảo tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích. Bên cạnh đó, một loạt các di tích của Hà Nội đã được tu bổ trong thời gian gần đây như đền Và, chùa Bối Khê, đình Mông Phụ, đình Thụy Phiêu và chùa Kim Liên... không có sai phạm gì và thực hiện đúng quy trình của việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo.

Chỉ là sai chi tiết

Trong 15 di tích vừa được tiến hành kiểm tra, chỉ có việc tu bổ ở chùa Trăm Gian là sai phạm nghiêm trọng nhất bởi quá trình thi công chủ đầu tư đã không lập hồ sơ thiết kế chi tiết xin thỏa thuận của Cục Di sản Văn hóa, kỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật của một số hạng mục đã không được gìn giữ đúng với nguyên gốc. Các gian tả vu, hữu vu, nhà ngự, kè hồ... được xây mới nhưng không báo cáo Bộ VH-TT&DL...

Còn lại, trường hợp của đền Và chỉ là: “Việc tổ chức thi công chưa khoa học, tự động tháo dỡ tường, đưa 2 con sư tử đá vào đền không phù hợp với kiến trúc, gây phản cảm”. Bức tường mới bao quanh đình Mông Phụ cũng được kết luận “việc sử dụng mạch vữa trên tường đá ong không đúng kỹ thuật”... Tuy được kết luận là quá trình tu bổ đúng nguyên gốc, đảm bảo tính toàn vẹn và sự bền vững của di tích nhưng cả hai di tích của Bắc Giang là chùa Bổ Đà và đình Thổ Hà chưa đạt yêu cầu bởi việc bảo quản các bản kinh khắc gỗ không tốt, máng nước xối vào tường di tích, xây nhà vệ sinh không đúng địa điểm và thiết kế của dự án. Đình Thổ Hà việc thi công chưa khoa học bởi còn sót lại 2 chân tảng không được tái sử dụng.

Trùng tu di tích: có nhất thiết phải hạ giải?

Theo Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, đối với các di tích kiến trúc gỗ, việc trùng tu nhất thiết phải hạ giải. Cách làm này hiện đang được nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc áp dụng. Việc hạ giải toàn bộ di tích là việc làm cần thiết để đánh giá lại cấu kiện gỗ, đồng thời đánh giá tổng dự toán. Thứ trưởng Trần Chiến Thắng cũng khẳng định, không hề có chuyện đơn vị thi công cố tình gạt bỏ các cấu kiện cũ để thay vào đó các cấu kiện mới để nâng cao kinh phi tu bổ. Với thực trạng Việt Nam không còn gỗ lim, nguồn gỗ hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài nếu làm như thế, đơn vị thi công đã tự làm khó cho mình.

Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, các dự án tu bổ bằng nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa thường được thực hiện tốt trong khi hầu hết các sai phạm tập trung ở các dự án vốn công đức hoặc vốn của địa phương. Các hành vi thi công ẩu, không nắm vững được quy trình cũng là thực tế của các công ty xây dựng “ngành ngoài”. Để chấn chỉnh lại hoạt động này, sắp tới Bộ VH-TT&DL sẽ kiến nghị lên Quốc hội một số điểm như: đối với việc tu bổ di tích có thể tiến hành chỉ định thầu để lựa chọn được đơn vị thi công tốt nhất. Nghề tu bổ di tích cũng phải đòi hỏi chuyên sâu hơn, đối tượng hành nghề buộc phải có chứng chỉ hành nghề...     

Quỳnh Vân