Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được công nhận là Di tích quốc gia

ANTD.VN - Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng di tích Quốc gia đối với địa điểm trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949), xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được ra đời trong bối cảnh khá đặc biệt. Đây là lớp đầu tiên và duy nhất dạy làm báo trong kháng chiến ở nước ta. Trường đào tạo học viên trong 3 tháng, với 42 học viên. Tuy ngắn hạn nhưng đồ sộ về nội dung và số cán bộ giảng dạy là những lãnh đạo của cuộc kháng chiến, kinh nghiệm và phong phú lý luận, thực tiễn…

42 học viên học trong 3 tháng được đón 29 giảng viên: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Quang Đạm… Các giảng viên đến nói ở lớp từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào? (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ)… Ngày 6/7/1949, tại Bờ Rạ, lớp học bế mạc.

Lớp báo chí Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của học đi đôi với hành,vừa học lý thuyết vưa thực hành, để từ đó, các học viên là hạt nhân của báo chí cách mạng Việt Nam luôn tỏa sáng và góp phần to lớn để có nền báo chí hôm nay.

Với việc công nhận trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia đã nâng tổng số di tích quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lên con số 49 di tích (trong đó, có 5 di tích là nơi thành lập các cơ quan báo chí, gồm: Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Văn nghệ cứu quốc và Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng).