Bức ảnh Bác Hồ về thăm trận địa pháo được nhà văn Dương Duy Ngữ trân trọng lưu giữ
Viết báo vì thấy… dễ
Nhập ngũ năm 1964, thực sự là lính chiến, cơ duyên để Dương Duy Ngữ đến với nghiệp văn cũng thật giản dị. “Khi đại đội tôi được phong anh hùng, có nhà báo đến viết bài, tôi là người ăn nói mau mắn nên được cử ra để nhà báo phỏng vấn. Tôi thấy nếu viết báo như thế thì tôi cũng viết được. Thế là tôi thử viết, viết ngay trên mâm pháo gửi cho Báo Quân đội nhân dân, thế là được đăng…” - Dương Duy Ngữ tâm sự về lần bén duyên với con đường viết báo, viết văn của ông. Và từ đó, ông trở thành cộng tác viên tích cực của các tòa soạn. Tổng Biên tập Báo Phòng không - Không quân khi ấy bày cớ mượn cậu lính pháo nhanh nhảu về tòa soạn rồi giữ ở lại luôn. Ở tòa soạn, ông được phân công vào tổ chuyên viết gương người tốt việc tốt. “Lúc đầu tôi viết gương, sau đó viết lên bút ký, phóng sự, rồi truyện ngắn...”, ông tâm sự.
Tác phẩm đầu tay của Dương Duy Ngữ là bài “Bác Hồ với khẩu đội chúng tôi”. Đó là những kỷ niệm tràn đầy cảm xúc trong một lần Bác Hồ đến thăm khẩu đội thời ông còn làm pháo thủ. Ông viết theo dạng “có gì kể nấy” khá dài dòng, rồi sau đó tại trại viết do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức, được những người đi trước góp ý, Dương Duy Ngữ đã… chia bài viết trên ra làm ba mẩu chuyện riêng biệt là: “Điếu thuốc của Bác Hồ”, “Khóm hoa hồng của Bác Hồ”, và “Bác Hồ với chiếc mũ sắt”. Cả 3 mẩu chuyện ấy sau này in rất nhiều trong các tập sách về Bác Hồ, được phổ biến rộng rãi. Một vật kỷ niệm đặc biệt của ông là điếu thuốc được Bác Hồ cho khi đến thăm trận địa, ông không hút mà giữ mãi như một kỷ vật thiêng liêng. Ngay cả tấm ảnh Bác chụp với các pháo thủ trên trận địa ngày ấy cũng được ông cắt lại từ báo và giữ lại. “Bây giờ tôi vẫn giữ được tấm ảnh Bác chụp với khẩu đội”, Dương Duy Ngữ chia sẻ.
Những nguyên mẫu từ đời thực
Nhà văn Dương Duy Ngữ còn được bạn đọc nhớ đến nhiều với các tác phẩm viết về văn hoá làng quê, những thú chơi quê kiểng mà sang trọng. Một loạt các truyện ngắn trong tập “Người trồng địa lan” hay tiểu thuyết “Người giữ đình làng”, “Rước chữ” đều được ông lấy bối cảnh làng quê. Một số tác phẩm còn được xây dựng từ chính những câu chuyện của gia đình Dương Duy Ngữ. Bố ông trước là chánh tổng, là người luôn tìm cách giữ lại những gì là văn hoá, hồn cốt làng quê mình, ngay cả những năm tiêu thổ kháng chiến thì bằng cách này hay cách khác ông vẫn làm như vậy. “Tôi đã được ông cụ truyền lửa và viết về những điều đó với sự thấm nhuần cao nhất mà gần gũi nhất”, ông kể.
Dù ở phố từ lâu nhưng tâm hồn Dương Duy Ngữ vẫn “neo đậu bến quê” với những trang viết thắm tình quê hương. Văn hoá làng xã, gia đình và quê hương bản quán luôn được Dương Duy Ngữ dành một vị trí quan trọng, chi phối lớn đến những sáng tác của ông. Một trong những tác phẩm được bắt đầu từ chính câu chuyện của gia đình, dòng họ của Dương Duy Ngữ là tiểu thuyết “Người giữ đình làng” viết về chính người cha thân yêu của ông. Ngôi đình làng nguyên mẫu trong tiểu thuyết giờ vẫn còn, nay đã được 300 năm. Sau này, khi đã cao tuổi, ông viết nhiều về phong tục làng quê, về những thú chơi tao nhã. Với truyện ngắn “Tầm lan”, khi nó ra đời nhiều người cho rằng đây là một bước chuyển trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Dương Duy Ngữ. Đó cũng là truyện ngắn mà Dương Duy Ngữ tâm đắc, ông chia sẻ: “Tôi vẫn cho rằng, đỉnh cao của văn chương bác học là sự giản dị, đây cũng là phong cách viết mà tôi hướng tới. Ở “Tầm lan”, ít nhiều tôi đã đạt được điều này”.
Nghề cực nhọc nhưng được trọng
Dương Duy Ngữ quan niệm về nghề viết khá “nghiệt ngã”: “Khốn nạn! Đó là nghề khốn nạn nhất, cực nhọc nhất. Với tôi là như vậy…”. Nhưng ông cũng nói thêm: “Nhưng mà được trọng, được ra Bắc vào Nam, ngay như tôi giờ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn được trọng, vẫn được mời đi đây đi đó...”. Có lẽ ở tuổi ông, những đúc rút về nghề là những trải nghiệm của cả một đời văn, đã sống, đã viết cùng những biến động thăng trầm. Quan niệm về nghề thì nghiêm khắc thế nhưng Dương Duy Ngữ lại nghĩ về cái sự được mất của người cầm bút thật giản dị. “Lộc giời” là tên một tập sách của ông, và ông cũng lấy cái tên ấy để nói về những người trót mang cái nghiệp văn chương: “Chuyện văn chương, tôi nghĩ là do giời ban lộc cho mỗi người cầm bút. Giời cho đến đâu hưởng đến đấy”.
Bây giờ, sức khỏe không cho phép Dương Duy Ngữ cày cuốc với phong độ như xưa, nhưng ông vẫn viết túc tắc. Có lời mời dự trại viết, nếu sức khỏe đảm bảo là ông sẵn sàng lên đường, kể cả đi thực tế tại vùng sâu vùng xa, thậm chí là… các trại giam. Ngày ngày, bên căn nhà trong khu tập thể ở Thanh Xuân Bắc ông vẫn chăm những chậu địa lan và chơi với các cháu. Nói về dự định văn chương ở tuổi ngoài sáu mươi quả là điều “xa xỉ”, nhưng tôi vẫn hỏi ông câu hỏi này, Dương Duy Ngữ bảo, “tôi chẳng có dự định gì cả, cứ có hứng là viết, thế thôi…”.