Sự thanh lịch và điềm tĩnh giữa phố phường Hà Nội

ANTD.VN - “Thanh lịch như người Pháp - Hiếu khách như người Việt” đó là tên gọi một cuốn sách của tác giả Eva Nguyen Binh, nguyên Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam (2013-2017). 

Trong dòng người chật chội tham gia giao thông rất cần một sự điềm tĩnh

Nội dung cuốn sách tôi chưa bàn tới, nhưng chữ “Thanh lịch” lại làm tôi gợi nhớ đến câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Lý giải về nguồn gốc của câu ca dao này, Giáo sư Lê Văn Lan từng cho biết: Câu ca dao này được tìm thấy trong thơ của Nguyễn Công Trứ (thế kỷ XIX). Từ đó có thể giả định, hoặc người Tràng An - Hà Nội xưa bị ảnh hưởng từ câu thơ trên của nhà thơ Nguyễn Công Trứ rồi dẫn theo để tự hào về truyền thống thanh lịch của mình. 

Nhưng những tranh luận nhiều chiều về câu ca dao trên đến giờ vẫn chưa có hồi kết, có người khẳng khái cho rằng đó là nét tự hào của người Hà Nội, có người lại nghiêm cẩn hơn mà nói: Đó là sự tự cao của người Hà Nội xưa. Lẽ thường là vậy, với những tranh luận về mặt chữ nghĩa, chưa bao giờ có một kết quả chung nhất làm thỏa mãn tất cả mọi người. Dẫu vậy từ thanh lịch trong hoài niệm của nhiều người Hà Nội hoặc chọn Hà Nội làm nơi cư ngụ thì đây vẫn là một nét hoài cổ về Hà Nội “Một thời vang bóng”. 

Hà Nội bây giờ còn thanh lịch không? Trả lời câu hỏi này lại cần rất nhiều chỉ số để xét đoán, thế nên chung nhất thì chỉ có thể nói: Nét thanh lịch vẫn phảng phất trong lòng phố ở đâu đó giữa Hà thành. 

Chỉ có một điều có thể khẳng định được ngay, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều xô tạp. Nhưng khoan, những người luôn đứng trên lập trường: Hà Nội hỗn tạp vì sự di cư của người ngoại tỉnh vào để mà lên án. Bởi sự du nhập hay can dự của người ngoại tỉnh vào Hà Nội không chỉ là nét riêng có của đô thị này. Có những sự thay đổi không đến từ ngoại lực, có thể do nội lực cố gắng thay đổi để cố gắng bắt kịp với môi trường chung. 

“Hà Nội bây giờ còn thanh lịch không? Trả lời câu hỏi này lại cần rất nhiều chỉ số để xét đoán, thế nên chung nhất thì chỉ có thể nói: Nét thanh lịch vẫn phảng phất trong lòng phố ở đâu đó giữa Hà thành”.

Trong môi trường chung đó, mật độ đi lại lẫn mật độ xây dựng cao, tốc độ cuộc sống và nhiều chỉ số khác đã khiến cho không ít người phố mất dần đi nét “bình tĩnh” ở phố. Bình tĩnh không phải là nét văn hóa, nó đôi khi là khả năng tiết chế, khả năng ứng xử trước những “điểm chạm” trong cuộc sống, nhất là trên những con đường chật chội ở phố phường. 

Thời gian bận rộn quá, công việc áp lực quá… rất nhiều tiêu chí sẽ được đưa ra để lý giải cho những hành động quá khích khi có những va chạm xảy ra ở bất kỳ đâu trong cuộc sống. 

Có lần tại một ngã tư đường vào lúc tan tầm, dòng người đang chật chội nhích qua từng centimet  để tiến về phía trước, khi đèn tín hiệu chuyển từ đỏ sang xanh, dòng người như một dòng nước đã bị kiềm chặt ồ ào đổ về phía trước. Giữa những xê dịch ấy, một người phụ nữ bỗng nhiên khựng xe lại, lý do có vẻ là điện thoại chị đổ chuông. Vẫn hồn nhiên như ở nhà, chị lôi điện thoại ra nghe. Sự dừng lại bất chợt giữa dòng người đông đúc ấy khiến cho bánh xe một người đàn ông chạm vào xe chị. 

Người đàn ông, có vẻ đã mệt mỏi lúc tan tầm hay có một ức chế nào đó mà chỉ lắc đầu mà không nói được từ nào. “Này, thằng kia, không có mồm à mà không mở mồm ra xin lỗi”, người phụ nữ nói. Dường như không thể im lặng được nữa, lúc này người đàn ông mới cất tiếng: “Người không thấy tôi không có mồm thì chắc là không có mắt, hoặc có mắt mà hỏng”. Nói xong lặng lẽ đưa xe luồn xe đi. Nhưng không, người phụ nữ đã kịp lao nhanh khựng chiếc xe lại… một màn đôi co kéo theo sự tắc nghẽn bắt đầu. 

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Chứng kiến việc này, tôi chợt nhớ đến ứng xử hiếm hoi của hai người đàn ông. Đó là khi một trong hai người bất chợt ngoặt phải mà không có tín hiệu xi nhan, hai xe đụng nhau. Người đàn ông rẽ ngang có vẻ biết mình sai, anh giơ tay lên kết hợp cùng câu xin lỗi và một nụ cười dịu nhẹ như nắng thu Hà Nội. Nạn nhân của va chạm ấy cũng đáp lại bằng một cái xua tay bớt đi nhiều căng thẳng.

Có một người bạn tôi từ phương xa tới công tác ở Hà Nội từng tự đúc rút một nguyên tắc: Va chạm ở Hà Nội cứ phải nổi xung lên. Bởi làm thế mới biết mình không sợ họ và để kìm hãm sự bùng nổ của người khác. Có lẽ nguyên tắc này cũng có khi đúng, nhưng cũng có khi lại là ngòi nổ của xung đột. 

Bởi vậy “điềm tĩnh phố” không phải đến từ một mà phải là nhiều người trong những “điểm chạm” không mong muốn, nó cũng không thể đến từ một cộng đồng nhỏ trong một đô thị lớn, điềm tĩnh đôi khi cũng là khát khao diệu vợi trong một đô thị với đầy rẫy những lo toan và áp lực. Đôi khi “thôi đành ru lòng mình vậy”  bằng một ca khúc Hà Nội để điềm tĩnh hơn.