Thi tuyển lãnh đạo - Bước đột phá không dễ đi (3): Dần xóa bỏ tư duy “anh trước, em sau” trong công tác cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Công tác cán bộ là gốc rễ để xây dựng đơn vị vững mạnh, phát triển. Trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chính là rường cột của đơn vị. Lâu nay, với cách thức quy hoạch - bổ nhiệm truyền thống, không tránh khỏi tình trạng một bộ phận cán bộ sau khi được vào “danh sách” sẽ chuyển sang trạng thái chờ đợi, lười phấn đấu vì đằng nào cũng “sống lâu lên lão làng”. Thi tuyển lãnh đạo như làn gió mới giúp quét sạch tư duy cũ kỹ này, tạo cơ hội cho lớp trẻ vượt lên thể hiện năng lực và cống hiến.
Cán bộ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đọc thông tin niêm yết công khai về thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại trụ sở đơn vị

Cán bộ Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đọc thông tin niêm yết công khai về thi tuyển lãnh đạo cấp phòng tại trụ sở đơn vị

Không muốn phấn đấu thì “đứng sang một bên”

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) là đơn vị non trẻ trong hệ thống cơ quan của thành phố Hà Nội. Khi các dự án đường sắt đô thị được triển khai ngày một rộng khắp thì tất yếu đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý của MRB cũng cần được củng cố và bổ sung. Vì thế, nỗi trăn trở của lãnh đạo MRB trong nhiều năm qua là phải làm sao để tuyển dụng được những cán bộ quản lý thực sự đủ năng lực, thạo việc.

Cũng bởi vậy, từ năm 2018, Ban Giám đốc MRB đã họp bàn và sau khi được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, MRB đã đưa ra được Quy chế tuyển dụng cán bộ từ cấp Phó Trưởng phòng trở lên. Theo đó, vẫn là hình thức bổ nhiệm truyền thống nhưng có kèm theo phần thi xây dựng và bảo vệ đề án, kế hoạch hành động trước khi tiếp nhận vị trí công tác mới.

Năm 2019, MRB muốn tuyển chọn vị trí Chánh Văn phòng. Khi đó, MRB lựa chọn được 4 đồng chí cùng trong diện quy hoạch, yêu cầu họ tự xây dựng đề án, kế hoạch hành động trong nhiệm kỳ 5 năm tới nếu được bổ nhiệm chức vụ với những cam kết cụ thể. Sau đó, lần lượt từng ứng viên sẽ trình bày đề án, trả lời chất vấn trực tiếp của Hội đồng chấm thi. Căn cứ vào kết quả này, MRB sẽ chọn ra người xứng đáng nhất.

Đồng chí Lê Trung Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc MRB cho hay, quy chế này của đơn vị đã báo cáo UBND TP Hà Nội và được Sở Nội vụ đồng ý cho phép áp dụng. Đến đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội ban hành Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương (Đề án 219) với một số điểm tương đồng Quy chế tuyển dụng của MRB, nhưng được quy định bài bản, chặt chẽ, khoa học hơn.

“Thi tuyển chức danh lãnh đạo không phải nội dung mới. Đây là hướng đi tất yếu để tạo điều kiện hơn nữa cho người có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội thi thố, không phải chờ đợi, “xếp hàng” theo nếp “anh trước, em sau” hay “sống lâu lên lão làng” vẫn tồn tại bấy lâu nay.

Đây chính là bước đột phá để thay đổi tư duy trong công tác cán bộ, giúp cơ quan, đơn vị, địa phương chọn được nhân sự phù hợp trong số những người có trình độ, năng lực tốt để bố trí vào vị trí quản lý, cũng là cơ hội để cán bộ trẻ có cơ hội rèn luyện mình. Sau 3 năm MRB tổ chức tuyển dụng theo quy chế riêng, qua từng kỳ thi, kỹ năng, trình độ và đặc biệt là nhận thức của cán bộ được nhân lên rất nhiều” - đồng chí Lê Trung Hiếu nêu quan điểm.

Triển khai Đề án 219, ngày 9-3-2022, MRB đã ban hành Kế hoạch 38, thí điểm thi tuyển chức danh Trưởng phòng kỹ thuật, thẩm định và Trưởng phòng kế hoạch và chuẩn bị đầu tư. Dù vậy, phải tới 7 tháng sau, ngày 28-10-2022, đơn vị mới tổ chức thi tuyển được hai chức danh này. Đến ngày 24-10, có 8 ứng viên đăng ký tham gia thi tuyển, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Dù vậy, cả 8 cán bộ tham gia thi tuyển lần này đều là người của MRB mà chưa thu hút được ứng viên bên ngoài. “MRB là đơn vị đặc thù, chuyên môn sâu nên nhiều tháng nay, dù đã thông tin rộng rãi trên website của MRB, Fanpage trên mạng xã hội, niêm yết công khai tại trụ sở... nhưng không có người ngoài đơn vị tới đăng ký” - lãnh đạo MRB chia sẻ.

“Kỳ thi tuyển hai chức danh lãnh đạo cấp phòng của MRB theo đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ; công khai, minh bạch, đảm bảo sự ổn định, có tính kế thừa, cố gắng làm sao để lựa chọn người xứng đáng nhất vào vị trí cần tuyển.

