Tập thơ "Cánh cửa bên kia trời" - Trái tim của người đàn bà xa xứ đa đoan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ Mỹ trở về Việt Nam, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm quyền tác giả Hội Nhà văn Việt Nam vừa có buổi ra mắt tập thơ "Cánh cửa bên kia trời" vào sáng ngày 20/5 tại Hà Nội. Tập thơ là trái tim của người đàn bà xa xứ và là tập thơ thứ 8 trong sự nghiệp sáng tác của tác giả.

Đặng Thị Thanh Hương được độc giả yêu mến ngay từ những bài thơ đầu tiên và từ tập thơ đầu tiên trình làng. Hơn hai mươi năm nay chị đã cho ra đời 8 tập thơ và truyện ngắn: "Cổ tích tình yêu", "Phiên bản", "Vọng đêm", "Những chiều mưa đi qua", "Những con ốc chờn ren", "Trà nguội", "Người đàn bà chơi dao sắc", "Con đã đến trong cuộc đời này"... Và bây giờ sau 10 năm, chị lại cho ra đời thi phẩm mới mang tên "Cánh cửa bên kia trời " do nhà xuất bản Hội nhà Văn ấn hành.

Đề tài chính trong thơ Đặng Thị Thanh Hương là viết về tình yêu của người phụ nữ với những đổ vỡ, mất mát, bất hạnh, đau thương nhưng giàu nghị lực và niềm tin vào tương lai phía trước. Một cái tôi lúc nào cũng khao khát yêu và được yêu, yêu đến hết mình, yêu đến tận cùng. Để rồi bất chợt, chị nhận ra rằng mình đã qua tuổi 40, ở cái độ tuổi mà lẽ ra người phụ nữ đã yên bề gia thất, sống vui vầy, hạnh phúc cùng chồng con. Với chị, điều ấy xa vời quá!

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương tại buổi ra mắt tập thơ "Cánh cửa bên kia trời"

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương tại buổi ra mắt tập thơ "Cánh cửa bên kia trời"

Cách đây 3 năm, khi đang trên đỉnh cao của tài năng và công việc, chị đã dừng lại để sang Mỹ sinh sống cùng con gái và cháu ngoại. Đọc thơ chị trong "Cánh cửa bên kia trời" phần nào người đọc đã hình dung quãng thời gian này khi chị sống trên đất khách quê người.

Tập thơ chia thành 3 phần. Phần 1: Những giấc mơ đàn bà. Phần 2: Nắng vàng phương khác. Phần 3: Cánh cửa bên kia trời.

Bằng cá tính sáng tạo của mình, Đặng Thị Thanh Hương đã bộc lộ những phẩm chất thơ mà không phải ai cũng có được. Đọc thơ chị, người đọc trở về với những vấn đề thường thấy trong thơ: Tình yêu, cuộc sống, giới tính... nhưng bằng cách nói, cách thể hiện mới mẻ tạo cho thơ chị có một giọng điệu riêng- giọng điệu rất Đặng ThịThanh Hương.

Chị tự ví mình là "Con tằm giăng tơ thành số phận / em - người đàn bà đa đoan với khát vọng kiếm tìm/ ở đâu đó phía chân mây là ước mơ em" ...

Thơ Đặng Thị Thanh Hương thể hiện cái tôi mạnh mẽ, bạo liệt, tiếng nói nữ quyền, phá tan mọi định kiến, rào cản. Cái tôi đầy bản lĩnh vươn lên, không cam chịu, không an phận, không muốn phải âm thầm gặm nhấm nỗi cô đơn... Thế giới thơ của chị là thế giới của những khao khát đang bùng lên mạnh mẽ.

Nhà Thơ Nguyễn Quyến nhận xét, cùng với 8 tập thơ lần lượt xuất bản, thi đàn không thể không ngước trông một Đặng Thị Thanh Hương vừa lầm lũi, vừa trần trụi, vừa dữ dội xác tín một tình yêu chân thật, không mầu mè, không tính từ, không trạng từ, không có một loại từ nào khác ngoài một động từ cô đơn đập điên loạn trong lồng ngực.

"Giữa lúc thơ ca đang hỗn loạn bởi "view" và "like", "Cánh cửa bên kia trời" xuất hiện. Trái tim một người đàn bà xa xứ, những người đàn ông không còn là đích ngắm, mà chỉ còn là hồi tưởng, các động từ đã hướng vào bên trong, chữ yêu đã nhuốm chút tà mị.. Chính ở đấy, ở nơi chiến trường mà tình yêu cứ ngỡ chỉ còn là hồi ức mênh mang, Đặng Thị Thanh Hương đã khiến ngôn ngữ một lần nữa thức dậy, hút lấy chất tủy sống của thời gian, xóa bỏ cái màn ngăn cách hư ảo của kí ức để một lần nữa trút xiêm áo ngôn từ với tình yêu thơ ca", nhà thơ Nguyễn Quyến viết.