Thi tuyển lãnh đạo - Bước đột phá không dễ đi (1): Lần đầu tiên, Thủ đô Hà Nội thi tuyển 86 chức danh lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Dưới áp lực khối lượng công việc khổng lồ, tính chất phức tạp, có nhiều đặc thù, thường xuyên phải tiếp cận những vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, bộ máy hành chính của thành phố Hà Nội luôn trong trạng thái “khát” nhân lực quản lý chất lượng cao. Bằng nhiều cách để giải “cơn khát” này, năm 2022, lần đầu tiên, thành phố Hà Nội tổ chức thí điểm thi tuyển 86 chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương tại 49 cơ quan, đơn vị.

Lời tòa soạn: Tuyển chọn lãnh đạo quản lý là một khâu hết sức hệ trọng trong công tác cán bộ, luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm xây dựng, thực hiện và đổi mới. Trong đó, thi tuyển lãnh đạo - được xem như một bước đột phá lớn, đã và đang được thí điểm từng bước ở một số bộ, ngành, địa phương.

Vậy tới nay, chủ trương này đã được thực hiện tới đâu, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như Thủ đô Hà Nội? Thi tuyển lãnh đạo, trọng dụng người tài vốn được ngợi ca là có rất nhiều ưu điểm nhưng vì sao chưa được triển khai rộng khắp? Đây có thực sự là lối đi rộng mở để nhân tài được ngồi ở vị trí xứng đáng trong bộ máy Nhà nước? Có vô vàn những câu hỏi hóc búa như vậy và chúng tôi đã đi tới các sở, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội để tìm câu trả lời.

Đồng chí Võ Đăng Dũng, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng thi tuyển khai mạc kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường THCS Khương Mai

Đồng chí Võ Đăng Dũng, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng thi tuyển khai mạc kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường THCS Khương Mai

Nét văn hóa chính trị đặc trưng

Bàn về trọng dụng hiền tài ở nước ta, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, đó là truyền thống trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, luôn được xem là nét văn hóa chính trị đặc trưng. Cũng nhờ truyền thống đó, chúng ta đã có nhiều thế hệ nhân tài ở các giai đoạn lịch sử có tính chất bước ngoặt, không chỉ xuất chúng về bình trị - cai quản đất nước mà còn giỏi chống giặc ngoại xâm…

Đến thời đại Hồ Chí Minh, ngay sau khi giành độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chính sách minh bạch, rõ ràng về trọng dụng hiền tài đăng trên Báo Cứu quốc. Quan điểm chung, hễ ai là người thực đức, thực tài, yêu nước thương nòi thì đều được trọng dụng, không cần quy hoạch, độ tuổi hay ràng buộc gì.

Cùng với việc xây dựng thể chế, chính sách pháp luật dần ổn định và đi vào thực chất hơn, chính sách trọng dụng nhân tài của Đảng cũng có chuyển biến tích cực qua từng giai đoạn. Tuy vậy, theo đồng chí Lê Thanh Vân, việc thể chế hóa chủ trương trọng dụng nhân tài bằng quy định pháp luật còn chậm nên các địa phương, bộ, ngành mỗi nơi vận dụng một kiểu, chưa có tính chất bắt buộc chung với toàn xã hội. Nhiều nơi có chính sách chiêu dụng nhân tài nhưng đã trọng dụng được ai, hiệu quả ra sao, tác động đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, chính quyền như thế nào còn chưa thấy tổng kết…

Việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý trước đây chỉ được thực hiện thông qua cơ chế đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Tới năm 2009, Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và thực hiện thí điểm một số đề án, trong đó có “Đề án đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ và cấp phòng”.

Trên cơ sở định hướng, lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản số 2424/BNV-CCVC ngày 9-5-2017 về việc hướng dẫn thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng để hướng dẫn cụ thể cách thức tiến hành, các bước thực hiện trong từng khâu của quy trình tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thí điểm thi tuyển.

