Tao nhã thú chơi hoa và cây cảnh của người Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội. Xưa. Là đất hoa. Và cũng là nơi có nhiều người chơi hoa, cây cảnh. Thú chơi tinh tế và tao nhã ấy vẫn duy trì cho đến hôm nay như một nét văn hóa di dưỡng tâm hồn của người Hà Nội.
Hoa đào - loại hoa đặc trưng nhất cho mùa xuân miền Bắc

Hoa đào - loại hoa đặc trưng nhất cho mùa xuân miền Bắc

Từ cánh đồng bông đến… con đường hoa

Thời nhà Lý, làng Nghi Tàm có cánh đồng trồng hoa gọi là đồng Bông. Làng Yên Phụ cũng trồng hoa nên có tên là Yên Hoa. Thời Lê Trung hưng, 4 mùa làng Võng Thị hoa khoe sắc nên nhà Nho Đoàn Nguyễn Tuấn có bài thơ “Võng Thị điền hoa”. Nói chung quanh khu vực hồ Tây, hầu như làng nào cũng trồng hoa.

Thời Trần con đường từ bến Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than ngày nay) vào thành trồng toàn hoa hòe gọi là đường Hòe Nhai (tương ứng khu vực phố Hòe Nhai hiện nay). Phía tây có con đường trồng toàn liễu gọi là Lỉễu Giai (tương ứng với khu vực Liễu Giai hiện nay). Cũng thời nhà Trần khu vực quanh hồ Tây có rất nhiều lầu son, gác tía của tầng lớp trung lưu được gọi là khu “thừa lương”. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì “Lầu gác nào cũng trồng hoa, cây cảnh”.

Còn ở phía nam kinh đô rất nhiều làng trồng hoa mai nên người ta lấy tên mai đặt tên làng như: Bạch Mai, Hồng Mai, Hoàng Mai… Và khu vực này có giống đào thất thốn, hoa nở đôi rất quý. Tuy nhiên có làng hoa nổi tiếng ở kinh thành là Hữu Tiệp và Ngọc Hà với các loài hoa qúy. Cùng với hoa, các cô gái bán hoa ở 2 làng này mặc áo tứ thân, cái yếm trắng, thắt lưng bao xanh dịu dàng gánh hoa ra chợ khiến nhiều chàng trai thổn thức.

“Ngày rằm phiên chợ Xuân Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua”.

Chợ hoa đêm Hà Nội

Chợ hoa đêm Hà Nội

Tao nhã, tinh tế một thú chơi

Năm 1429, tức là chỉ một năm sau chiến thắng quân Minh, Lê Lợi khi đó đã lên ngôi ra chỉ dụ bắt các nhà các quan ở Thăng Long phải trồng hoa, cây và rau. Có lẽ do kinh đô xập xệ, tan nát sau 20 năm bị quân Minh chiếm đóng nên Lê Lợi muốn làm mới bộ mặt kinh thành và trồng rau cũng là cách cải thiện cuộc sống khó khăn sau chiến tranh. Nhà Nguyễn Trãi lúc đó ở bên sông Tô Lịch, vườn trồng hoa, ao thì trồng sen, bạn ông là Nguyễn Mộng Tuân đến thăm đã nổi hứng làm thơ:

“Nhất điều thủy lãnh trị Tam quán

Từ bích gia bần phú lục kinh

Mai ảnh nguyệt niên lai giáng trường

Hà phương phong đệ tống sơ linh”.

(Nghĩa: Một dòng nước lạnh qua nhà Tam quán/Bốn vách nghèo sơ chỉ toàn sách vở/Trăng vẽ bóng mai lên tường đỏ/Gió đưa hương sen vào song thưa). Đọc “Quốc âm thi tập” thấy Nguyễn Trãi kể ra rất nhiều cây hoa được ưa chuộng thời đó như: mai - trúc - cúc - tùng (sau này gọi tứ quý: mai - lan - cúc - trúc), đào, mẫu đơn, thiên quế, hòe… Thi nhân xưa thường mượn vạn vật, hoa lá cỏ cây để giãi bày tâm tư của mình về nhân tình thế thái.

Đến thời Lê, chơi hoa, cây cảnh và cậy quyền thế để cướp hoa được Phạm Đình Hồ mô tả trong “Vũ trung tùy bút”: “Buổi ấy bao nhiêu loài trân cầm dị thú quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian chúa đều sức thu lấy không thiếu thứ gì… Bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng ra ngoài dọa dẫm. Họ dò xem nhà nào có chậu hoa, cây cảnh, chim tốt khướu hay thì biên ngay hai chữ Phụng thủ vào. Đêm đến các cậu trèo qua tường thành lẻn ra đem tay chân đến lấy phăng đi rồi hôm sau buộc tội gia chủ đem giấu vật cung phụng để lấy tiền”. Và qua hành động đó chứng tỏ dân chúng thành Thăng Long biết chơi cây, chơi hoa.

