Tiếng gọi thiết tha

(ANTĐ) - Những bài giảng của thầy Tô Ngọc Vân đều có chất lượng rất cao, mang ý nghĩa khai mở lớn. Đối với các anh lúc đó, những bài giảng ấy, những giờ lên lớp ấy là bài học nhập môn có một không hai. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ uyên bác và dân chủ, có tầm nhìn rộng của một trí thức lớn và cũng là một nhà tổ chức kiến tạo sáng giá cho nền nghệ thuật hiện đại ở ta.

Tiếng gọi thiết tha

(ANTĐ) - Những bài giảng của thầy Tô Ngọc Vân đều có chất lượng rất cao, mang ý nghĩa khai mở lớn. Đối với các anh lúc đó, những bài giảng ấy, những giờ lên lớp ấy là bài học nhập môn có một không hai. Tô Ngọc Vân là một họa sĩ uyên bác và dân chủ, có tầm nhìn rộng của một trí thức lớn và cũng là một nhà tổ chức kiến tạo sáng giá cho nền nghệ thuật hiện đại ở ta.

>>> Tiếng gọi thiết tha

Chân dung tự họa của Trần Lưu Hậu
Chân dung tự họa của Trần Lưu Hậu

Ông đã nói rất trung thực, đứng trước đòi hỏi cấp thiết của sự nghiệp chung giải phóng dân tộc, các nghệ sĩ chúng ta phải dám lăn vào lửa, phải biết làm nghệ thuật tuyên truyền cách mạng và làm giỏi, nhưng trong lâu dài, nếu muốn thành một người thực sự sáng tạo thì phải nhìn xa hơn cái sứ mệnh mà mình đã lựa chọn, có thế mới mang lại vẻ vang cho nền nghệ thuật nước nhà. Có nghệ thuật tuyên truyền nhưng cũng có nghệ thuật của cái đẹp. Một họa sĩ chỉ dừng lại ở nghệ thuật tuyên truyền cũng giống như một anh chàng kỵ sỹ an tâm một đời dắt ngựa chứ không chịu nhảy lên ngồi trên lưng ngựa phóng tới phía trước.

Trong đổi mới hôm nay, ai cũng hiểu đó là những chuyện hiển nhiên nhưng ngày đó nói được như vậy là rất khó, phải dũng cảm lắm, hy sinh nhiều lắm. Ông Vân đã nằm lại trên đường từ Điện Biên  khi trở về, cái chết ấy là một tổn thất lớn của văn nghệ nhưng một lẽ khác nó cũng lại là một niềm tự hào của chúng ta. Ông chết vì đất nước và cũng chết cho nghệ thuật được sống. Giờ nếu thấy vẫn thích ta có thể vẽ những bức tranh làm những khối tượng để ngoài trời hoành tráng theo lối “trời xanh mây trắng nắng vàng, công nông trí thức xếp hàng tiến lên”, nhưng sẽ sang trọng hơn, Hà Nội hơn, nếu ta biết tìm một góc nào đó quanh Hồ Gươm hoặc trên núi Nùng, đặt một tảng đá liền khối, thật thô nháp tự nhiên và chỉ tạc lên đó một vết chân của thời đại ta đang sống.

Ba năm học ở lớp Mỹ thuật kháng chiến là ba năm vừa học vừa làm, làm ở đây là làm tranh tuyên truyền mang đến các vùng sâu vùng xa trong chiến khu phục vụ cho vận động giảm tô giảm tức, sản xuất tiết kiệm và toàn dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp. Lớp học chia thành từng tốp, thầy đi trước, trò bám sau, ăn ngủ vạ vật nhưng vui. Tranh vẽ trên giấy cứng quèo do nhà máy Hoàng Văn Thụ bên Thái Nguyên sản xuất, mang treo lên những sợi dây đay dài suốt mấy gian đình. Đêm liên hoan họa sĩ cùng nhảy múa, cùng đàn hát với bà con.

Trần Lưu Hậu hoá ra rất vụng về, đành ngồi lẫn vào bà con làm khán giả, có buổi anh quên luôn đám đông xung quanh, mải nhìn vào tấm lưng con gái của một thôn nữ không biết tên đang ngồi im lặng trong một góc nong đặt giữa sân đất nện. Đến giờ đã già rồi vậy mà không hiểu sao hình ảnh ấy, dáng lưng thon thả của người con gái ấy vẫn cứ còn ám ảnh mãi, trong tâm khảm anh, cô ấy không chịu già - con người ta thật lạ, ở cái góc rất sâu của nó tưởng phải cất giấu gì thiêng liêng lắm, quan trọng lắm nhưng hóa ra không phải, ít nhất với anh là vậy, với anh chả có gì là quá lớn, kể cả nghệ thuật mà anh theo đuổi. Nghe như vô lý, thật vu vơ, chỉ là bóng cô bé ngồi đấy giữa đám đông ồn ào trong một đêm chiến tranh.

Không biết cô là ai, đến cái xóm ấy là xóm nào giờ cũng không nhớ nổi, giá có định quay lại một lần để tìm thì cũng đành chịu chẳng biết đâu mà lần, nhưng vẫn cứ nhớ, nhớ đến chết. Anh thích thế, thích nâng niu sự âm thầm và anh nhìn chung là một người âm thầm, đó là thế giới nội tâm của người hiền. Tất nhiên, thế giới ấy nhiều khi cũng không dễ hiểu. Con mèo nhỏ lim dim trên bậu cửa, tôi ngang qua không muốn nó giật mình, nắng thả những giọt vàng lung linh lưng nó, tôi biết lấy gì rắc lên áo em… Đó là những câu được chép bâng quơ trong sổ tay Trần Lưu Hậu.

Thu đông 1953, trời Việt Bắc xanh như ngọc, sông Lô lặng lẽ uốn mình quanh những cánh rừng yên ả như một lời kể thầm, khắp các làng bản náo nức một không khí ra quân. Đâu đâu cũng thấy có khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết tiến lên tổng tấn công”. Cũng là lúc khóa học kết thúc thầy trò gọi nhau chuẩn bị đi phục vụ chiến dịch.

Họ vượt sông Hồng sang Hòa Bình rồi lên Mộc Châu, đến Tuần Giáo thì được ngầm phổ biến hướng của chiến dịch. Phen này quyết một trận sống mái. Anh em tản ra mỗi người đi theo một cánh quân. Người đi với bộ binh, người đi với pháo binh, riêng Hậu được cử đi với tiểu đoàn dân công hỏa tuyến liên khu ba. Trước khi chia tay chụp chung với nhau một tấm ảnh, trong tấm ảnh đó Hậu đứng bên cạnh thầy Tô Ngọc Vân, ông nắm tay anh rất chặt cười nhô cả răng, đấy cũng là lần cuối anh được gần ông.

Chiến dịch kết thúc về đến Phú Thọ mới hay tin ông đã nằm lại, Hậu bưng mặt khóc. Lần này là những giọt nước mắt của người chiến sĩ trước cái chết của vị chỉ huy tuyệt vời.

(Còn nữa)

Tùy bút của Đỗ Chu