Tranh hiện thực, cực thực - vượt qua giới hạn của máy móc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 10 năm trở lại đây, dòng tranh hiện thực, cực thực đã trở lại đời sống mỹ thuật một cách đầy sôi động. Nói là sôi động bởi các cuộc triển lãm luôn thu hút được rất đông người thưởng lãm, bao gồm cả các nhà sưu tập. Tranh thường được bán hết từ trước giờ khai mạc và họa sĩ sống khỏe với nghề.

Thật quá cũng… khổ

Trong các trường phái hội họa, thể loại hiện thực là dễ xem nhất và gần gũi với số đông công chúng. Chính vì thế, các cuộc triển lãm tranh hiện thực, cực thực gần đây như các cuộc trưng bày của nhóm Hiện thực, triển lãm tranh cá nhân của dịch giả - họa sĩ Trịnh Lữ, triển lãm của nhóm Anh Em… đã hút người xem từ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Từ phố Hà Nội, cho tới gương mặt trẻ thơ, góc bếp lửa bập bùng… đã được các họa sĩ vẽ thực đến mức người xem như có thể chạm tay vào các đồ vật, hoa lá, cây cối trong tranh. Nhưng cũng vì thực quá, thật quá mà lại có ý kiến cho rằng, tranh hiện thực đã làm thay công việc của nhiếp ảnh.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cao Hoàng

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Cao Hoàng

Thậm chí, “tranh vẽ như thế thì thà xem ảnh cho xong”. Ý kiến này đến từ chính quan điểm cố hữu của các họa sĩ Việt Nam ngay từ khi học trong trường với ảnh hưởng của trường phái ấn tượng - vẽ sao chép hiện thực là không hay mà cần phải khác đi, ghi lại cảm xúc, ấn tượng của mình trước các sự vật, hiện tượng. Quan điểm này đã mở rộng và phát triển ngay cả với người xem - vẽ giống và thật là thừa thãi với thị giác.

Trước ý kiến phản biện này, họa sĩ Lê Thế Anh - giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cho rằng, giá trị của bức tranh và bức ảnh khác nhau. Trong khi, nhiếp ảnh là khoảnh khắc chớp lấy ngay tức thì, hội họa lại là cả quá trình để họa sĩ hoàn thành tác phẩm, mang nhiều tình cảm của con tim và lý trí. Chưa kể, trong khi nhiếp ảnh được chuyển tải bằng in ấn, hội họa lại được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, sơn mài, acrylic, bút chì…

Dù máy ảnh có giỏi đến đâu cũng không tinh tế bằng mắt người. Họa sĩ có kỹ năng đôi tay và óc quan sát, vẽ còn đẹp hơn máy ảnh, rung cảm hơn. Đó là trường phái cực thực. “Trường phái hiện thực hay cực thực hội họa cuối cùng cũng để chứng minh cho khả năng vượt qua mọi giới của con người. Có những bức tranh cực thực làm người xem bất ngờ và kinh ngạc không thể tưởng tượng nổi” - họa sĩ Lê Thế Anh nói.

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh

Một tác phẩm của họa sĩ Lê Thế Anh

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân thì hào hứng khi nói về dòng tranh hiện thực. Theo ông, hiện thực không phải là cách vẽ mà là một thái độ sống, sự khác biệt giữa cách nhìn và cách thấy một tác phẩm nghệ thuật. Điều đó có nghĩa rằng, việc giống hay không giống hiện thực không quan trọng, điều quan trọng là tác phẩm ấy truyền đến người xem cảm xúc ra sao.

Họa sĩ có tay nghề vững vàng

Trong giới hội họa, các họa sĩ hiện thực là những người sống tốt, sống khỏe với nghề. Họa sĩ Lê Thế Anh cho biết: “Các triển lãm của dòng tranh hiện thực có đông người đến xem, tỉ lệ mua tranh cao. Nhìn chung so với các họa sĩ đương đại, họa sĩ hiện thực ổn hơn”. Nhưng trước khi nói đến việc tranh hiện thực bán tốt, điều không ai phủ nhận được, đó là dòng tranh này phô diễn kỹ thuật của họa sĩ rõ ràng nhất. Hiện thực là dòng tranh có kỹ thuật căn bản. Hình họa phải vững, tỉ lệ mặt mũi, chân tay đúng. Họa sĩ phải giỏi về luật xa gần để vẽ phố không méo mó, có cảm về mặt không gian.

Vì thế, có thể khẳng định, họa sĩ hiện thực là những người vững về nghề. Những tên tuổi trong dòng tranh hiện thực trước đây có thể kể đến như Đỗ Quang Em, Lê Huy Tiếp, Vũ Ngọc… Sau này có Phạm Bình Chương, Lê Thế Anh, Bùi Văn Tuất, Quảng Tâm, Lưu Tuyền… Sự chuyển giao và nối tiếp thế hệ của dòng tranh hiện thực Việt Nam có sự học hỏi của dòng tranh hiện thực thế giới nhờ sự phổ cập của Internet. Đặc biệt, từ khi nhiếp ảnh trở nên phổ biến, dòng tranh hiện thực đã trải qua nhiều chặng đường thay đổi.

Họa sĩ Phạm Minh Đức cho biết, nếu như trước đây việc phác họa đối tượng chỉ ở mức tương đối thì ngày nay các họa sĩ vẽ tranh hiện thực ngày càng chú ý hơn tới việc tạo gờ, khối cho chi tiết, để nâng mức độ tả thực của tranh. Bên cạnh đó, thông qua sự chuyển biến của kỹ thuật, nội dung sáng tác hiện thực cũng ngày càng đa dạng và rẽ sang nhiều hướng mới mẻ hơn. Không chỉ vẽ chân dung, phong cảnh, các họa sĩ đã đề cập tới các vấn đề của xã hội đương thời như nạn ô nhiễm môi trường mà Nguyễn Đinh Duy Quyền đang thể hiện.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với sự giúp sức của công nghệ, việc vẽ tranh hay chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn. Nhiều người cũng dễ dàng trở thành nghệ sĩ một cách chóng vánh. Trong bối cảnh ấy, dòng tranh hiện thực, cực thực lại không bị ảnh hưởng nhiều và đang có chỗ đứng vững trong đời sống mỹ thuật. Vì chỉ có vững nghề, họa sĩ mới vẽ được tranh hiện thực. Do vậy, hiện thực vẽ như ảnh chụp thật đấy, nhưng với tài năng của mình, các họa sĩ đã tạo ra những giá trị thẩm mỹ riêng, tranh dễ “đọc”, thực mà hấp dẫn, không đơn điệu.

Cuối cùng, cũng giống như các trường phái khác trong hội họa như siêu thực, ấn tượng, lập thể… hiện thực, cực thực sinh ra cũng nhằm hướng đến một mục đích chung là vì con người, hướng tới các giá trị nhân sinh, làm giàu hơn các giá trị thẩm mỹ của đời sống.