Nhà văn Trần Thu Trang:

Tôi sợ ế sách hơn ế chồng

ANTĐ - Thử sức với đủ thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… nhưng Trần Thu Trang - tác giả của “Phải lấy người như anh” cho rằng hoàn thành một cuốn tiểu thuyết luôn mang lại cảm giác thỏa mãn hơn cả. Chị chia sẻ mỗi lần chia tay một đứa con tinh thần là đủ nỗi bịn rịn, nhung nhớ…

Tôi sợ ế sách hơn ế chồng ảnh 1


- Phóng viên: Là người rất chịu khó trao đổi với độc giả, chị có thường xuyên tiếp thu ý kiến của họ để chỉnh sửa tác phẩm của mình? 

- Nhà văn Trần Thu Trang: Tôi thường hỏi ý kiến vài độc giả là bạn bè thân thiết về tác phẩm, đặc biệt là kinh nghiệm sống, thứ mà không ai dám nói chắc là mình có đủ. Một vài độc giả không quen biết cũng cung cấp cho tôi những ý kiến xác đáng về chi tiết mang tính thực tế trong tác phẩm. Dĩ nhiên, tôi tiếp thu theo hướng có chọn lọc, dù gì tôi cũng có kinh nghiệm viết hơn và là người chịu trách nhiệm với tác phẩm.

- Chị có bao giờ gặp tình trạng “sống” trong một tác phẩm nào đó mà không dứt ra được?

- Có chứ. Tôi thường coi những nhân vật chính trong tiểu thuyết là “con”. Chia tay “đứa” nào tôi cũng bịn rịn lưu luyến. Tôi viết xong cuốn “Để hôn em lần nữa” từ năm 2011 mà đến giữa năm 2012 vẫn vương vấn muốn viết thêm về đôi nhân vật chính. Mãi đến khi xong hết mấy mẩu chuyện bổ sung thì mới chính thức từ biệt “chúng nó” (Cười). 

- Theo chị “ế chồng” và “ế sách”, cái nào đáng ngại hơn?

- Ế sách. 

- Vậy sau khi một tiểu thuyết ra đời, thường chị mất thời gian bao lâu để bắt đầu viết một tác phẩm khác?

- Cái này thì còn tùy thuộc vào từng tác phẩm. Với tôi thì khoảng thời gian giữa hai tác phẩm chính, chẳng hạn như tiểu thuyết dao động từ hai tháng đến hai năm.

- Nơi nào và thời điểm nào là lý tưởng nhất đối với chị để chấp bút? 

- Từ vài năm nay, tôi thường chỉ viết ở nhà, ngồi bên ô cửa sổ trông ra mảng tường đầy rêu hoặc nằm trên cái giường luôn có lông mèo, dùng một cái máy tính không nối mạng. Thời điểm thì tùy, đại khái bất cứ lúc nào yên tĩnh.

- Sự “lặp lại” là cái mà độc giả và tác giả thường không chờ đón trong văn chương. Trong những tác phẩm của mình, chị có bao giờ đi theo lối mòn? 

- Tôi theo đuổi một thể loại rất dễ đi vào lối mòn. Luôn luôn là nam nữ yêu nhau, gặp tí trắc trở rồi vượt qua trắc trở để hạnh phúc bên nhau. Tôi thường cố gắng để không lặp lại về hình mẫu nhân vật và bối cảnh. Về hình mẫu nhân vật thì tôi thấy mình cũng tạm thành công, riêng về bối cảnh thì... Dù có quẳng nhân vật sang tỉnh khác hay nước khác, tôi vẫn không thể lôi họ ra khỏi Hà Nội hoàn toàn. Đành chịu vậy, tôi gắn bó với thành phố này từ khi sinh ra mà.

- Nếu một cuốn tiểu thuyết của chị được dựng thành phim và chị được giao trọng trách là biên kịch, chị sẽ nhận lời chứ?

- Tôi sẽ chỉ nhận lời khi có một nhóm biên kịch hỗ trợ. Tôi không nghĩ một mình tôi đủ khả năng viết ra một kịch bản đạt chuẩn mực làm phim.

- Chuyển thể từ tiểu thuyết sang phim ảnh không phải đơn giản. Chị có sẵn lòng thêm bớt, thậm chí là thay đổi chi tiết để phù hợp với yêu cầu của một bộ phim?

- Vấn đề sửa đổi, tôi cũng có chút ít kinh nghiệm với phim “Cocktail cho tình yêu” nên sẽ đấu tranh đến cùng để phim có kết thúc giống với truyện. Còn những thứ trên đường đi đến kết thúc đó thì có thể thương lượng. 

- Chị đã cho ra mắt 7 cuốn sách, từ tiểu thuyết, đến truyện ngắn, tản văn… chị cảm thấy hài lòng và cảm giác thỏa mãn với chính mình ở thể loại nào hơn cả? 

- Tôi thấy tôi viết cái gì cũng tàm tạm, không quá hài lòng, luôn có cái gì đó lẽ ra nên làm tốt hơn, nhưng cũng không quá thất vọng. Đọc lại cái gì cũng thấy: Ồ, mình viết cũng được đấy chứ (cười). Nhưng nếu tính về độ thỏa mãn thì cảm giác viết xong tiểu thuyết vẫn là thỏa mãn nhất.