Tấn trò đời trong “Nhà Ôsin”

ANTĐ - Là một diễn viên già kinh nghiệm nhưng Lê Khanh lại là một “đạo diễn trẻ”. Sau “Từ thiên đường đi về phía Bắc 3 km” năm 2005 vấp phải lùm xùm về bản quyền, đến nay, sau đúng 7 năm Lê Khanh mới cho ra đời vở kịch thứ 2 - “Nhà Ôsin”. Dù vậy, với tâm huyết với nghệ thuật sân khấu, kinh nghiệm diễn xuất lâu năm, nhãn quan thẩm mĩ rất riêng cùng trực giác tinh tế của một nữ nghệ sĩ… chị đã đem đến một vở kịch đáng xem.

“Nhà Ôsin” là kịch bản của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết năm 2008, kể về cuộc sống không êm ả của một gia đình giàu có ở thành thị. Chủ nhà là một Đại tá về hưu với một đội ngũ “ôsin” đông đảo, nhốn nháo. Lần lượt theo diễn biến kịch, những mâu thuẫn, những bi hài, những vật vã của cuộc sống gia đình chốn thành thị được phơi bày… một cách rất chân phương. Một Thủy Trần - một người vô vị, nhạt nhẽo với bi kịch không nghề nghiệp, không tiền và cả không bạn bè. Một bà Tơ chỉ vì sai lầm tuổi trẻ đã sinh ra đứa con (Phú điên) nhưng đành bỏ con trước cổng quán bia. Bi kịch của bà là khi gặp lại, đứa con nhất định không nhận một bà mẹ ôsin vì anh ta giờ là tỷ phú, “ra đường không sợ ai hết”. Bà đành phải làm ôsin cho chính đứa con đẻ của mình để được gần nó. Một Oanh nhớn ấp ủ âm mưu từng giây, từng phát để chiếm được ngôi nhà của đại tá, bố chồng cô, ngôi nhà mà trước đây cô từng làm ôsin… Và cuối cùng là bi kịch của ông đại tá - nhân vật xuyên suốt vở kịch - một người vui tính, hóm hỉnh, trải đời, khi ông trắng tay và đến người ôsin thân thiết nhất cũng không muốn theo ông.

“Nhà Ôsin” được đánh giá là một vở diễn có nhiều “cái mới”: Sân khấu được bố trí với những khối trụ cao như những mặt gương phản chiếu ánh sáng tạo nên không gian đa chiều cho diễn xuất của diễn viên và cho cảm thụ của khán giả. NSND Lê Khanh đã mạnh dạn đưa những vũ đạo hình thể hiện đại kết hợp với nhạc Hiphop vào đầu vở kịch, dù nó không mấy liên quan đến diễn biến chuyện mà chỉ nhằm chuyển tải nhịp sống trong vở diễn trở nên gần gũi hơn với đời thường. Góp vào thành công của vở diễn còn phải kể đến việc thiết kế sân khấu và ánh sáng với sự tiết chế đầy ẩn ý về ánh sáng của NSƯT Phạm Việt Thanh. Đặc biệt, vở kịch được trình diễn hoàn toàn với âm thanh thực của diễn viên, không sử dụng các thiết bị hỗ trợ tiếng nói, đây cũng là một yếu tố góp phần rút ngắn khoảng cách giữa khán giả và chuyện kịch trên sân khấu, để người xem thực sự được hòa mình, cảm nhận được từng diễn biến tinh tế nhất của vở diễn…

Dù được đánh giá là khá “sạch sẽ”, nhưng có thể thấy thông điệp của vở kịch là không mới, vẫn là nỗi thất vọng về tình người, về thói đời… Kết thúc vở kịch, “trên sân khấu, ông đại tá cứ sừng sững đứng đấy và những tấn trò đời vẫn cứ tiếp diễn”. NSƯT Chí Trung (vai ông Đại tá) với kinh nghiệm và tài năng của mình, đã lấy được nước mắt từ nỗi đau đớn, xót xa của khán giả.  “Nhà Ôsin” sẽ ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong dịp Noel này.