Tăng thêm lòng tin

ANTĐ - “Cử tri có thể thấy được ấn tượng đại biểu mới, tinh thần mới của Quốc hội khóa mới thông qua các nội dung họp lần này”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định như vậy và nhấn mạnh, tinh thần mới của Quốc hội sẽ được thể hiện trong một số đổi mới ngay từ ngày khai mạc cho đến khi kết thúc kỳ họp thứ 2 này. Không chỉ mới về hình thức mà mới cả trong nội dung trình bày báo cáo, trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Báo cáo trước Quốc hội về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc nhìn nhận công tác điều hành của Chính phủ còn nhiều yếu kém, bất cập. Kinh tế vĩ mô chưa ổn định; lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng, thanh khoản của một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn; dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỷ giá còn thấp. Người đứng đầu Chính phủ đã đề xuất một số chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2012 và 5 năm 2011-2015; đồng thời đề ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải đổi mới tư duy về đầu tư công; tái cơ cấu ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng sự hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ nợ xấu, nợ công... Cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ “nợ công ở ngưỡng an toàn”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cảnh báo cần tăng cường quản lý trần nợ công dưới 60% GDP, các nước đang phát triển như Việt Nam dưới 40% GDP. Ủy ban Kinh tế nhất trí nợ công năm 2012 không quá 60% GDP, song theo phân tích của một số chuyên gia, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam tăng lên 70% hoặc cao hơn là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, đánh giá nợ công chỉ bằng những con số chỉ tiêu của giám sát tài chính vĩ mô là chưa đủ, cần phân tích các yếu tố khác để tính đến khả năng trả nợ của các dự án.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng nhận xét, đối với nợ công, vấn đề lo ngại hiện nay không phải là “vượt ngưỡng an toàn” mà là khả năng trả nợ. Bởi khả năng trả nợ của nhiều dự án hiện nay là cực thấp. Ông nhấn mạnh: “Nếu tỷ lệ nợ công trên GDP lên đến 70% như dự đoán thì chắc chắn khả năng vỡ nợ là khó tránh”. Về cách thức nâng khả năng trả nợ cho các dự án, đối với những công trình đã đầu tư, có thể chưa hoàn thành, cần làm mọi cách không để “đẻ” thêm các công trình dự án mà vài năm sau mới nói đến chuyện... không có khả năng trả nợ.

Muốn giải quyết bài toán khả năng trả nợ phải xuất phát từ những dự án đầu tư. Ngoại trừ những dự án vì mục tiêu xã hội, xóa đói giảm nghèo, những dự án khác có tình trạng ảnh hưởng đến khả năng trả nợ. Một là không xác định lợi ích tài chính hoặc “thổi phồng” lợi ích tài chính, dẫn đến tình trạng sau khi được nợ công tài trợ thì không biết lấy gì trả nợ. Hai là, những dự án mặc dù đề xuất chi phí vốn cao, chưa thu xếp được vốn nhưng các chủ đầu tư có bao nhiêu làm bấy nhiêu, dẫn đến dự án dở dang. Đã dở dang thì ưu tiên cấp vốn hoàn thành hay cứ treo đó? Ngoài “gánh nặng” nợ công, Ủy ban Kinh tế cũng đưa ra con số thể hiện rõ mối quan hệ của “cặp đôi” GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó, phải “hy sinh” tăng trưởng để kéo CPI xuống thấp.

Lạm phát năm 2011 rất cao khoảng 18%, cho nên năm 2012 càng phải kiểm soát bằng được CPI chỉ tăng ở mức một con số nhằm tăng thêm lòng tin của xã hội, từ đó mới có cơ sở để ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao tốc độ, chất lượng tăng trưởng trong những năm sau. “Tăng thêm lòng tin” khó hơn rất nhiều so với tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.