Thành Chương còn là nhà điêu khắc

ANTĐ - Mới lên 7 tuổi, cậu bé Thành Chương đã biết cầm bút màu vẽ tranh trước khi cầm bút  viết những chữ cái đầu đời. Bức tranh “Hai con gà tồ” của cậu đã giành giải vàng cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế tổ chức tại Anh quốc. 

Từ đó, gần như cuộc thi thiếu nhi quốc tế nào Chương cũng gửi tranh dự thi, và luôn đoạt giải cao. Có lẽ đó chính là những tia sáng lấp lánh báo hiệu một tài năng sau này.

Và quả đúng như vậy, Thành Chương đã trở thành một trong những họa sỹ Việt Nam đương đại, sáng giá. Anh là một trong số không nhiều họa sỹ sống bằng nghề và sống rất ung dung. Anh vẽ rất nhiều, riêng tranh tự họa gương mặt mình cũng lên tới hàng nghìn bức, và tranh của anh bán đắt như “tôm tươi”.

Đặc biệt, Thành Chương đã nhận được một vinh dự mà chưa một họa sỹ Việt Nam nào có được, đó là: bức tranh Tình yêu của anh bày trong triển lãm Một trái tim, một thế giới tại New York đã được Liên hợp quốc chọn làm một trong sáu mẫu tem kỷ niệm năm quốc tế về Những người tình nguyện, con tem có bức tranh Tình yêu mang tên họa sỹ Thành Chương được phát hành khắp thế giới.

Họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Đinh Quang Tỉnh trong triển lãm
tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Cơ duyên đến với điêu khắc

Nhưng có một nhà điêu khắc Thành Chương với những tác phẩm đáng nhớ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước thì có lẽ ít người được biết. Con đường đưa Thành Chương đến với điêu khắc cũng thật bất ngờ, nó như là một cơ duyên vậy. Anh đang theo học ở trường Mỹ thuật Yết Kiêu thì bị gián đoạn bởi chiến tranh. Ngày ấy, cùng với thế hệ trẻ toàn trường nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh quyết định “xếp bút nghiên” tình nguyện lên đường nhập ngũ. Thành Chương đầu quân về Bộ Tư lệnh Công binh do một trí thức nổi tiếng làm Phó Tư lệnh chính trị.

Những năm 1971-1972, tình hình chiến sự vô cùng ác liệt. Đúng vào thời điểm lịch sử này, Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức một cuộc triển lãm đặc biệt có quy mô toàn quân. Trong các hạng mục của triển lãm, điểm nhấn quan trọng là khu tượng đài “Chiến thắng” với quy mô cao lớn, bề thế, có bố cục hài hòa với không gian rộng mở của sân bay Bạch Mai. Mặc dù đề án đã được Bộ Quốc phòng thông qua, nhưng không có một đơn vị chuyên nghiệp nào trong và ngoài quân đội đủ khả năng thực hiện việc thiết kế và xây dựng tượng đài khổng lồ này, trong thời gian ấn định chỉ vỏn vẹn có hơn hai tháng.

Đứng trước tình hình cấp bách này, Phó Tư lệnh binh chủng Công binh như ngồi trên đống lửa. Vào thời khắc nung nấu nhất, ông đã đi đến một quyết định táo bạo: Binh chủng Công binh chứ không phải đơn vị nào khác sẽ đảm nhận và hoàn thành bằng được công trình này, mà Thành Chương và tiểu đội của anh sẽ là đơn vị chủ lực, nòng cốt để thực hiện.

Công việc khẩn trương như thôi thúc anh, không thể để mất thời gian, mặc dù trời đã chạng vạng nhưng Chương nằn nì đồng chí trực ban để mượn bằng được chiếc xe đạp “công vụ”, rồi tức tốc đạp về nơi sơ tán để gặp thầy (cả nhà Thành Chương gọi bố, mẹ bằng thầy, u).

Chương vắn tắt thưa với thầy nhiệm vụ dựng tượng đài “Chiến thắng”... Cụ Kim Lân nhắm mắt, bậm môi rít một hơi dài cho kiệt vê thuốc lào Tiên Lãng, nói: “Làm, phải làm anh ạ, làm cho kỳ được. Chết cũng phải làm”.

