Trải nghiệm "Mỹ thuật bụi"

ANTĐ - Nếu nghĩ rằng mỹ thuật thường chỉ dành cho những ai được đào tạo chính quy trong các trường đại học thì sẽ phải thay đổi suy nghĩ, nếu tìm hiểu về “Mỹ thuật bụi” - mô hình giáo dục mỹ thuật kết hợp với không gian giải trí đã trở thành ngôi nhà thân thuộc của nhiều người yêu nghệ thuật.

Thầy và trò miệt mài ngồi vẽ 

Những người chưa bao giờ cầm cọ

Chỉ là một không gian nhỏ rộng xấp xỉ 80m2 nằm trên phố Thái Hà, Mỹ thuật bụi vừa giống một xưởng vẽ, vừa giống một lớp học, lại đóng luôn vai trò một phòng trưng bày.

Không có lấy một chiếc bàn, chiếc ghế nào, “tài sản” lớn nhất ở đây là một vài chiếc giá vẽ nhỏ xinh, một vài bảng màu và đương nhiên là vô số bức tranh lớn nhỏ treo trên tường. Nếu nhìn qua khó có thể đoán được rằng chúng được thực hiện bởi các “họa sỹ không chuyên”. Nhiều người trong số họ trước đó còn chưa bao giờ cầm cọ. 

Anh Đỗ Viết Khôi - một trong những người sáng lập và cũng là người đứng lớp ở Mỹ thuật bụi từ những ngày đầu cho biết: “Bản thân tôi trước khi vào trường Mỹ thuật đã từng theo các lò học vẽ và thấy rằng, việc học như thế có phần căng thẳng, trong khi nghệ thuật lại cần được thúc đẩy bởi sự bay bổng và sáng tạo”.

Bởi vậy, Đỗ Viết Khôi cùng Nguyễn Lý Bằng, cũng là một sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã biến ý tưởng về Mỹ thuật bụi trở thành hiện thực. Cơ sở ban đầu của Mỹ thuật bụi vốn chỉ là một không gian rộng chừng 15m2, nằm gần trường Ngoại thương, mà theo Đỗ Viết Khôi là “ăn chung ở chạ” với một… shop bán giày. Sáng ra thì bán giày, tối thầy và trò mới lục tục kéo nhau vào lớp. Trải qua năm lần bảy lượt “chuyển nhà”, Mỹ thuật bụi mới có một đại bản doanh tương đối khang trang như hiện nay. 

Vừa học vẽ, vừa học cách “xem tranh”

“Mỹ thuật không phải là cái gì đó quá xa vời” đó là điều ai cũng có thể cảm nhận khi đã từng trải qua một khóa học ở Mỹ thuật bụi. Bởi đây không phải là nơi đào tạo ra những họa sỹ chuyên nghiệp, mà chỉ là nơi “ai muốn vẽ thì đến”.

Có những người đến để học cách làm thế nào cầm cọ, để vẽ một bức chân dung tặng bạn, hay làm thế nào để ký họa một bức tranh phong cảnh. Hay như khóa học “Thường thức mỹ thuật”, được mọi người ở đây đùa là chỉ dành cho những người quan tâm đến hội họa nhưng… không thích vẽ, thì quy tụ rất nhiều người đi làm, lớn tuổi.

Ở đây, người tham gia không cần vẽ, mà sẽ được học cách “xem tranh” - tức là đánh giá một bức tranh thế nào thì gọi là đẹp, phân loại tranh, hay định giá tranh trên thị trường…

Chị Nguyễn Ngọc Mai - học viên lớp tranh phong cảnh, nay đã trở thành người quản lý của Mỹ thuật bụi cho biết: “Ở đây không ít sinh viên như tôi đến từ các trường Ngoại thương, Kinh tế… những môi trường học không dính dáng gì đến hội họa. Có những khóa học có cả hai mẹ con đến để cùng nghe giảng và thực hành - điều mà ít xưởng vẽ nào có được.

Tôi mới đầu đến đây cũng rất tự ti vì không có chút kiến thức hội họa nào. Nhưng sau một thời gian tôi thấy gắn bó với không gian này. Vì đây không chỉ là một lớp học vẽ, mà còn là mái nhà cho những người yêu nghệ thuật có thể quay trở lại bất cứ lúc nào”. 

Chỉ sau 10 buổi, 5 buổi hay thậm chí là 1 buổi học, Mỹ thuật bụi đã “khai quật” được những nghệ sỹ tài năng và có triển vọng. Bằng chứng là thành quả của các học viên khi treo tại xưởng được nhiều người hỏi mua. Sau những buổi triển lãm trưng bày tác phẩm của các học viên, nhiều quỹ nghệ thuật, các tổ chức từ thiện… đã đến đặt hàng để đem trưng bày hoặc bán đấu giá.

Bước tiến nho nhỏ này khiến những người sáng lập ra “Mỹ thuật bụi” có cớ để tự hào: “Một số học viên sau khi học xong cho biết họ đã bán được tranh. Có những bạn chỉ chia sẻ là sẽ quyết tâm theo đuổi mỹ thuật chuyên nghiệp hay trở thành một kỹ sư đồ họa…

Nhưng dù đi theo con đường nào, thì từ “Mỹ thuật bụi” tôi mong muốn mọi người, nhất là giới trẻ sẽ có cái nhìn cởi mở hơn về nghệ thuật, thẩm mỹ của người dân cũng được nâng cao. Để thấy rằng mỹ thuật không phải cái gì đó quá cao siêu mà nó dành cho tất cả mọi người” - anh Đỗ Viết Khôi chia sẻ.