- Cận cảnh ứng viên "Hoa hậu Việt Nam" từng tặng hoa Tổng thống Donald Trump
- Lý do đêm chung kết phía Nam "Hoa hậu Việt Nam 2018" thay đổi chủ khảo vào phút chót
- Thí sinh phải tự cân nhắc, bảo vệ danh hiệu sau khi đăng quang
Khép lại vòng chung khảo khu vực phía Nam với việc chọn ra 19 thí sinh xuất sắc nhất, cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2018" tiếp tục hành trình tìm kiếm các gương mặt ưu tú của khu vực phía Bắc.
Tại cuộc gặp gỡ báo giới vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018" cho biết, cuộc thi năm nay vẫn sẽ duy trì giải thưởng "Người đẹp Nhân ái" và thí sính giành giải này sẽ được đặc cách vào Top 5 ứng xử tại đêm chung kết.
Giải thưởng này lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2016" với mong muốn tạo cơ hội để các thí sinh thể hiện vẻ đẹp tâm hồn bên cạnh nhan sắc bên ngoài.
Bà Phạm Thị Kim Dung - Phó Ban tổ chức cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2018" (bên trái)
Bà Phạm Thị Kim Dung - Phó Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018" cho biết, cũng như ở mùa thi trước, thí sinh sẽ tham gia thực hiện một dự án có ý nghĩa xã hội và nhân văn nhưng lần này không thực hiện độc lập mà làm theo nhóm (khoảng 4-5 người/nhóm).
Ví dụ, có nhóm thực hiện dự án kết nối 15 cặp đôi có hoàn cảnh éo le, trong đó có trường hợp một cặp đôi nghèo bị khuyết tật. Mặc dù cặp đôi này đã có với nhau một đứa con 3 tuổi song vẫn vấp phải sự ngăn cản của hai bên gia đình không cho đến với nhau.
Việc của nhóm thí sinh này là làm sao tác hợp để hai bên gia đình đồng ý cho họ đến với nhau, đồng thời tìm ra nguồn tài chính để tổ chức cuộc sum vầy cho họ cùng hơn chục cặp đôi khác có hoàn cảnh tương tự.
"Cũng có những thí sinh thất bại trong việc này" - bà Phạm Thị Kim Dung chia sẻ.
Đương kim "Hoa hậu Việt Nam" Đỗ Mỹ Linh cùng dàn người đẹp tại cuộc gặp gỡ báo giới tại Hà Nội hôm nay 10-7-2018
Cũng theo vị Phó Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018", có những thí sinh sẽ phải đi bán vé số nửa ngày cùng nhân vật. Đây là việc làm cần thiết để các cô gái hiểu công việc mưu sinh của những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, từ đó đồng cảm và có nhiều suy nghĩ tích cực cũng như việc làm có ý nghĩa hơn giúp đỡ mọi người.
Trước băn khoăn về việc thí sinh có thể sẽ "diễn" trước ống kính máy quay để làm tròn phần thi của mình, bà Phạm Thị Kim Dung khẳng định, Ban tổ chức sẽ không cho thí sinh cơ hội để "diễn" nhằm tạo sự chú ý. Cụ thể, máy quay sẽ được ngầm bố trí khắp nơi và thí sinh sẽ không thể biết được mình đang được quay hay để ý từ góc nào.
"Điều mà Ban tổ chức quan tâm nhất là kết quả cuối cùng của dự án, còn chúng tôi sẽ không quan tâm đến việc thí sinh nào có ý định diễn sâu hay thể hiện giọt nước mắt xúc động nhất" - đại diện Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018" nhấn mạnh.
Với cách làm này, Ban tổ chức cuộc thi tin rằng sẽ loại bỏ được những thí sinh chú trọng phần diễn xuất hơn là hoạt động thực tiễn xuất phát từ chính tấm lòng và tâm hồn mình.
3 người đẹp đoạt giải cao nhất tại cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam 2016" - Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (váy xanh), Á hậu 1 Thanh Tú (váy đỏ), Á hậu 2 Thùy Dung (váy vàng) cùng đại diện Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018"
Cũng tại cuộc họp, Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam 2018" đã chia sẻ về một số trường hợp được lưu ý trong số 40 gương mặt vừa lọt qua vòng sơ khảo khu vực phía Bắc.
