Trưng bày các bức tranh nude "khép kín"

ANTD.VN - Triểm lãm tranh nude của nhóm họa sỹ G39 sẽ khai mạc vào ngày 7-3 tại Laca Café (24 Lý Quốc Sư, Hà Nội). Điểm đặc biệt của các bức tranh trưng bày là có cùng một người mẫu Vũ Huyền Trang, người từng lọt Top 15 Vietnam Next Top Model 2012. Có lẽ thế, triển lãm được lấy tên "Trang". 

"Trang" là một dự án nghệ thuật khép kín của nhóm họa sỹ G39, từ chọn người mẫu, mời họa sỹ vẽ ký họa trực tiếp. Tiếp theo là khoảng thời gian hoàn thiện riêng của từng họa sỹ hoặc họ sẽ sáng tác trên những bức ký họa đó và kết thúc là một triển lãm các tác phẩm chọn lọc. 

Triển lãm với sự tham gia của 11 họa sỹ: Bình Nhi, Phương Bình, Phan Minh Châu, Nguyễn Hồng Phương, Võ Lương Nhi, Nguyễn Minh, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Doãn Hoàng Lâm, Lê Thiết Cương, Hữu Ước.

Tác phẩm của họa sỹ Quốc Thắng

Vũ Huyền Trang là người mẫu chuyên nghiệp, cô từng lọt vào Top 15  Vietnam Next Top Model 2012 và đã tham gia trình diễn rất nhiều chương trình biểu diễn thời trang. Hiện nay, Trang vừa làm nghề người mẫu kết hợp mở các lớp huấn luyện mẫu.

Nhiều năm nay, cô luôn đồng hành với các chương trình hoạt động của nhóm G39 và đây cũng là lần đầu tiên, cô làm mẫu nude cho các họa sỹ G39. 

Cũng tại triển lãm còn diễn ra buổi ra mắt bộ thơ gồm 5 trường ca: Rừng đỏ, Hành lang thép, Một chiến binh, Những người đi qua biển 8 Giờ của nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha. Với sức sáng tạo vô bờ, từ năm 1972 đến nay, ông đã viết nhiều thơ và trường ca về chiến tranh tiêu biểu là các tập thơ “Thời máu xanh” (1999) , “Biệt trăm năm” (2004), trường ca "Năm tháng và chiều cao”, “Gió Tây Nguyên” (2000).

Tác phẩm của họa sỹ Võ Lương Nhi

Đi qua chiến tranh, từ sâu thẳm trong tâm linh, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cảm thấy cần phải viết thêm về những người lính, nhất là cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước mà ông từng tham dự khi còn là lính thông tin.

Mở đầu cho tập thơ là trường ca “Rừng đỏ”, được ông sáng tác trong những đêm nửa tỉnh nửa mê, nơi mà chiến tranh- sự hy sinh của những đồng đội đã luôn là ký ức day dứt và ám ảnh trong tâm trí ông.

Còn ở “Hành lang thép” người đọc sẽ như được thấy những lớp thế hệ thanh niên háo hức “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, không quản ngại thân mình dấn thân vào chiến tranh khốc liệt, vượt đường Trường Sơn trăm ngàn hiểm nguy, đói khổ, nguy nan quyết một lòng mong đến thắng lợi, thống nhất đất nước.

Ở trường ca “Một chiến binh” là một góc nhìn khác về người lính, một người lính cụ thể, ông là Lê Triệu – là nguyên mẫu trong trường ca "Một chiến binh". Ở ông có đầy đủ phẩm chất của một người anh hùng – chiến binh chiến đấu dũng cảm.

Riêng “Những người đi qua biển” được nhà thơ Nguyễn Thụy Kha viết khi ông cùng các văn nghệ sĩ Hà Nội sang Mỹ dự lễ kỷ niệm thành lập 30 năm Viện William Joiner (khoa tiếng Việt) thuộc trường Đại học Massachusset (Mỹ). Là quá trình hàn gắn chiến tranh, mất mát giữa hai đất nước, hai thế đối nghịch nhau trong quá khứ, giờ bắt tay nhau làm bạn để cùng hướng tới tương lai.

Nhạc sỹ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha

Sau khi ra mắt cuốn tự truyện “Phạm Duy và tôi” cùng trường ca “Nàng” vào năm ngoái, năm nay với bộ thơ gồm 5 trường ca này cho thấy sức sáng tạo và làm việc không ngừng nghỉ của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha mặc dù ông đã bước vào tuổi 70.

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ: “Xin dành tặng trường ca này cho những người đã ngã xuống, những người đang sống ở mọi miền, mọi phía trên tinh cầu này có kỷ niệm, có quan tâm tới chiến tranh Việt Nam. Điều ấy, khiến tôi vô cùng thanh thản. Cảm ơn trời đất, cảm ơn những linh hồn đã khuất đã cho tôi nguyên khí đủ đầy khi viết các trường ca này”.