Trăm hoa đua nở, nỗi lo còn đó
(ANTĐ) - Thời gian gần đây, đời sống văn học Việt Nam chứng kiến sự ra đời hàng loạt giải thưởng thơ mang tên các tổ chức, cá nhân. Ít nhiều hiện tượng này đã thổi vào “địa hạt” thơ ca một làn gió mới. Trăm hoa đua nở nhưng thực sự công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ đã thoát khỏi cơn bĩ cực?
Tác giả Trang Thanh và giải thưởng thơ “Lá Trầu” |
Trăm hoa đua nở
Chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã xuất hiện từ bấy lâu, nhưng công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ trong đời sống văn học Việt Nam chỉ thực sự nhen nhóm trong khoảng đôi ba năm trở lại đây. Dò dẫm những bước chân đầu tiên trên con đường xã hội hóa giải thưởng thơ là Giải thưởng thơ Lá trầu 2007. Lá trầu được thiết lập bởi Công ty phát triển truyền thông Eva (Evacom) nhằm bảo trợ xuất bản thơ nữ và kèm theo đó là một giải thưởng văn chương đầu tiên mang tính xã hội hóa.
Qua gần 30 bản thảo, 6 tập thơ đã được Evacom phối hợp với NXB Phụ nữ xuất bản và giải thưởng Lá trầu 2007 cũng về đích thành công với giải thưởng duy nhất dành cho tập thơ Bay lặng im của Trang Thanh. Vượt ra khỏi quy ước truyền thống, các giải thưởng dành cho thơ mang tính xã hội hóa lần lượt ra đời như Quỹ Anh Thơ, Giải thưởng thơ Làng Chùa, Giải thơ trẻ TP.HCM, Giải thưởng thơ Bách Việt của Công ty sách Bách Việt…
Sự ra đời của hàng loạt giải thưởng thơ mang tính xã hội hóa trước hết đem đến cho các sáng tác mới một “bà đỡ” mới. Nhà thơ Lê Ngân Hằng - Giám đốc Evacom khẳng định: “Có một thực tế là bạn đọc vẫn quan tâm đến thơ nhưng các NXB hầu như không đầu tư xuất bản thơ vì họ quan niệm thơ không có giá trị thương mại.
Một trong những mục đích khi chúng tôi khởi xướng Giải thưởng thơ Lá trầu chính là vận động hỗ trợ các nhà thơ nữ in thơ và giới thiệu các tập thơ”. Thực tế nhiều tập thơ của các tác giả trẻ đã được xuất bản, phát hành rộng rãi từ “cánh cửa” tham gia các giải thưởng thơ này như: Chữ cái của tác giả Từ Huy, Cơn ngạt thở tình cờ - Trần Lê Sơn Ý từ giải thưởng thơ Lá trầu hay Những ngọn triều nhục cảm của Đỗ Doãn Phương từ giải thưởng thơ Bách Việt…
Nếu như trước đây, việc tổ chức và trao giải thưởng thơ thường chỉ cậy nhờ vào hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội VHNT địa phương… Những tổ chức, cá nhân muốn cổ súy cho thơ ca nói chung cùng lắm cũng chỉ dừng lại ở cái mác “nhà tài trợ”.
Chính vì thế, sự ra đời của các giải thưởng thơ mang tính xã hội không những đã phá vỡ thế “độc quyền” mặc định từ bấy lâu mà còn mở cánh cửa cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân yêu thơ Việt có thể “bảo trợ” cho xuất bản và tôn vinh thơ qua các giải thưởng mới mang tính xã hội hóa dành cho thơ.
Hơn thế, sự ra đời của các giải thưởng thơ mang tính xã hội hóa với các Hội đồng thẩm định được thành lập riêng cho từng giải thưởng cũng mang đến cho sự thẩm định, đánh giá thơ sự đa dạng hóa nhất định, góp phần thúc đẩy sự đa dạng hóa bản thân thơ Việt.
Đường dài mới biết ngựa hay
Dù vậy ngay từ vạch xuất phát, công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ ca cũng đã để lại cho công chúng yêu thơ và cả các tổ chức, cá nhân đứng ra thiết lập các giải thưởng này những nghi ngại nhất định. Giải thưởng Lá trầu sau lễ trao giải thưởng lần thứ nhất vẫn tiếp tục hoạt động hỗ trợ xuất bản thơ nữ năm thứ hai nhưng đã chính thức tuyên bố tạm ngừng giải thưởng Lá trầu năm thứ hai do gặp những khó khăn về tài chính.
Trong khi đó, ngay sau khi giải thưởng thơ Bách Việt ra đời, một doanh nghiệp đã ngỏ ý nhận lời tài trợ cho giải thưởng lần thứ nhất. Nhưng trong buổi giới thiệu Những ngọn triều nhục cảm - tập thơ đầu tiên tham gia giải thưởng Bách Việt, đại diện Công ty sách Bách Việt cũng thở dài ngao ngán khi nhà tài trợ ngoảnh mặt làm ngơ với giải thưởng thơ Bách Việt vì lý do lạm phát kinh tế.
Đã vậy, ngay chính những người trong cuộc cũng tỏ ra không mấy mặn mà với các giải thưởng này. Theo quy định Giải thưởng Lá trầu được trao cho một tập thơ duy nhất và giải thưởng trị giá 25 triệu đồng của Lá trầu đã được trao cho tập thơ Bay im lặng của tác giả Trang Thanh.
Nhưng để vinh danh những dấu ấn của các tập thơ còn lại, Lá trầu còn trao kỷ niệm chương cho 5 tập thơ mang 5 dấu ấn khác nhau. Vậy nhưng, trong lễ công bố kết quả Lá trầu 2007 chỉ tác giả Trang Thanh đến nhận giải còn cả năm tác giả còn lại đều vắng mặt. Hội đồng thẩm định với 7 thành viên gồm nhà thơ Hoàng Hưng, Trúc Thông, Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều, Giáng Vân, Nguyễn Bình Phương và Đỗ Doãn Phương thì cũng chỉ mỗi vị Trưởng ban Giáng Vân có mặt.
Giải thưởng thơ Làng Chùa sau đợt đầu tiên tổ chức cũng im hơi lặng tiếng, chưa hẹn ngày trở lại. Trong khi đó, giải thưởng Thơ Bách Việt dù ra đời sau các giải thưởng thơ mang tính xã hội hóa kể trên nhưng cũng không có những bước đột phá về cách thức tổ chức mà uy tín, sự ảnh hưởng của giải thưởng cũng không tạo được cú hích trong làng văn Việt Nam…
Đó thật sự là “nốt lặng” buồn không chỉ riêng Giải thưởng Lá trầu mà cho cả công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ dài dằng dặc đang ở phía trước. Vẫn biết, đường dài mới biết ngựa hay, công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ chỉ mới bước qua vạch xuất phát. Thời gian sẽ sàng lọc, hóa giải đáp án cho công cuộc xã hội hóa giải thưởng thơ mới đương kỳ sắp sửa với đầy những nghi ngại, âu lo ở phía trước.
Phúc Nghệ