Tại sao phải thi tuyển?

Tại Hà Nội, xuất phát từ nhu cầu nhân lực chất lượng cao rất lớn của Thủ đô, lãnh đạo thành phố qua nhiều thời kỳ đều đặc biệt quan tâm chủ trương thi tuyển lãnh đạo quản lý các cấp. Từ cuối năm 2012, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Nội vụ xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố” trong quý II-2013.

Tuy nhiên, phải tới gần 10 năm sau - thời điểm được xem là chín muồi, trên cơ sở đề xuất của Sở Nội vụ, được sự đồng ý của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 14-1-2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP (Quyết định số 219/QĐ-UBND). Theo đó, lần đầu tiên, Hà Nội sẽ thí điểm thi tuyển 86 chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng và tương đương tại 49 cơ quan, đơn vị trong năm 2022.

Đánh giá trong những năm qua, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý của Hà Nội luôn thực hiện đúng quy định, song lãnh đạo thành phố cũng thẳng thắn chỉ ra, công tác này còn không ít tồn tại, hạn chế. Cụ thể, nguồn cán bộ bổ nhiệm phần lớn khép kín trong cơ quan, đơn vị, tức là chủ yếu dựa vào nhân sự tại chỗ, chưa có sự mở rộng để thu hút những người có năng lực từ bên ngoài để bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý. Việc bổ nhiệm được thực hiện theo trình tự; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn số cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản và có năng lực công tác để bổ nhiệm giữ chức vụ cấp trưởng phòng trở lên.

Đáng chú ý, một số cán bộ có tư tưởng đã được quy hoạch thì đương nhiên được đề bạt, bổ nhiệm nên không chú trọng học tập nâng cao trình độ. Mặt khác, cơ chế bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ hiện hành cũng như tiêu chí đánh giá cán bộ; các khâu lấy ý kiến, thăm dò bằng phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn hạn chế nhất định, chưa phát hiện được tối đa những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt để bổ nhiệm trong cơ quan hành chính công.

Cùng đó, qua thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ trong 3 năm gần đây, thành phố đã phát hiện 50 trường hợp bổ nhiệm còn sai sót tại các sở, ban, ngành. Đặc biệt, có tới 185 lãnh đạo, quản lý các cấp vi phạm khuyết điểm bị xem xét kỷ luật. Đến nay, các tồn tại đã được khắc phục, song đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của thành phố và hiệu quả hoạt động của cơ quan đơn vị; đồng thời đặt ra yêu cầu cần chặt chẽ và hoàn thiện hơn nữa công tác cán bộ trong giai đoạn hiện nay.

“Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong tình hình mới, xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý; đồng thời để tạo điều kiện hơn nữa cho người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có cơ hội, điều kiện phát triển, tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý, việc xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án thí điểm thi tuyển chức danh trưởng phòng và tương đương tại Hà Nội là hết sức cần thiết” - lãnh đạo UBND TP chỉ rõ.

Trong tổ chức thi tuyển lãnh đạo, Hà Nội yêu cầu phải bảo đảm và giữ vững nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Việc thi tuyển nhằm phát hiện, thu hút và lựa chọn được người có đức, có tài gắn với tiêu chuẩn của từng chức danh lãnh đạo, quản lý. Cùng đó, phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và phát huy vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, quản lý cán bộ, công chức, viên chức và của các tổ chức đoàn thể của cơ quan, đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn.

Việc tổ chức thi tuyển phải tạo được môi trường để người dự thi thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, phẩm chất cá nhân trong chuyên môn và quản lý. Tất nhiên, kỳ thi phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn.

