Thiện tâm chưa đủ

ANTD.VN - Sáng chủ nhật, tại cổng vườn thú có rất đông người xếp hàng mua vé, phần lớn là các gia đình có trẻ nhỏ. 

Một đôi vợ chồng trẻ mặc đồ lao động cũ kỹ dẫn một cậu con trai khoảng 4 tuổi cũng đang đứng xếp hàng. Nhìn bộ dạng háo hức, luôn miệng hỏi cha mẹ điều này điều kia của cậu bé và nét mặt vui tươi của hai vợ chồng, người ta có thể đoán được là gia đình họ rất mong chờ buổi đi chơi này.

Đến lượt mua vé, người vợ tái mặt khi nghe ông bán vé thông báo ngoài đứa con được miễn phí, còn hai vé của người lớn là 30 đô la”. “Ôi, tôi tưởng giá vé là 10 đô la một người chứ?”. “Không, chị xem lại bảng thông báo đi”, người bán vé trả lời với vẻ mặt bắt đầu có chút thiếu kiên nhẫn bởi dòng người vẫn còn đang xếp hàng dài phía sau. Người chồng móc hết các túi quần, túi áo cũng không có thêm được một xu nào trong lúc người vợ mặt buồn bã, mân mê tờ 20 đô la duy nhất trên tay. Tất cả những người đang xếp hàng đều dồn con mắt sốt ruột vào hai vợ chồng họ.

Một người phụ nữ xếp hàng sau gia đình họ bỗng bước lên, cầm tờ 10 đô la dúi vào tay người chồng kia: “Có 10 đô la thôi mà, anh cầm lấy mà mua cho đủ”. Đôi vợ chồng trẻ đỏ mặt xấu hổ, họ bối rối. Người chồng quay lại nói với người phụ nữ: “Thực sự cảm ơn chị nhưng chúng tôi không nhận được”, còn người vợ cúi xuống nói với con: “Hôm nay chúng ta về đã, hôm khác đến chơi con nhé!”. Cậu bé con không hiểu sự tình bắt đầu khóc và không chịu đi về khiến hai vợ chồng trẻ càng bối rối, họ không biết làm sao nên cứ loay hoay.

Bỗng nhiên một người phụ nữ lớn tuổi đi tới bên cạnh họ, tay cầm tờ 10 đô la và nhẹ nhàng nói: “Tờ 10 đô la này là tiền của hai người vừa đánh rơi à?”. Người chồng tròn mắt chưa hiểu chuyện gì thì người phụ nữ kia lại cười và nói tiếp: “Chắc chắn là tiền của hai người rơi đấy! Tôi tận mắt nhìn thấy nó rơi từ trong túi áo của anh ra mà! Anh cầm lấy đi, trả lại cho anh đây!”. Người chồng nắm thật chặt tay người phụ nữ, mắt rưng rưng nhìn mà không biết nói gì…

Giúp đỡ người khác là điều vô cùng đáng quý nhưng đôi khi có thiện tâm thôi chưa đủ, vì người trong hoàn cảnh khó khăn thường rất dễ bị tổn thương.