Họa sĩ Đinh Quân

Trong tình yêu bình yên

ANTĐ - Đinh Quân một họa sĩ (HS) chuyên vẽ sơn mài, thuộc đội hình nổi tiếng của nền hội họa Việt Nam thời đổi mới. Đấy là nhận định đầu tiên và phổ biến nhất khi nhắc đến Đinh Quân. Nhưng nghệ sĩ vào tuổi 50 có gương mặt hiền hậu kia, lại “quá cỡ” với các nhận định giản lược. Đinh Quân không “hiền” như nhiều người tưởng,  bởi anh là một người Hải Phòng giàu có.

Nhân quần, công chúng, hễ nói đến giàu là nghĩ ngay tới vật chất. Thành ngữ có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”. Đinh Quân là HS thành đạt, vợ anh Ngô Thúy Hà - Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1998, là người đẹp Hà Nội, không thích showbiz ồn ào, dù chị nhiều cơ hội để đẩy tên tuổi và sự nghiệp vượt khỏi tầm người mẫu, nhà thiết kế từ trước lúc lấy chồng đến nay. Thúy Hà coi trọng giá trị gia đình, vui vầy với chồng con. Khối “mâu thuẫn” ở Đinh Quân, con người và cuộc sống, như đa giác mà các góc, cạnh liên hoàn bằng cá tính, lối sống có sức nén bất ngờ. “Chất” Hải Phòng (HP) dữ dội quyết liệt, HP “ăn sóng nói gió” không thấy ở Đinh Quân.

Bằng biểu hiện ngôn ngữ, phong thái, anh luôn lịch lãm, dịu dàng, dành cho bạn bè, mọi người nụ cười khi giao tiếp, với sự khiêm nhường, giấu bớt mình đi, thiện tâm và sâu sắc. Một chất HP khác, cá biệt ở người con đất Cảng gắn bó với Thủ đô hơn 30 năm. Đinh Quân có đời sống đầy đủ tiện nghi hiện đại và nếp sống văn minh. Không bao giờ anh tham gia tranh cãi, bàn tán về ai ngoài phạm vi nghệ thuật. Tài năng đích thực Đinh Quân duy dưỡng độ bền danh tiếng bằng sáng tạo mới không ngừng, chứ không phải thời thượng như một số đồng nghiệp gắn kết tưng bừng với truyền thông. Anh chủ định tránh lên báo chí,  truyền hình. Đinh Quân không cần PR và cự tuyệt sự ồn ã, mọi phương diện.

Vì thế, nhà anh là chốn bình yên, dù ít đến do hơi cách xa, trái đường đi quen thuộc hàng ngày, nhưng tôi luôn muốn đến.

Kỷ niệm bất ngờ của tôi với Đinh Quân là trong chuyến vào TP. Hồ Chí Minh lần thứ 33, tôi dự khai mạc triển lãm cá nhân Tịnh của Đinh Quân. Anh không biết tôi vào. Tịnh (từ 20-7 đến 30-8) không chỉ là triển lãm cá nhân kéo dài nhất của Đinh Quân mà có lẽ là dấu mốc lịch sử trong các triển lãm cá nhân ở Việt Nam. Cố ý không họp báo, không mời báo đài, Tịnh vẫn gây chú ý, vì lâu rồi Đinh Quân không triển lãm tại phương Nam. Tôi thực sự bị choáng ngợp trước những tranh khổ lớn: 2 sơn mài, 8 acrylic, đều khổ 1,53x1,93m, biến phòng tranh thành không gian của những giấc mơ. Lao động của Đinh Quân khiến đồng nghiệp thán phục. Sự ghi nhận của giới nghề bao giờ cũng là mức cao nhất của thang đánh giá. Không thể viết hết về Đinh Quân trong một bài báo, anh cũng không muốn nói về mình. Đó là sự kiêu hãnh đạt độ chín của người ưa bình dị. 

HP liên tiếp 2 tuần đầu tháng 8, chịu cơn bão số 5 và 6. Người HP, Đinh Quân không định cư ở Hà Nội, chỉ có “bão” trong ý tưởng lúc vẽ, còn cuộc sống, anh thích yên tĩnh và đem lại cho người đối thoại sự êm đềm.

- Thưa HS Đinh Quân, ở các tòa soạn báo hiện nay, ANTĐ  chắc là có “gu” vì treo bức tranh sơn mài khổ rất lớn của anh tại phòng khách. Nhiều tòa soạn chưa chú ý đến mỹ thuật trong phong cách thiết kế, trưng bày. Hầu hết không treo gì, hoặc treo tranh ảnh giống nhau, đơn điệu. Điều này do phong cách tòa soạn?

- Đúng thế, nếu biết coi tranh đẹp là giá trị đẳng cấp. Nhà báo Đào Lê Bình là Tổng Biên tập lâu năm của ANTĐ, anh ấy có tâm hồn yêu nghệ thuật. Tôi khen thật sự, không phải vì đồng hương. Anh Bình quê gốc và sinh ra ở HP. Bức tranh ấy, ANTĐ mua cũng hơn 10 năm rồi.

