Nhiều rào cản khiến người lao động chưa mặn mà với bảo hiểm xã hội tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thu nhập không ổn định; chính sách thiếu hấp dẫn, hay thậm chí chưa tính toán được mức hưởng cụ thể trong tương lai là những rào cản khiến nhiều lao động chưa mặn mà tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến năm 2023, lao động phi chính thức ở Việt Nam không có bảo hiểm xã hội vẫn chiếm tới 98%. Đáng chú ý, trong tổng số gần 18 triệu lao động phi chính thức nhưng chỉ có 0,2% được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều người lao động phi chính thức thiệt thòi trong việc thụ hưởng chính sách an sinh xã hội.

Ông Đỗ Ngọc Thọ, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) thông tin, thực tế tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội có tăng dần qua các năm nhưng vẫn còn khá thấp. Năm 2022 có khoảng hơn 1,4 triệu người tham gia, bao phủ 3,18% dân số, đến năm 2023 tăng lên khoảng 1,9 triệu người, bao phủ 4,09%. Dự kiến năm 2024 là 2,56 triệu người, bao phủ 5,42%.

Nói về nguyên nhân khiến tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện còn rất thấp, ông Đỗ Ngọc Thọ cho rằng có nhiều vấn đề cần nhìn nhận.

Trước hết, mức thu nhập của người lao động trong khu vực phi chính thức thường bấp bênh, không ổn định. Vì thế, họ thường chú trọng đến những nhu cầu trước mắt, mưu sinh hằng ngày, mà chưa quan tâm nhiều đến an sinh bền vững sau này.

Người dân còn ít tìm hiểu về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, cũng như do tâm lý trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước.

“Vẫn còn tâm lý ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, đó là “trẻ cậy cha, già cậy con”, nên chưa hình thành văn hóa đóng - hưởng, tức tự bảo đảm an sinh xã hội thông qua tích lũy, đóng góp khi trẻ để hưởng thụ khi về già trong cộng đồng dân cư. Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất”, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đánh giá.

Bên cạnh đó, mức hỗ trợ của Nhà nước hiện nay chưa tạo được “cú hích” để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu còn dài (20 năm) cũng làm nản lòng một bộ phận người dân.

Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cũng đồng tình với các ý kiến cho rằng chế độ của bảo hiểm xã hội tự nguyện còn ít nên chưa hấp dẫn, tuy nhiên, đối với chính sách này để có thêm nhiều chế độ khác sẽ đòi hỏi hỗ trợ rất lớn từ ngân sách mới đảm bảo được.

“Giá như ngân sách nhà nước có điều kiện rộng rãi hơn thì sẽ hỗ trợ người dân nhiều hơn, từ đó đưa bảo hiểm xã hội tự nguyện trở thành chính sách an sinh xã hội mang tính chất chủ động, tránh việc khi về già phải nhận trợ cấp hưu trí xã hội”, ông Đỗ Ngọc Thọ chia sẻ.

Ngoài ra, việc lan truyền một số thông tin sai lệch về chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là về tính toán mức hưởng sau này chưa rõ, cũng phần nào làm người dân e ngại khi tham gia.

Từ thực tiễn triển khai chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện tại TP Hà Nội, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Hà Nội cũng nhận thấy, người dân có phần nào đó chưa tin tưởng về việc khó để đưa ra một con số cụ thể mức hưởng đối với họ trong tương lai.

Điều này gây bất lợi khi tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.