- Hà Nội: Trao tặng 20 cá nhân kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp UNESCO Việt Nam"
- Ngày mai khai mạc "Festival Huế 2018"
- Phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ số

Quang cảnh buổi lễ công bố Báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018
Tại buổi lễ công bố, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng được nêu trong Hiến chương của UNESCO. Ngay sau khi Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước vào năm 2007, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối quốc gia tham gia Công ước. Với trách nhiệm của quốc gia thành viên, Việt Nam đã hoàn thiện đúng hạn Báo cáo quốc gia định kỳ 4 năm (2012-2015) về việc thực hiện Công ước theo quy định của UNESCO với sự hỗ trợ của Cơ quan hỗ trợ phát triển quốc tế Thụy Điển và Văn phòng UNESCO Hà Nội.
Được biết, trên cơ sở báo cáo của các quốc gia thành viên, UNESCO đã hoàn thiện Báo cáo toàn cầu 2018 nhằm đánh giá ảnh hưởng của hầu hết các chính sách và biện pháp được các quốc gia ban hành gần đây để thực hiện Công ước này.
Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội khẳng định, Báo cáo toàn cầu UNESCO năm 2018: “Tái định hình các chính sách văn hóa: Thúc đẩy sáng tạo vì sự phát triển” như một bản đồ kho báu trong lĩnh vực văn hóa mà mọi người cần tìm kiếm để khai thác sức mạnh, năng lượng của ngành công nghiệp văn hóa nhằm phát triển bền vững.
Nhận định về Báo cáo toàn cầu UNESCO năm 2018 và xem xét thực hiện Công ước về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được UNESCO thông qua vào năm 2005 ở tầm toàn cầu, Đại sứ Thụy Điển tại Hà Nội Pereric Hogberg cho rằng, đây là dấu mốc thúc đẩy phát triển văn hóa, đồng thời là tài liệu được xem xét để đánh giá toàn cầu và giám sát tình trạng của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ sự đa dạng biểu đạt văn hóa.
Theo đó, Báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018 trình bày những chính sách văn hóa đổi mới được thực hiện ở cấp khu vực và địa phương, đã mang lại tác động tích cực tới việc quản lý văn hóa.
Báo cáo nhấn mạnh vào những khung chiến lược phù hợp nhất với môi trường kỷ nguyên số, sự xuất hiện của các chương trình trao đổi và sự năng động của những vườn ươm nghệ thuật tại các quốc gia đang phát triển. Đồng thời chỉ ra sự bất bình đẳng và những mô tả chưa đầy đủ về phụ nữ trong lĩnh vực văn hóa, các rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ văn hóa từ các quốc gia đang phát triển và tính dễ tổn thương của nghệ sĩ.
Thông qua việc cung cấp các số liệu mới, báo cáo này mang đến những thông tin cần thiết trong việc xây dựng và thực thi chính sách công phù hợp với những nhu cầu mới của lĩnh vực văn hóa.