Theo đó, ông Vũ Tiến - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Phó Ban tổ chức cuộc thi cho biết, 2 thí sinh được yêu cầu kiểm tra y học bổ sung hiện đã tiến hành việc kiểm tra lại và đạt kết quả tốt, không có gì đáng băn khoăn. Còn về trường hợp của 6 thí sinh sinh năm 2000, vừa thi THPT và được cho "nợ" bằng tốt nghiệp, đại diện Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam" chia sẻ, việc này đã được báo cáo xin ý kiến và được sự đồng ý của cơ quan quản lý văn hóa.
"Thời điểm diễn ra cuộc thi là lúc các bạn ấy vừa dự thi THPT, kết quả thi thì trong hôm nay mới công bố. Cơ quan quản lý văn hóa chấp thuận để các bạn đó được dự thi với điều kiện có văn bản cam kết với Ban tổ chức là còn nợ giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời cam kết nếu trước khi thi các vòng tiếp theo, chẳng may rơi vào thiểu số không tốt nghiệp THPT thì đồng nghĩa với việc phải dừng chân tại cuộc thi này" - ông Vũ Tiến khẳng định.
Nói thêm về chất lượng thí sinh dự thi năm nay, ông Vũ Tiến cho biết, đại đa số thí sinh là sinh viên các trường Đại học và Cao đẳng, số thí sinh có chiều cao nổi trội tương đối nhiều, có tới 22 thí sinh có chiều cao từ 1m70 trở lên, nhiều người là gương mặt sáng giá tại các sân chơi nhan sắc trong nước.
Liên quan đến vấn đề thẩm mỹ, ông Vũ Tiến quả quyết, các lần tổ chức "Hoa hậu Việt Nam" từ trước đến nay đều luôn đảm bảo yếu tố nghiêm túc là thí sinh không được can thiệp thẩm mỹ. Sau nhiều năm làm khá kiên quyết với cách xử lý rõ ràng và minh bạch, năm nay thì số thí sinh từng can thiệp thẩm mỹ ghi danh tham dự cuộc thi rất lác đác, giảm hẳn so với những năm trước. Vị đại diện Ban tổ chức tiết lộ, trước vòng chung kết toàn quốc, đơn vị này sẽ tiến hành kiểm tra lại nhân trắc học của từng thí sinh để ghi nhận sự thay đổi qua quá trình tập luyện cũng như loại bỏ các trường hợp có thẩm mỹ bị sót lọt.
Về việc không thực hiện chương trình truyền hình thực tế như nhiều sân chơi nhan sắc khác, đại diện Ban tổ chức "Hoa hậu Việt Nam" cho biết, đơn vị này xác định chấm thi thí sinh ngay từ hoạt động đầu tiên khi cuộc thi bắt đầu, có các bộ phận theo sát từng thí sinh, ghi nhận tất cả sự nỗ lực, trưởng thành, cố gắng của thí sinh trải qua từng hoạt động của cuộc thi diễn ra xuyên suốt vài tháng. Vì thế, hiện cuộc thi vẫn chưa tính đến phương án thực hiện một chương trình truyền hình thực tế dù việc này có thể tạo hiệu ứng quan tâm nhất định từ công chúng.
Cùng xem thêm một số hình ảnh tại cuộc họp báo:
Hoa hậu đầu tiên trong lịch sử cuộc thi "Hoa hậu Việt Nam" - Bùi Bích Phương
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh (giữa), Á hậu Thùy Dung (bên phải) và người đẹp Huỳnh Thúy Vy (bên trái)
Huỳnh Thúy Vy là người đẹp từng giành giải "Hoa khôi Sinh viên Cần Thơ 2014" và để lại dấu ấn đặc biệt ấn tượng tại vòng chung kết "Hoa hậu Việt Nam 2016".
Vợ chồng diễn viên Minh Tiệp
Nhà thiết kế Lê Thanh Hòa - một trong những giám khảo của "Hoa hậu Việt Nam 2018"