- Gắn bó với Hà Nội, chắc là một định mệnh với anh?

- Tôi là con út của gia đình 5 anh em, anh cả là bộ đội chống Mỹ, tôi cũng đi bộ đội, thuộc Binh đoàn 11, đóng quân ở Thủ đô, xuất ngũ mới học Đại học Mỹ thuật. Nay đóng quân ở Hà Nội, không bị vất vả gì, cứ như “lính cậu”, ngày tập luyện, tối vẽ. Tôi có năng khiếu vẽ từ nhỏ. Đừng hỏi tôi yêu Hà Nội hay HP hơn. Hà Nội cho tôi rất nhiều.

- Anh là HS sống được bằng nghệ thuật một cách khấm khá mà lại không bị xếp vào dòng tranh thị trường. Vì sao?

- Con đường hội họa chính thức từ 1990, lúc tôi ra trường. Một nghệ sĩ thực thụ khi sáng tạo, bao giờ cũng ấp ủ ý tưởng, khao khát của mình, vì điều mình tâm đắc, hướng tới.

- Tranh của anh từng vẽ sen, rất nhiều hình ảnh đàn bà “phong, nhũ phì đồn”. Đó là đề tài nhân vật anh quan tâm?

- Sen hay đàn bà là hình ảnh mang chứa ý thức, suy nghiệm của tôi về nhân sinh.

- Vườn nhà anh trồng cây đại. Sen, tay Phật nhiều trong tranh anh. Anh có tín ngưỡng Phật giáo?

- Tôi tự coi mình là Phật tử, tuy không ăn chay trường hay định kỳ. Tu tại tâm, tâm luôn muốn nghĩ những điều tốt, muốn làm việc tốt, giúp đỡ mọi người.

- “Tu tại tâm”,  thì hẳn anh là người đàn ông mẫu mực?

- Không đâu, tôi vẫn nói với vợ và bạn hữu, tôi dính đủ tật xấu đấy, trừ cờ bạc (Cười).

- Nghệ sĩ thường đa tình. Anh lại là người đa tình chung thủy, kể cả với bạn?

- Đa tình không chỉ là yêu nhiều người, mà yêu nhiều thứ của cuộc sống này hoặc yêu nhiều cho một người. Tôi quý giá những tình cảm sâu bền. Năm 2006, tôi mất bạn thân nhất: HS Nguyễn Quốc Hội (do ung thư gan). Khi quá thân, tri kỷ, khó ai thay thế, tôi mới làm được một vựng tập tranh cho bạn mình sau khi Hội mất.

- Được biết gần đây anh tập võ tại nhà. Võ - vẽ đủ cả, thú vị thật!

- Tôi mê võ từ lúc nhỏ, học thời quân ngũ thể thao, tôi không thích bóng đá, mà yêu võ thuật, bơi. Võ đối kháng, chiến đấu, võ thi đấu dùng dao, kiếm ấy, không phải biểu diễn. Cùng nhóm bạn tập võ là để rèn luyện cơ thể, tôi không đạt theo môn phái nào, gọi là “võ tự vệ” thôi.

- Vẽ là công việc hàng ngày của anh?

- Tôi thường vẽ sơn dầu trên tầng 4, cạnh phòng chiếu phim và thư viện. Vẽ sơn mài tốn diện tích, tôi thuê xưởng gần nhà. Vẽ theo cảm hứng và đợt làm việc. Niềm vui hàng ngày của tôi là chơi với các con, dắt chúng đi quanh những ngõ nhỏ này hoặc ra hồ Tây. Tôi có thể ở nhà vẽ và chơi cùng con cả tháng, không cần vào trung tâm. Tất nhiên, vẫn có nhu cầu gặp gỡ bạn bè chứ.

- Nhìn các cháu bụ bẫm, xinh đẹp, kháu khỉnh, rất quấn quýt ba, tôi thấy anh có “thiên đường” riêng của mình, “thiên đường” ấy hẳn đa số nhân loại đều mơ. Anh là HS nhiều con nhất trong thế hệ 6X mình nhỉ?

- Cảm ơn nhé! Nhiều con à? Có thể. Hương Linh con gái lớn của tôi 20 tuổi, cháu học Tài chính. Tôi lấy Thúy Hà năm 2005, sắp có con thứ 4, bé gái sinh tháng 10, đúng mùa Thu. Hà muốn nhiều con nữa, nhưng tôi “chốt” rồi, 4 đứa thôi. Các con gọi tôi là ba theo cách tôi gọi ba mình. Tôi gọi Hà Vân (đứa thứ ba) là “Chấy”, con cái là chấy rận của ba mẹ. Cháu sinh đêm 13-2-2011, giờ đầu tiên của Lễ Tình nhân.

