Trung Quốc phóng thành công tên lửa đẩy Trường Chinh thế hệ mới

ANTĐ - Ngày 20-9, Trung Quốc đã phóng thành công một tên lửa đẩy thế hệ mới, Trường Chinh 6, từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên của tỉnh Sơn Tây, miền bắc nước này, mang theo 20 vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo.

Toàn bộ 20 vệ tinh cỡ nhỏ được phóng lên quỹ đạo lần này đều do Trung Quốc nghiên cứu và chế tạo để sử dụng cho các vụ thử nghiệm những kỹ thuật mới trong ngành hàng không vũ trụ, phục vụ yêu cầu phát triển ngành công nghiệp chế tạo vệ tinh cỡ nhỏ của nước này.

“Mẫu tên lửa mới này sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận vũ trụ của chúng tôi”, ông Zhang Weidong, giám đốc thiết kế tại Viện Công nghệ vũ trụ Thượng Hải, trực thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, cho biết.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 6 được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên

Tên lửa đẩy Trường Chinh 6 do Viện Công nghệ vũ trụ Thượng Hải nghiên cứu chế tạo. Đây là loại tên lửa đẩy thế hệ thứ 3 sử dụng nguyên liệu lỏng không độc, không gây ô nhiễm, thời gian chuẩn bị nhanh, thích hợp cho việc phóng các loại vệ tinh cỡ nhỏ vào không gian.

“Chúng tôi tin rằng, việc này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự cạnh tranh của các tên lửa đẩy Trung Quốc trên thị trường quốc tế”, ông nói và giải thích thêm rằng vụ phóng lần này còn là cơ hội để thí nghiệm phương pháp phóng mới và thử nghiệm tên lửa đẩy Trường Chinh mới.

Tên lửa đẩy Trường Chinh 6 dài 29m và nặng 103 tấn khi phóng. Nó có thể mang tải trọng 1,08 tấn lên vũ trụ và được thiết kế để thực hiện các vụ phóng mang tải trọng nhỏ, như các vệ tinh nhỏ, lên quỹ đạo đồng bộ mặt trời, cách trái đất khoảng 700km.

Đến nay, các thế hệ tên lửa đẩy Trường Chinh của Trung Quốc đã thực hiện tổng số 210 vụ phóng kể từ năm 1970, khi tên lửa Trường Chinh 1 đưa thành công vệ tinh đầu tiên của Trung Quốc là Đông Phương Hồng 1 lên quỹ đạo trái đất.