Truyền hình thực tế... còn lắm dặm trường

(ANTĐ) - Ngay trong năm đầu tiên trình làng, gameshow mang hơi hướng truyền hình thực tế Hà Nội 36 phố phường đã giành giải vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2009. Trong khi Bước nhảy hoàn vũ đang thu hút khá đông người xem thì một chương trình truyền hình thực tế khác là Vietnam Idol cũng sẽ tái ngộ trong năm 2010 sau một năm vắng bóng… Những tin vui dồn dập ùa đến với truyền hình thực tế nhưng xem ra hãy còn lâu thể loại “cũ người mới ta” này mới thực sự chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ.

Truyền hình thực tế... còn lắm dặm trường

(ANTĐ) - Ngay trong năm đầu tiên trình làng, gameshow mang hơi hướng truyền hình thực tế Hà Nội 36 phố phường đã giành giải vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc 2009. Trong khi Bước nhảy hoàn vũ đang thu hút khá đông người xem thì một chương trình truyền hình thực tế khác là Vietnam Idol cũng sẽ tái ngộ trong năm 2010 sau một năm vắng bóng… Những tin vui dồn dập ùa đến với truyền hình thực tế nhưng xem ra hãy còn lâu thể loại “cũ người mới ta” này mới thực sự chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ.

Cũ người mới ta

Truyền hình thực tế là một thể loại truyền hình được xây dựng, sản xuất không dựa theo kịch bản có sẵn, trong đó miêu tả sát thực những tình huống, sự kiện sống động chân thực của cuộc sống… Thể loại truyền hình thực tế bắt đầu manh nha từ làn sóng phát thanh ở châu Âu từ khoảng những năm 50 của thế kỷ trước. Đến nay, thể loại truyền hình thực tế đã trở thành món ăn quen thuộc của khán giả màn ảnh nhỏ trên nhiều nước thế giới. Nhưng ở Việt Nam, thể loại truyền hình thực tế vẫn là “món ăn” mới trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam.

Nói một cách chính xác, thể loại truyền hình thực tế chỉ mới du nhập vào đời sống truyền hình tại Việt Nam khoảng chừng 5 năm trở lại đây. Cột mốc đầu tiên có thể kể đến chương trình Khởi nghiệp (VTV3) như một chương trình làm theo phong cách truyền hình thực tế đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ khi phát sóng những chương trình đầu tiên, Khởi nghiệp đã thu hút đông đảo người xem truyền hình bởi lối sản xuất chương trình mới lạ.

Kế đó, hàng loạt chương trình truyền hình lần lượt ra đời suốt từ trong Nam ra ngoài Bắc như Phụ nữ thế kỷ 21, Chinh phục đỉnh Everest, Hành trình kết nối trái tim… (VTV3), Vượt lên chính mình, Ngôi nhà ước mơ… (HTV) hay gần đây là Hãy mời tôi vào nhà, Hà Nội 36 phố phường của Đài PT-TH Hà Nội…

Không thể phủ nhận sự hấp dẫn, mới lạ của thể loại truyền hình thực tế dù biết rằng thể loại này thực sự là cũ người mới ta. Một thời, chương trình Phụ nữ thế kỷ 21 luôn thu hút lượng người xem rất đông đảo trong mỗi chương trình phát sóng. Hay như chương trình truyền hình thực tế  Vietnam Idol (HTV) ngay năm đầu tiên phát sóng đã thu hút tới 6.000 thí sinh đăng ký tham gia trong năm 2007.

Hiện gameshow mang hơi hướng truyền hình thực tế Hà Nội 36 phố phường cũng luôn thu hút sự quan tâm dõi theo của đông đảo bạn xem truyền hình; còn chương trình truyền hình thực tế Bước nhảy hoàn vũ cũng đang tạo cơn sốt nho nhỏ với khán giả xem truyền hình…

Truyền hình thực tế sẽ thay thế gameshow?

“Cơn bão” gameshow hiện đang khiến cho không ít khán giả màn ảnh nhỏ cảm thấy bội thực với món ăn giải trí này. Hơn một lần, hiện tượng “bội thực” gameshow trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam cũng đã được dự đoán sẽ “hạ nhiệt”. Không ít lần, với sự mới lạ và hấp dẫn, các chương trình truyền hình thực tế được hy vọng như món ăn mới sẽ thay thế gameshow chiếm lĩnh thế thượng phong trong các món ăn giải trí trên các kênh sóng truyền hình Việt Nam…

Thế nhưng cho đến nay, thể loại gameshow vẫn chiếm lĩnh “giờ vàng” trên hầu hết kênh sóng trong khi thể loại truyền hình thực tế sau 5 năm trình làng vẫn chỉ dừng lại ở tình trạng nhỏ giọt và vẫn đối mặt với đầy rẫy những khó khăn, thách thức.

Dễ dàng nhận thấy sự đuối sức ngay từ giai đoạn mở đầu của các chương trình truyền hình thực tế trình làng ở Việt Nam thời gian gần đây. Khởi nghiệp vừa ra mắt khán giả Việt Nam được hơn một năm phát sóng thì chia tay không kèn không trống. Chương trình Phụ nữ thế kỷ 21 có tuổi thọ lâu hơn nhưng cũng không vượt quá ba năm phát sóng trên VTV3. Vượt lên chính mình ít nhiều tạo được sự ấn tượng mạnh, đặc biệt ở hoàn cảnh của những người tham gia chương trình nhưng dần dà cũng chìm nghỉm trước sự lấn át của các gameshow…

Thể loại truyền hình thực tế có nhiều phong cách khác nhau như talkshow truyền hình thực tế, tài liệu truyền hình thực tế, gameshow, chơi khăm, tình huống… Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều phong cách vốn được xem là hấp dẫn, là thế mạnh của truyền hình thực tế như chơi khăm, đặt tình huống hài hước… vẫn chưa thể du nhập vào.

Thuần phong mỹ tục của người Việt cũng không dễ đón nhận những tình huống bất ngờ và thật đến ngờ nghệch, đôi lúc phản cảm của những tình tiết vốn rất thực tế của thể loại này. Đó là chưa nói, một chương trình truyền hình thực tế có chi phí sản xuất gấp 3-4 lần so với một chương trình talkshow hay gameshow bình thường. Trong khi đó, kinh nghiệm sản xuất những chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở giai đoạn làm quen, khởi động…

Chính vì vậy, trước những thành công bước đầu của các chương trình truyền hình mang phong cách truyền hình thực tế hiện nay thực sự là điều đáng mừng nhưng không hẳn vì thế mà khẳng định khả năng thay thế của thể loại này với gameshow.

Lại càng không thể viển vông khi hy vọng thể loại truyền hình thực tế sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thế thượng phong như nhiều nền truyền hình phát triển khác trên thế giới. Vì vậy, sự thành công của gameshow Hà Nội 36 phố phường hay Bước nhảy hoàn vũ hiện nay là đáng ghi nhận nhưng để các chương trình này tiếp tục tiến đến những đỉnh cao mới xem ra vẫn còn lắm dặm trường, thách thức ở phía trước.

Anh Bảo