- Anh chị đẹp đôi, hạnh phúc, có nhiều tương đồng trong số phận và quan niệm sống?

- Chúng tôi đều là con út, đều mồ côi cha sớm. Cha tôi sinh 1911, mất năm 1974, khi tôi 10 tuổi. Hà ở phố Thanh Nhàn, nhà 5 chị em gái, bố mất khi Hà 19 tuổi. Các chị yêu thương, đùm bọc, bảo vệ Hà và bản thân cô ấy giữ mình. Chúng tôi thích bình yên, hướng vào đời sống gia đình. Nhà tôi luôn có hoa tươi do Hà cắm. Chợ hoa Quảng Bá gần nhà. Hà từng thiết kế thời trang bán được, sau khi lấy tôi, rồi dừng vì con cái.

- Anh đã góp sức tổ chức triển lãm cho các HS Hải Phòng tại Hà Nội và tháng 6 vừa qua lại triển lãm ở Hải Phòng. Những kỷ niệm ấy là đóng góp cho đời sống hội họa của TP “Hoa phượng đỏ”.

- Tôi cùng HS Thành Chương, Đặng Xuân Hòa, Đặng Đức Thành, Phạm Anh Hải, Phạm Ngọc Dân và một số họa sĩ từ Điện Biên, Nam Định, Thái Bình về vẽ tại HP dự trại sáng tác của UBND quận Hồng Bàng và triển lãm do Hội LHVHNT tổ chức, các doanh nhân HP tài trợ. Cùng các HS Hải Phòng là Nguyễn Hà, Đặng Tiến, Trần Vinh, Việt Anh, Quốc Thái, chúng tôi triển lãm tranh ngoài trời ở dải vườn hoa Nguyễn Du trung tâm, suốt 1 tuần. Tôi chưa có triển lãm cá nhân nào ở HP, kế hoạch tương lai gần.

- Anh đã bày tranh ở châu Âu (Pháp, Italia, Luxemburg, Thụy Sĩ...), châu Á (Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản...) và đâu nữa?

- Ở Mỹ, New York, San Francisco, Denver. Vài chục triển lãm, tôi chỉ nhớ những cuộc tôi có mặt. Tôi thích châu Âu, từ nghệ thuật nhiều di sản phong cảnh. Thế hệ tôi cũng chịu ảnh hưởng hội họa châu Âu. Dù biết hết các trào lưu, trường phái, cần tìm ra phong cách riêng. Phong cách của tôi: Biểu hiện - Trừu tượng.

- Anh muốn giữ tinh thần bằng cách nào?

- Bằng tình yêu nghệ thuật và trân trọng những giá trị văn minh nhân loại. Vật chất sang trọng, đồ hiệu là cần, y phục xứng kỳ đức, song không nhất thiết phải mặc gì, đi gì mới ra đẳng cấp, mới yên tâm về đẳng cấp. Văn minh nằm trong văn hóa sống. Thế giới phẳng cho chúng ta biết nhiều về thế giới hiện hữu, cần chọn lọc thưởng lãm và tiếp thu.

- Ngoài hội họa, anh say mê gì?

- Văn học và điện ảnh. Chính văn học nuôi dạy tôi thành người.

- Thế mà người ta có “sáng kiến” cắt bỏ môn Văn trong kỳ thi đầu vào các khối trường nghệ thuật!

- Thật à? Trời, không còn gì để nói về kiểu tư duy và quyết định như thế. Đào tạo nghệ thuật mà không coi trọng văn học, thì học để làm gì?

- Yêu văn học, nên anh đã “dính líu” minh họa?

- Tôi đã vẽ minh họa cho truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, thơ và tùy bút của Vi Thùy Linh. Tôi rất thích lục bát của đồng hương Đồng Đức Bốn và mảng thơ dân gian của Nguyễn Bảo Sinh. Bỏ bớt phần tục, thì thơ Bảo Sinh có bài hay bởi chất thiền, trí tuệ.

- Từ triển lãm cá nhân Hát trên cánh đồng xanh tại BTMT Việt Nam năm 2009 gây ấn tượng vô cùng mãnh liệt về những mặt người ngoác miệng với các sắc thái khác nhau trên cánh - đồng - đời, anh ít bày tranh. Anh không sợ bị quên à?

- Mật độ triển lãm cá nhân của tôi không dày, năm 2004 là triển lãm Gió nóng. Năm 2011 ở Bangkok, triển lãm Sông Hồng dâng tại phòng tranh Thavibu. Tôi tránh truyền thông, từ chối mọi phỏng vấn báo đài, tôi chỉ muốn người ta xem tranh, đâu muốn  người ta biết về tôi. Nguyễn Huy Thiệp sau này, in tiểu thuyết kịch bản... bị chê, nhưng vị thế “Vua truyện ngắn” không ai soán được. Ông ấy có không viết nữa cũng không thể quên. Tôi liên tục sáng tạo và không sợ bị quên.