Thi tuyển lãnh đạo - Bước đột phá không dễ đi (2): Công bằng, minh bạch để lựa chọn người xuất sắc nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Lo lắng, hồi hộp” là cảm xúc bao trùm của cô giáo Nguyễn Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng trường THCS Nhân Chính khi đăng ký tham gia kỳ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Mấy chục năm làm nghề giáo, đã trải qua hàng trăm kỳ thi lớn nhỏ, nhưng cô Nguyễn Thanh Huyền vẫn không khỏi căng thẳng khi bước vào kỳ thi tuyển lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử quận Thanh Xuân.

Vượt lên chính mình

Cuộc thi tuyển đã khép lại từ cuối tháng 6-2022 nhưng đến nay, cô Nguyễn Thanh Huyền - Hiệu trưởng THCS Khương Mai (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn nhớ như in cảm giác hồi hộp, lo lắng khi phải trình bày Đề án thi tuyển chức danh Hiệu trưởng THCS Khương Mai trước 11 thành viên của Hội đồng thi tuyển và đại diện Hội đồng nhà trường. Trước đó hơn 3 tháng, cô Huyền - khi đó đang giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trường THCS Nhân Chính (quận Thanh Xuân) - được tiếp cận thông tin thi tuyển chức danh Hiệu trưởng qua báo chí, trên Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân và thông báo được quận gửi về các trường.

“Khi biết tin quận sẽ tổ chức thi tuyển Hiệu trưởng THCS Khương Mai, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có nên tham gia không? Liệu mình có đủ sức thi đỗ? Giờ nghĩ lại, tôi và các thí sinh đều thấy mình thật dũng cảm khi quyết định nhập cuộc, dám một lần vượt lên chính mình. Có 4 thí sinh tham gia, trong đó, có ứng viên đang là Phó Hiệu trưởng THCS Khương Mai. Là người công tác ở nơi khác nên tôi khá áp lực khi phải tìm hiểu, xây dựng Đề án và kế hoạch hành động về ngôi trường mới…”- cô Huyền chia sẻ.

Đồng chí Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng cho cô Nguyễn Thanh Huyền

Đồng chí Võ Đăng Dũng - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân trao quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng cho cô Nguyễn Thanh Huyền

Dù có thâm niên 9 năm ở vị trí Hiệu phó của 2 trường THCS, nhưng trong phần thi trình bày Đề án trước 11 vị giám khảo Hội đồng thi tuyển, cô Huyền vẫn rất hồi hộp. Không những vậy, phần thi còn có Ban Giám hiệu trường THCS Khương Mai cùng tham dự và có thể “chất vấn” trực tiếp bất cứ lúc nào. Cô Huyền bộc bạch: “Phần chất vấn của Hội đồng thi tuyển kéo dài 60 - 90 phút nên áp lực với ứng viên vô cùng lớn. Trước ngày thi, tôi nói vui là 11 vị giám khảo ấy mỗi người hỏi một câu thôi cũng đủ quay cuồng rồi, chưa kể Hội đồng nhà trường cũng hỏi nữa thì càng… chóng mặt”.

Tài liệu dày cả gang tay, đề thi do công an bảo quản

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng nhớ lại, ngay khi Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng của UBND TP Hà Nội được phê duyệt, Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức họp bàn ngay để lên kế hoạch triển khai thí điểm. “Quận Thanh Xuân gần như là đơn vị đầu tiên tổ chức kỳ thi tuyển chức danh lãnh đạo trên toàn thành phố. Bởi vậy, công tác chuẩn bị, lên kế hoạch rất công phu và tốn thời gian” - đồng chí Võ Đăng Dũng chia sẻ.

Trong không khí hết sức khẩn trương, ngày 28-2-2022, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Kế hoạch thi tuyển chức danh lãnh đạo năm 2022, đồng thời ra thông báo rộng khắp về thi tuyển Hiệu trưởng THCS Khương Mai. Để có được Kế hoạch nói trên, từ đầu tháng 2, Ban Thường vụ Quận ủy đã phải “họp lên, họp xuống” nhiều lần để bàn bạc, chỉ đạo rà soát tất cả phòng, ban, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn để tìm ra vị trí cần thi tuyển, sớm báo cáo UBND TP Hà Nội xin ý kiến phê duyệt. Từ đó, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo ban hành Kế hoạch thi tuyển, đồng thời phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sau đó, có 4 thí sinh đăng ký tham gia.

Tất cả đều đang giữ chức vụ Hiệu phó tại các trường THCS trên địa bàn quận, là các cán bộ nằm trong quy hoạch, đáp ứng tiêu chí theo quy định. Tiếp đó, UBND quận lại báo cáo Thường vụ Quận ủy cho phép triển khai các bước tiếp theo như thành lập Hội đồng thi tuyển, Ban ra đề… “Cuộc thi tuyển được tổ chức bài bản, công phu dù đây là năm đầu tiên quận Thanh Xuân triển khai. Chúng tôi xác định, việc tổ chức thi tuyển phải đảm bảo công khai, công bằng ở tất cả các khâu. Tất nhiên, do mọi việc đều rất mới mẻ nên cũng không tránh khỏi bỡ ngỡ, lúng túng”- Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân kể lại.