Tượng đài: bài ca ra trận

Trở về doanh trại, ngay đêm ấy, Thành Chương đã cho ra đời những phác thảo đầu tiên của tượng đài “Chiến thắng”. Chỉ sau một tuần, những bản vẽ chi tiết của tượng đài đã được Thành Chương hoàn tất. “Bộ hồ sơ thiết kế” bài bản ngoài sự mong đợi của các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Công trình được triển khai nhanh chóng, mười mấy chuyến xe tải Zil-khơ chở đầy gỗ, đất, cuốc, xẻng… chất cao như núi giữa trung tâm triển lãm. Đường băng sân bay Bạch Mai đã biến thành một công trường náo nhiệt suốt ngày đêm.

Đúng một tháng “ăn với đất, ngủ với đất”, tiểu đội của Thành Chương ngày đêm nhào nặn mấy chục xe đất sét đắp thành một kỳ đài khổng lồ phủ lên hai thanh tà vẹt được hàn nối với nhau cao tới 16 mét để làm cốt tượng. Tượng đài thật hùng vĩ, các nhân vật quyện vào nhau thành một tổng thể thống nhất, hài hòa: Đứng giữa là người chiến sĩ vai đeo súng, tay vươn thẳng về phía trước. Bên trái là nữ dân quân, đầu đội mũ sao vuông, vai đeo súng trường, cổ quàng khăn dù tung bay trước gió, bên phải là anh lính công binh đang dũng cảm phá bom mìn. Vút về hai bên tượng đài, nối với khối phù điêu “công nông binh” là lớp lớp thanh thiếu niên… đang hừng hực khí thế lên đường chống Mỹ cứu nước. Tác phẩm như một bài ca ra trận mà những “nhà điêu khắc” như đang tạc chính mình vào lịch sử của dân tộc.

Thành Chương gồng tay, vét một đường bay cuối cùng lên chiếc khăn dù ngụy trang của cô nữ dân quân, rồi đu người nhảy xuống. Chân vừa chạm đất, anh khoái chí hét lên: “Xong”! Cả tiểu đội lấm láp bùn đất cùng ào lại ôm Thành Chương tung lên trong tiếng hò reo vui sướng vang vọng cả sân bay. Nắng hè như đổ lửa, đốt khô cong bộ quân phục bạc phếch, loang lổ mồ hôi kết cứng lại như mo nang bó chặt lấy thân hình nhỏ thó của Thành Chương. Anh đứng chống nạnh cố bấm mười đầu ngón chân xuống nền đất nhão cho vững, nhưng thấy mình như sắp ngã vật ra. Cuộc tổng duyệt tượng đài thành công mỹ mãn. Thành Chương cặm cụi chỉnh sửa những chi tiết theo yêu cầu của Hội đồng nghệ thuật, mỗi người mỗi việc, rất nhịp nhàng và đầy trách nhiệm...

Có một khó khăn phát sinh không lường trước được. Vì tượng đài với kích cỡ quá lớn, thạch cao nhập về lại nhiều loại nên độ kết đặc không đồng nhất, do đó khi dỡ khuôn, phía dưới chân tượng nhiều chỗ thạch cao không kết dính. Tình hình vô cùng nguy cấp, không thể chần chừ để chờ xin lệnh cấp trên. Biện pháp khắc phục duy nhất là chui vào bên trong tượng để gia cố, nhưng công việc này vô cùng nguy hiểm, tượng đổ sẽ đè chết người nên Thành Chương quyết định “một mình gánh vác” tất cả. Và anh đã chui vào nơi đầy bất trắc và hiểm nguy, như người thợ lò vác cuốc chim chui vào lòng đất...

Một điều may mắn là khi áp dụng công thức pha ba phần thạch cao với một phần xi măng thì hỗn hợp này kết dính với nhau đạt độ cứng lý tưởng. Đây là “diệu kế” của anh lính “tò te” quê làng gốm Bát Tràng mách nước cho Thành Chương, do vậy mà tượng đài được gia cố vững chãi ngoài mong đợi.