Thời Nguyễn, nếp nhà Kẻ Chợ hình ống. Mặt tiền có thể hẹp nhưng thường rất dài và giữa nếp nhà trên và nhà dưới bao giờ cũng cách một khoảng sân. Vừa để thoáng đãng, nếu có hỏa hoạn thì sân chính có tác dụng ngăn lửa có thể hạn chế đám cháy lan rộng ra. Ở khoảng sân này, các gia đình trung lưu nho nhã thường có non bộ, đặt một vài chậu cây cảnh, trồng một gốc đinh lăng, cây sói, khóm hồng hay một gốc chi mai để đẹp nhà đồng thời gia chủ cũng có chỗ thư giãn tâm hồn.

Thú chơi hoa, cây cảnh ở Thăng Long theo năm tháng được nâng lên thành nghệ thuật. Thú chơi di dưỡng tinh thần này buộc họ phải am hiểu kỹ thuật trồng, cắt tỉa lá cành, bón phân mà còn phải tuân theo tín ngưỡng. Ví dụ trồng ngâu thì phải trồng đôi vì ngâu kiêng trồng lẻ. Nhà kinh thành không rộng, không có hồ ao trước mặt nên để “tụ thủy” (nôm na là lấy năng lượng từ vũ trụ xuống) cho nhà cửa tràn trề dương khí thì cần phải có nước để hứng nên mới sinh ra hòn non bộ đặt trong cái ang nước.

Ngoài ra còn phải hiểu tính biểu trưng của từng loài hoa hay cây theo quy ước dân gian. Đào màu đỏ là ấm khí dương, lan là “vương giả hương” không phàm tục, thanh nhã; hải đường nụ to, hoa lớn cánh dầy nhưng hương kín đáo bỉểu tượng cho sự phúc hậu, đầy đủ. Hoa cúc tượng trưng cho sự khiêm tốn, điềm đạm giàu tâm hồn vì thế vào mùa thu, dịp Tết Trùng cửu, các nhà Nho thường lên núi uống “hoàng hoa tửu” (rượu cúc) mạn đàm thơ phú. Rồi mẫu đơn là hoa phú quý, hoa “thiên hương quốc sắc”.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Ở các vùng ven kinh thành Thăng Long, các nhà đều có cấu trúc: Nhà - hiên - sân - vườn và bao quanh vườn thường là hàng dâm bụt lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi được xén phẳng. Từ ngõ vào sân hai bên thường trồng hai hàng tóc tiên, một luống hồng, luống huệ mấy khóm nhài. Bên chum nước là cây lan tiêu hay dạ hợp lan ưa ẩm. Trước hiên là bụi sói, một cây tầm xuân “nở ra cánh biếc”. Chơi cây hoa phải biết làm nó đẹp hơn, ngâu to thì cắt tỉa tạo thành hình tròn như mâm xôi hoặc đôi hạc đứng chầu.

Không chỉ chơi hoa - thứ thiên nhiên ban tặng, người Thăng Long còn chơi cây cảnh mà nay quen gọi là cây thế. Khác với hoa là màu sắc và hương thơm thì cây thế lại do con người uốn tỉa, làm trái với quy luật để tạo ra những cây cổ thụ thân cằn cỗi bé tí, còi cọc. Cùng với đó, người Thăng Long còn uốn, ép tạo ra các thế cây như ý muốn, ví dụ hai cây ghép với nhau gọi là thế “song trụ”, cây to đứng bên cạnh cây nhỏ là thế “phụ tử đồng khoa” (hai cha con cùng thi đỗ một khoa), thân thẳng đứng là thế “trực”, ngả rạp mới xòe tán gọi là thế “hoành”, hai cành lớn xoắn vào nhau là “giao long”… Tùy tính cách và mong muốn của từng người chơi mà chọn cây, hoa hay cây thế phù hợp. Những ai thích tính cách quân tử, ngoan cường thì chơi tùng hay trúc, vì thế ca dao Hà Nội xưa có câu:

“Ai chơi ta cũng chơi cùng

Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu”.

Chơi còn phải theo ước lệ như công thức, ví dụ chơi cây phải có bộ, tứ hữu gồm: Mai, lan, cúc, trúc hay chơi theo theo tứ quý: Mai, sen, cúc, tùng. Bên cạnh hoa và cây thế thì người chơi còn kèm theo vài loài chim quý và bể cá cảnh. Không hiểu biết thì sự chơi sẽ cọc cạch, ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ. Một chậu hoa, cây thế, một hòn núi giả không những thể hiện trình độ thẩm mỹ mà còn nói lên tâm tư tình cảm của chủ nhân. Phạm Đình Hổ nhận định trong “Vũ trung tùy bút”: “Người xưa cũng thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật trong cách chơi mà vẫn cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả”.

Cuối thế kỷ XIX, chơi hoa, cây cảnh cũng có những thay đổi do nhiều giống cây, hoa nhập từ nước ngoài vào. Từ chơi hoa trồng chuyển sang chơi hoa cắm bình làm phong phú thêm thú chơi hoa trên đất Kinh kỳ.