Minh chứng cho mức độ chuẩn bị công phu của kỳ thi, đồng chí Võ Đăng Dũng kể: “Tài liệu chuẩn bị phục vụ kỳ thi, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, dày cả gang tay, phải tính bằng kg…”. Đặc biệt, khi tổ chức thi tuyển, quận đã mời lực lượng công an phối hợp giữ gìn, kiểm soát an ninh, trật tự. Đề thi được niêm phong và bàn giao lực lượng công an bảo quản nghiêm ngặt 24/24h, đến giờ thi mới bóc niêm phong…

Kỳ thi năm nay, dù là lần đầu nhưng lãnh đạo quận Thanh Xuân đánh giá là gay cấn, có tính cạnh tranh cao và giúp bộc lộ hết được năng lực của các ứng viên. “Đây là cơ hội để các ứng viên thể hiện hết năng lực của mình và căn cứ vào đó, Hội đồng sẽ đánh giá, lựa chọn người xuất sắc nhất” - đồng chí Võ Đăng Dũng nói.

Then chốt là chọn được người giỏi thực sự

Vẫn cho rằng quyết định tham gia thi tuyển của mình là táo bạo, cô Nguyễn Thanh Huyền nhớ lại: “Khi biết mình đạt kết quả cao nhất (trúng tuyển - PV), tôi mới cảm nhận được quyết định của mình là đúng đắn. Năng lực thực sự của tôi đã được ghi nhận tại một cuộc thi đặc biệt, chưa có tiền lệ, khác hẳn với phương thức bổ nhiệm truyền thống vẫn làm bấy lâu nay.

Năng lực của tôi được đánh giá một cách công khai nên khi chính thức về trường nhận nhiệm vụ, mọi người đều rất ủng hộ. Đồng chí Hiệu phó của trường (có tham gia thi tuyển nhưng không trúng) cũng rất vui vẻ hợp tác…”.

Sau khi lựa chọn được ứng viên trúng tuyển, quận Thanh Xuân đã tổ chức buổi công bố quyết định bổ nhiệm tại trụ sở trường THCS Khương Mai. Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch Hội đồng thi tuyển Võ Đăng Dũng trực tiếp tới trường công bố quyết định. “Bình thường, chúng tôi sẽ công bố tại UBND quận, nhưng đây là kỳ thi tuyển lãnh đạo đầu tiên, ứng viên trúng tuyển đầu tiên nên lãnh đạo quận rất quan tâm, phải làm sao để nhà trường vận hành trơn tru ngay sau khi bộ máy được kiện toàn”- đồng chí Võ Đăng Dũng lý giải. Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho rằng, Đề án thi tuyển lãnh đạo cấp phòng và tương đương của thành phố là chủ trương rất đúng đắn, góp phần quan trọng để lựa chọn được các chức danh lãnh đạo một cách công khai, minh bạch, công bằng, khách quan nhất.

Đặc biệt, qua thi tuyển, sẽ dễ dàng lựa chọn được người xuất sắc nhất, xứng đáng nhất trong số những người xuất sắc. “Dư luận nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quận đánh giá rất cao cuộc thi tuyển này. Điều quan trọng nhất là cán bộ tham gia thi tuyển được thể hiện hết năng lực của mình, được tỏa sáng. Thông qua cuộc thi, tổ chức cũng đánh giá ngay được năng lực của cán bộ này thế nào, có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không.

Đây rõ ràng là bước đột phá trong công tác tuyển chọn cán bộ quản lý. Mấu chốt tạo nên sự khác biệt là đối tượng tham gia thi tuyển được mở rộng hơn, dân chủ hơn và có thể giúp chọn được người thực tài vào vị trí cần thiết. Chúng ta nên duy trì thi tuyển lãnh đạo quản lý. Năm 2023, nếu UBND TP Hà Nội tiếp tục giao nhiệm vụ, quận Thanh Xuân sẵn sàng đăng ký” - đồng chí Võ Đăng Dũng phân tích.

Rất tự tin sau hơn 5 tháng nắm bắt công việc ở vị trí mới, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Huyền cũng mong muốn thành phố và quận Thanh Xuân tiếp tục tổ chức các kỳ thi tương tự. “Vừa qua, nhiều người dù có nhu cầu nhưng chưa dám đăng ký. Sau đợt thi vừa rồi, nhiều đồng nghiệp của tôi từ chỗ còn ngần ngại nay rất mong muốn được tham gia”- cô Nguyễn Thanh Huyền tâm sự.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Tuyển chọn người tài là trách nhiệm chung của cả hệ thống

“Tuyển dụng nhân sự vào bộ máy là công việc của ngành Nội vụ, nhưng trách nhiệm tuyển chọn người tài phải là chung của cả hệ thống, đặc biệt là cấp ủy, người đứng đầu các cấp.

Phương thức lựa chọn nhân tài trong khi chưa có luật phải nhất quán thông qua thi tuyển; trách nhiệm bồi dưỡng của người đứng đầu hoặc người tiến cử trong xã hội để tạo nguồn nhân sự. Theo đó, quy hoạch nhân sự sẽ là phương án tham khảo, còn khi cần bổ tuyển nhân tài thì phải mở rộng, không bó hẹp trong khuôn khổ quy hoạch. Tức là, muốn tìm nhân tài thì phải mở rộng thi tuyển, trên cơ sở công khai.

Nền tảng đánh giá là chương trình hành động của họ theo năm và nhiệm kỳ, cũng là cam kết thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với chính sách ưu đãi, trọng dụng nhân tài, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải am tường đặc thù của nhân tài, tạo môi trường làm việc, cống hiến tốt nhất cho họ…”.

(Còn tiếp)

Bài 3: Dần xóa bỏ tư duy “anh trước, em sau” trong công tác cán bộ