Thói quen không tốt của sân khấu Việt hay sự ngu ngơ của người Việt trong sử dụng tác quyền?

ANTD.VN -Vừa qua, việc nhà văn Nguyễn Quang Thiều không có tên trong thành phần sáng tạo (tác giả kịch bản văn học) của vở kịch “Khát vọng” (Nhà hát Kịch Việt Nam) đã làm phiền lòng những người yêu sân khấu. Điều đáng nói, đây không phải hiện tượng hiếm hoi của sân khấu Việt, mà đã là lỗi được lặp lại nhiều lần và việc vi phạm tác quyền bỗng trở nên “cơm bữa”. 

Thói quen bừa bãi, tùy tiện của người Việt

Việc chuyển thể các tác phẩm văn học sang sân khấu luôn đưa đến cho các đạo diễn nhiều gợi ý và cách làm hay. Ý văn chuyển sang ý kịch chỉ là một bước để chạm đến trái tim khán giả.

Vì thế, hướng đi này từ lâu đã được các đoàn nghệ thuật, các nhà hát để tâm khai thác. Và cũng từ đây, thói quen bừa bãi, tùy tiện của người Việt đã được bộc lộ. Cụ thể, tại lễ trao giải thường niên năm 2017 của Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã phải ngừng trao giải cho 3 tác phẩm cố tình quên tên tác giả kịch bản gốc và nhập nhèm giữa việc đồng tác giả.

Hoặc tại gameshow “Cùng nhau tỏa sáng” cũng từng phải giải quyết tranh chấp bản quyền, khi trích đoạn “Phụng Nghi Đình” được dàn dựng cho thí sinh trình diễn đã sử dụng ca từ của tác giả Minh Tơ - Thanh Tòng mà không ghi tên tác giả, cũng không hề xin phép gia đình NSND Thanh Tòng.

Tháng 12-2018, gia đình NSND Huỳnh Nga đã lên tiếng về việc đạo diễn Gia Bảo dàn dựng từ vở cải lương “Đời cô lựu” thành vở cải lương kết hợp Bolero nhưng không hề xin phép gia đình cố đạo diễn. Và gần đây nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã không có tên trong thành phần sáng tạo của vở kịch “Khát vọng”. Trong khi, vở diễn được chuyển thể từ truyện ngắn “Mùa hoa cải bên sống” của ông…

Vì thiếu chỗ, Nhà hát Kịch Việt Nam đã quên không ghi tên tác giả văn học-nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trên tờ giới thiệu chương trình. 

Những vụ việc ấy cũng đủ gióng lên hồi chuông, về các vụ vi phạm tác quyền trong dàn dựng sân khấu. Thế nhưng, với những người vi phạm, mỗi khi vụ việc được phát lộ, họ luôn có đầy đủ lý do để biện minh cho hành động của mình.

Có người cho rằng, mình không sai vì vở được dựng từ kịch bản sân khấu, còn nhà viết kịch lấy chất liệu từ đâu là chuyện giữa hai cây bút. Người khéo hơn thì cho rằng, mình vô tình vi phạm với một dụng ý tốt, giúp chuyển tải tác phẩm đã cũ đến với khán giả sân khấu ngày nay… Trong muôn vàn những lý do ấy, công chúng luôn thấy nổi lên ý thức chấp hành pháp luật của người Việt còn yếu.

Thực hiện tác quyền dựa vào độ nổi tiếng của cây bút?

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, người có nhiều tác phẩm được dàn dựng thành các vở kịch nhận xét: “Người ta đối xử với các tác giả gốc theo kiểu nhìn mặt hiền dữ và so độ nổi tiếng. Khi tên tuổi anh có thể góp thêm vào sự quảng bá tác phẩm, vậy họ sẽ trân trọng giới thiệu, khi anh vô danh, họ quên và quỵt tiền. Việc trả tiền tác quyền cũng vậy, nó căn cứ vào độ nổi tiếng và chỗ đứng của tác giả trong giới. Không có một quy định cụ thể. Nhìn chung câu chuyện bản quyền nào của Việt Nam cũng rất tùy tiện”.

Trong khi đó, tại điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ ghi rõ: “Việc công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả hoặc đồng tác giả; làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả; không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật… đều là những hành vi xâm phạm quyền tác giả”.

Một cảnh trong vở kịch "Khát vọng"

Dù luật là vậy nhưng giới sân khấu nhiều người vẫn còn hiểu mù mờ về quyền tác giả và các quyền liên quan. Ngay khi vụ việc của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được phát giác, một số người đã cho rằng, Nhà hát Kịch Việt Nam không sai khi đã đến làm việc với gia đình cố tác giả Tạ Xuyên mà chẳng cần quan tâm tới tác giả văn học.

“Không có bột sao gột nên hồ”, một vở kịch liệu có thể lên sàn nếu thiếu đi chất liệu được tác giả kịch bản gốc đưa đến? Nhận thức chưa đầy đủ sẽ dẫn tới hành động thiếu chín chắn. Do vậy, những vụ vi phạm tác quyền kịch bản sân khấu cứ ngày một dày lên, cũng bởi thói quen tùy tiện và sự ngu ngơ của người Việt.

Việt Nam đã gia nhập công ước Bern nhưng người dân, đặc biệt là giới sân khấu vẫn chưa quan tâm tới việc chấp hành Luật Sở hữu trí tuệ. Câu chuyện vi phạm tác quyền sẽ chẳng thể chấm dứt, trước thái độ và nhận thức của người sử dụng bản quyền vẫn rất “bừa bộn”.