Tiếng nói từ lòng dân

ANTĐ - Cử tri và nhân dân cả nước không chỉ cảm nhận mà thực sự có thể “nắm bắt” được không khí đổi mới của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII. Dù chưa đến phiên chất vấn, nhưng những ý kiến phân tích, góp ý của các đại biểu Quốc hội trong báo cáo của Chính phủ về hàng loạt vấn đề “nóng” của đời sống kinh tế - xã hội, phải nói là hết sức thẳng thắn, mạnh mẽ, không né tránh, thậm chí còn khá gay gắt. Trách nhiệm phản biện của những người đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và người dân đã thể hiện khá rõ trong các buổi thảo luận ở tổ, trên nghị trường và bên hành lang Quốc hội.

Một trưởng đoàn đại biểu Quốc hội không “rào đón” nói thẳng rằng không đồng tình về nhận định “lạm phát đang giảm dần”. Bởi từ 2 năm nay chưa khi nào lạm phát giảm cả, tháng nào cũng tăng, nếu nói là tăng chậm lại thì đúng hơn. Chính vì lạm phát nên Chính phủ có chủ trương tiết kiệm chi thường xuyên 10%, song dự toán chi thường xuyên vẫn vượt hơn 4%. Chủ trương tiết kiệm 10% để giảm lạm phát rõ ràng không hiệu quả. Đại biểu này đặt câu hỏi: Hô hào cắt giảm đầu tư công để chống lạm phát nhưng đầu tư phát triển vẫn tăng 15% thì tác động kiềm chế lạm phát ra sao? Đồng tình về việc chi ngân sách ngành nào cũng được hưởng, tỉnh nào cũng có phần, một đại biểu ví von ngân sách giống như chai nước, chia đều thì ai cũng hài lòng mà không giảm được cơn khát cho ai cả. Tại các phiên thảo luận ở tổ trong hai ngày, vấn đề cắt giảm đầu tư công chưa nghiêm túc là tâm điểm được các đại biểu “mổ xẻ” với tinh thần thẳng thắn hiếm có.

Tại cuộc thảo luận ở tổ của đoàn đại biểu Hà Nội, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi và tự trả lời: “Các đại biểu ai cũng kêu ca đầu tư dàn trải nhưng tới đây vào hội trường, trong 500 đại biểu, có vị nào dám đứng lên nhận trách nhiệm về ngành mình, địa phương mình và tình nguyện xin cắt giảm đầu tư công ở ngành, địa phương mình không? Chắc là khó có đại biểu nào!”. Cử tri cả nước nếu theo dõi kỳ họp qua truyền hình trực tiếp, hẳn cũng yên lòng phần nào khi nỗi lo cơm áo vì giá cả của mình cũng trở thành nỗi trăn trở, ưu tư của đa số đại biểu. Nói về lạm phát không có ý kiến nào bàng quan trước đời sống của người dân như kỳ họp trước, khi một đại biểu so sánh giá một mớ rau ở Việt Nam với giá mớ rau ở Trung Quốc rồi cho rằng “Lạm phát có cao đâu”.

Một đại biểu tỉnh Kon Tum nhắc lại tình cảnh người dân nơi đây phải đu dây qua sông và hình ảnh những em bé ở Quảng Bình đã bơi ngược dòng lũ để đến trường. Ông lưu ý Quốc hội rằng hạ tầng giao thông nông thôn là một “mảng tối” rất cần ưu tiên giải quyết. Một đại biểu nữ dành trọn thời gian phát biểu về vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông, coi đây là thực trạng phải ban hành “tình trạng khẩn cấp”. Theo đại biểu này, muốn lập lại trật tự giao thông sẽ không có giải pháp nào làm hài lòng tất cả, vì vậy, cần tuyên truyền để nhân dân hiểu và đồng thuận cùng Nhà nước. Hoan nghênh Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Công an đã và đang siết lại việc cấp giấy phép, thi sát hạch các trung tâm dạy lái xe, vị đại biểu này cho rằng đây là một việc làm cấp thiết góp phần làm giảm tình trạng tai nạn giao thông; đồng thời khẳng định “Nhà nước hoàn toàn có khả năng lập lại trật tự an toàn giao thông”.

Qua hai tuần đầu kỳ họp Quốc hội, mặc dù vẫn còn một số ý kiến khá dàn trải, mang tính địa phương, song nhìn chung những phát biểu của hầu hết các đại biểu Quốc hội đã truyền đạt trung thực và thẳng thắn, mạnh mẽ và bức xúc tiếng nói từ lòng dân và cử tri cả nước. Nhìn thẳng, nói thẳng sự thật thì mới tìm ra được giải pháp và lời đáp.