Đặc biệt, khi tổ chức thi tuyển, thành phố yêu cầu phải có từ hai người trở lên tham gia dự tuyển vào một chức danh tuyển chọn, tức là buộc phải có số dư. Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích các cơ quan, đơn vị dù không được nằm trong danh sách thí điểm thi tuyển năm 2022 nhưng có chủ trương của cấp ủy, chính quyền thực hiện bổ nhiệm lần đầu thông qua thi tuyển thì được tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền theo hướng dẫn tại Đề án của thành phố.

Hà Nội luôn có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao để đưa vào bộ máy

Hà Nội luôn có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao để đưa vào bộ máy

Bước đột phá lớn của Hà Nội

Khẳng định Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương là bước đột phá lớn trong công tác cán bộ của thành phố, đồng chí Nguyễn Tiến Trung, Trưởng phòng Tổ chức, biên chế (Sở Nội vụ Hà Nội) cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm để đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự phát triển bền vững của thành phố. Việc thi tuyển cũng sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; tránh tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã. Đồng thời tạo điều kiện, động lực để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu, rèn luyện, học tập và có cơ hội để tham gia công tác lãnh đạo, quản lý; tạo tính năng động trong công tác cán bộ.

Ghi nhận của Sở Nội vụ cho thấy, toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều quán triệt, đồng thuận cao đối với chủ trương thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng. Đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện và hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng trong năm 2022.

Dù vậy, là cơ quan chắp bút tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định số 219/QĐ-UBND, Sở Nội vụ cũng lường trước rất nhiều khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện. Bởi công tác thi tuyển chức danh cấp trưởng phòng là một nhiệm vụ mới, đối với Hà Nội chưa từng có tiền lệ. Do là thí điểm nên các văn bản quy định, hướng dẫn chưa đồng bộ, đầy đủ. Cùng đó, phần lớn công chức, viên chức trực tiếp tham mưu việc tổ chức thi tuyển ở các cơ quan, đơn vị cũng chưa hề có kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi tương tự.

Thời gian thực hiện thí điểm bắt đầu từ tháng 1-2022 đến hết năm 2022, nhưng phải 2-3 tháng sau, các cơ quan, đơn vị trong danh sách có chức danh thí điểm thi tuyển mới có thể bắt đầu triển khai được. Vì sau khi có hướng dẫn của Sở Nội vụ và Sở Tài chính, các cơ quan, đơn vị này còn phải xây dựng, ban hành rất nhiều văn bản liên quan như kế hoạch, thông báo, quyết định, quy chế tổ chức thi tuyển… Đó là khối lượng công việc rất lớn, cần triển khai nhanh cho kịp tiến độ song cũng không được phép để xảy ra sai sót…

Hà Nội có gần 10.000 lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng

Hà Nội hiện có 71 cơ quan hành chính (23 cơ quan sở và tương đương, 18 chi cục và tương đương thuộc sở, 30 UBND quận, huyện, thị xã), 2.619 đơn vị sự nghiệp (26 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND TP, 303 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, 2.290 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện). Số lượng đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của Hà Nội khá lớn so với các tỉnh, thành phố trên cả nước; với tổng biên chế hành chính, sự nghiệp lên tới 153.875 người.

Thống kê mới nhất của Sở Nội vụ Hà Nội, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, cấp phó tại các phòng ban, chi cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP là 9.884 người, trong đó: cấp trưởng là 3.147 người, gồm 490 trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở và 2.657 trưởng phòng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện; Cấp phó có 6.737 người, gồm: 1.148 phó trưởng phòng, phó chi cục trưởng, phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở và 5.589 phó trưởng phòng, phó thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện.

Với số lượng gần 10.000 lãnh đạo quản lý cấp trưởng, cấp phó như trên, con số thí điểm thi tuyển 86 chức danh trong năm 2022 chỉ chiếm chưa tới 1%, còn khá khiêm tốn.

Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ:Thi tuyển sẽ hạn chế được nạn “chạy chức, chạy quyền”

- PV: Việc tổ chức thi tuyển vào vị trí lãnh đạo được xem là giải pháp hiệu quả để xóa bỏ tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Công tác tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo đã được thực hiện nhiều năm nay ở nhiều bộ, ngành, địa phương với các chức danh như vụ trưởng, vụ phó, giám đốc sở, phó giám đốc sở, tổng giám đốc... Đến nay, kết quả thực tiễn cho thấy, việc tổ chức thi tuyển đã góp phần xóa bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, hạn chế tình trạng “xin - cho”; những người trúng tuyển đã phần nào chứng minh được năng lực thực sự của mình ở từng vị trí công tác.

- Đồng chí đánh giá thế nào về việc thành phố Hà Nội thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương trong năm 2022?

- Hà Nội thực hiện chủ trương này là điều đáng hoan nghênh và cũng là việc phải làm. Thay vì đề bạt, bổ nhiệm, việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp phòng thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, góp phần tích cực vào việc thu hút, trọng dụng người tài vào làm cán bộ quản lý các cấp. Bên cạnh đó, việc thi tuyển thực chất sẽ hạn chế được nạn “chạy chức, chạy quyền”, tạo ra sự công bằng, khách quan, minh bạch trong công tác cán bộ. Đồng thời, đây cũng được xem là giải pháp nâng cao chất lượng của đội ngũ lãnh đạo quản lý, tạo ra cảm hứng, động lực phấn đấu để cán bộ, công chức khẳng định mình.

- Thi tuyển chức danh lãnh đạo không phải vấn đề mới, có nhiều ưu điểm khi triển khai. Vậy tại sao việc triển khai chủ trương này có phần chậm trễ, chưa được mở rộng ra nhiều bộ ngành, địa phương, thưa đồng chí?

- Trước hết, phải khẳng định, việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần quan trọng tạo nên sự dân chủ và lãnh đạo tập trung thống nhất của cấp ủy trong công tác cán bộ, từ đó củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến nay, có 14 bộ, ngành Trung ương và 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn tổ chức thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Trong số 14 cơ quan Trung ương được chọn thí điểm triển khai thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, đã có 12 cơ quan, tổ chức thực hiện. Theo đó, đã tổ chức thi tuyển và tuyển chọn được 42 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng, trong đó cấp vụ có 32 ứng viên; cấp phòng có 10 ứng viên.

Tại 22 tỉnh, thành phố được chọn thí điểm thực hiện thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý, có 17 tỉnh, thành phố đã tổ chức thực hiện. Kết quả, đã tuyển chọn được 368 chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng, trong đó cấp sở có 33 ứng viên; cấp phòng có 335 ứng viên… Nhìn vào những con số vừa nêu, tôi cho rằng, việc thi tuyển lãnh đạo quản lý thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, bất cứ một chủ trương nào, để áp dụng rộng rãi cũng cần trải qua một quá trình.

Việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo là việc khó, phức tạp, đòi hỏi quyết tâm đổi mới của bộ, ngành, địa phương. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thi tuyển. Trong khi đó, tổ chức bộ máy của các địa phương lại được quy định bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, khi bắt tay vào triển khai, một số nơi sẽ gặp vướng mắc. Ví dụ, vị trí giám đốc sở hoặc tương đương, ngoài phần bổ nhiệm, còn vướng mắc về thủ tục như phải qua được vòng bầu cử của HĐND cấp tỉnh. Nếu ứng viên thi và trúng tuyển rồi mà sau đó không được bầu thì giải quyết thế nào? Ngoài ra, việc thi tuyển lãnh đạo, quản lý là một khâu mới trong công tác cán bộ nên nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, quy trình thực hiện không rõ ràng thì dễ xảy ra tiêu cực, tổ chức thi tuyển mang tính hình thức, chỉ nhằm hợp thức hóa vị trí được quy hoạch.

- Xin cảm ơn đồng chí!

(Còn tiếp)

Bài 2: Công bằng, minh bạch để lựa chọn người xuất sắc nhất