Đương nhiên, đã thi thì phải có người trúng, người trượt. Nhưng chúng tôi luôn khuyến khích anh em tham gia, nếu không đi thi sẽ bị đánh giá là người thiếu bản lĩnh. Và với những người đã được quy hoạch mà từ chối tham gia thi tuyển thì năm tới, chúng tôi sẽ đưa ra khỏi quy hoạch theo đúng tinh thần quy chế. Khi anh không còn ý chí phấn đấu thì tốt nhất là “đứng sang một bên”, nhường chỗ cho cán bộ trẻ dám nghĩ, dám làm…” - đồng chí Lê Trung Hiếu khẳng định.

Chương trình hành động của một ứng viên vào vị trí Chánh Văn phòng MRB

Chương trình hành động của một ứng viên vào vị trí Chánh Văn phòng MRB

Hạn chế cán bộ “ngồi nhầm chỗ”

Chia sẻ suy nghĩ về cơ chế thi tuyển lãnh đạo, đồng chí Lê Trung Hiếu cho biết, xuất phát từ đặc thù của MRB là cơ quan chuyên môn sâu, rất mới so với các đơn vị khác nên nhu cầu tuyển dụng rất lớn và luôn yêu cầu cao về chất lượng. Nếu cứ tuyển dụng theo cách thức truyền thống thì rất lo sẽ có trường hợp được “đặt nhầm chỗ”.

“Chúng ta luôn tư duy rằng, đồng chí A đang là chuyên viên có năng lực, nếu được bổ nhiệm Phó Trưởng phòng thì cũng vẫn làm tốt những công việc như thế, tức là có thể tuần tự đi lên. Nhưng nếu cứ bổ nhiệm tại chỗ như vậy, chúng ta khó dự báo chính xác, khi lên giữ vị trí lãnh đạo, đồng chí A sẽ giữ vai trò gì trong phòng đó, sẽ tham góp, định hướng phát triển công việc chung ra sao ngoài việc vẫn làm chuyên môn như trước?

Ở đây, đề án và kế hoạch hành động được ứng viên trình bày khi thi tuyển chính là cơ sở để chúng tôi đánh giá về năng lực và tập thể sẽ giám sát xem đồng chí A trên cương vị mới có thực sự làm được như đã cam kết hay không.

Thực tế chứng minh, việc triển khai quy chế tuyển dụng của MRB rất đúng đắn. Nhiều vị trí cán bộ được bổ nhiệm (có kết hợp thi tuyển) trong 3 năm qua đều phát huy tốt năng lực, sở trường của họ. Đề án 219 của thành phố là bước nâng cao và hoàn thiện hơn rất nhiều về mặt quy định nên chắc chắn kết quả sẽ còn tốt hơn những gì chúng tôi đã làm” - đồng chí Lê Trung Hiếu nhìn nhận.

Nói về khả năng liệu có thể thi tuyển các vị trí cao hơn lãnh đạo cấp phòng, Phó Giám đốc MRB tiết lộ, căn cứ vào kết quả thi tuyển chức danh lần này, MRB sẽ xem xét đề xuất ý tưởng mới.

Đó là khi một đồng chí Phó Trưởng ban tới hạn bổ nhiệm lại, sẽ tổ chức để đồng chí đó trình bày đề án, kế hoạch hành động cụ thể của bản thân trong 5 năm tới trước Ban Chấp hành Đảng bộ MRB.

“Cá nhân tôi thấy rất mừng khi các đồng chí lãnh đạo Đảng đưa ra “kim chỉ nam” trong công tác tổ chức cán bộ. Đó là “có vào có ra, có lên có xuống”, không có chuyện cứ mãi khép kín, “đến hẹn lại lên”, “sống lâu lên lão làng”...

Chúng tôi đang muốn triển khai theo hướng này, mới nhưng không vượt rào, mới nhưng vẫn trong khuôn khổ” - đồng chí Lê Trung Hiếu chia sẻ.

Ba thí sinh thi tuyển Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thanh Trì

Cuối tháng 8-2022, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại Sở Y tế Hà Nội năm 2022 với 2 vị trí là Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì và Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Sơn Tây.

Có 5 thí sinh đủ điều kiện tham dự thi, trong đó có 2 thí sinh dự tuyển vào chức danh Giám đốc Trung tâm y tế thị xã Sơn Tây và 3 thí sinh dự tuyển vào chức danh Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Thanh Trì.

Mỗi thí sinh thi tuyển 2 vòng, sau vòng thi viết diễn ra vào ngày 28-8, các ứng viên đạt từ 50 điểm trở lên tiếp tục thi trình bày đề án từ ngày 18 đến 26-9. Thí sinh đạt điểm cao nhất sẽ được bổ nhiệm chức danh Giám đốc.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, để đảm bảo kỳ thi diễn ra khách quan, minh bạch, đúng quy định, trong quá trình thực hiện, Sở đã đăng tải công khai kế hoạch, thông báo, quy chế thi tuyển… trên Cổng thông tin điện tử, niêm yết tại bảng tin trụ sở (của đơn vị có chức danh tổ chức thi tuyển) về chức danh và vị trí thi tuyển, thông báo về thời gian, địa điểm thi viết và thi trình bày đề án…

(Còn tiếp)

Bài 4: Công khai, chuyên nghiệp để ngăn chặn “quân xanh, quân đỏ”