Sự hy sinh trở thành huyền thoại

(ANTĐ) - Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh – một vị tiền bối cách mạng, một trong 7 đồng chí thành lập chi bộ Đảng đầu tiên. đã tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, đến năm 23 tuổi thì bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò.

Sự hy sinh trở thành huyền thoại

(ANTĐ) - Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh – một vị tiền bối cách mạng, một trong 7 đồng chí thành lập chi bộ Đảng đầu tiên. đã tham gia cách mạng từ năm 19 tuổi, đến năm 23 tuổi thì bị thực dân Pháp bắt giam tại Hỏa Lò.

Một năm sau, chúng đưa ông về đề lao Hải Phòng và đưa lên máy chém. Cái chết bình thản, hiên ngang đầy khí phách của người thanh niên cách mạng 24 tuổi đã làm dấy lên cuộc đấu tranh phản đối tuyệt thực tại đề lao Hải Phòng, làm xúc động biết bao người dân chứng kiến giây phút ông hy sinh. Và cái chết ấy đã làm ngay chính kẻ thù là bọn thực dân Pháp phải khâm phục, run sợ.

15 trang nhật ký còn lại

Cái ngày 31-7-1932, khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân bị thực dân Pháp chém đầu tại đề lao Hải Phòng đã trở thành một sự kiện lịch sử. Và cái ngày ấy cũng đã trở thành huyền thoại đối với đồng chí Đặng Việt Châu mà mỗi lần nghĩ đến ông đều rơi nước mắt. Đồng chí Đặng Việt Châu – Nguyên phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà XHCNVN là một trong những người bạn tù của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã ghi lại khung cảnh đề lao Hải Phòng trước khi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Hồ Ngọc Lân bị đưa lên máy chém trong 15 trang nhật ký còn được lưu lại.

Theo những gì đồng chí Đặng Việt Châu ghi lại thì, hôm đó, tại đề lao Hải Phòng, những tù nhân thấy có nhiều điều khác lạ: bọn cai ngục dồn hết cả phạm nhân xuống không cho tập thể dục nữa, chúng tăng cường lính gác, điện ở khắp nhà tù được bật sáng và đặc biệt chúng còn cho phạm nhân được ăn cơm trắng với cá ngon - điều mà không bao giờ những người tù nghĩ đến.

Có chuyện gì xảy ra chăng? Những người bạn tù truyền tai nhau và được biết ngày hôm ấy khác với những ngày bình thường khác vì ở nơi lao tù này bọn thực dân Pháp đưa về phòng biệt giam hai người chiến sĩ cốt cán của cách mạng Việt Nam để đưa đi chém đầu vào sáng ngày hôm sau.

Ngày 31-7-1932 có lẽ cũng là một ngày đáng nhớ của bọn thực dân Pháp khi chứng kiến hai chiến sĩ cộng sản trước pháp trường, đến giờ lên máy chém mà vẫn hô vang: “Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo đề hình. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”. Một sự bình thản đến lạ thường.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (đội khăn xếp) cùng bạn học trường Thành Chung
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (đội khăn xếp) cùng bạn học trường Thành Chung

Đồng chí Đặng Việt Châu ghi lại rằng, đêm trước hôm bị chém, đồng chí Cảnh rất bình thản, còn đồng chí Lân thì vẫn hát. Đến gần sáng, đồng chí Lân có hỏi đồng chí Cảnh rằng: “Cảnh có ngủ được không, Cảnh không hát à”,  đồng chí Cảnh nói rằng: “Cảnh không ngủ được, Cảnh không hát, Cảnh thích yên lặng”.

Hai người nói chuyện với nhau được vài câu, thì đến 4 giờ sáng, có tiếng mở cửa, bọn chúng đến đưa hai đồng chí ra pháp trường. Trước lúc đi đồng chí Lân vẫn hát, còn đồng chí Cảnh bình thản chào anh em bạn tù: “Anh em ở lại nhé, tôi lên đầu đài đây”. Sự ra đi của hai đồng chí đã làm dấy lên một cuộc đấu tranh tuyệt thực của những phạm nhân ở đề lao Hải Phòng, để phản đối bọn thực dân Pháp chém đầu hai đồng chí.

Hành quyết xong bọn chúng ném đầu hai ông xuống sông Tam Bạc. Lúc đó có một người lính tên là Long, nhiệm vụ ông này chuyên làm sau mỗi lần chém đầu một người tù, ông này liền cắt tai để đem trình quan Pháp nên vì thế được gọi là Long xách tai.

Từng chứng kiến rất nhiều cái chết, nhưng trước khí phách kiên cường của người cách mạng, đội Long đã phải run sợ và kể lại với những tù nhân rằng hắn chưa bao giờ từng gặp con người nào khí phách như vậy. Một cái chết hiên ngang, không rửa tội, không bịt mắt, miệng vẫn hô đả đảo đế quốc Pháp. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm...

Tri ân

Ông Nguyễn Ngọc Đoán – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình cho biết, 15 trang nhật ký trên là do vợ của đồng chí Đặng Việt Châu, khi biết tin tìm được hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh – bạn tù của chồng mình, bà đã mang đến viếng tại nơi quàn hai cụ ở nhà tang lễ Quân khu ba (Hải Phòng).

Hiện Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã xin lại được bản thảo ấy và sẽ in thành sách. Trước đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình cũng đã cho in cuốn sách dày 600 trang viết về lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Cuốn sách này sẽ được phát trong các trường học của Thái Bình để thế hệ đi sau học tập tấm gương kiên trung bất khuất của một vị lãnh tụ – một người con của Thái Bình.

Hiện ở Thái Bình có rất nhiều trường học, tượng đài mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Riêng tỉnh Thái Bình từ năm 1984 đã tiến hành xây dựng khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, đến năm 2006 thì cả khu lưu niệm và tượng đài đã hoàn thành. Tuy vậy, nguyện vọng cuối cùng của dòng họ Nguyễn Đức và của nhân dân tỉnh Thái Bình vẫn là mong mỏi tìm được hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Năm 2008 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, thể hiện lòng tri ân với bậc tiền bối có công với đất nước – một người mà cả cuộc đời cống hiến cho Đảng, cho giai cấp công nhân, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã đứng ra nhận trách nhiệm cùng với gia đình đi tìm hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Và địa chỉ mà Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình tìm đến là Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người, với lời đề nghị nhờ nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh.

Đinh Kiều Nguyên

Kỳ sau: Hành trình đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02-02-1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Cuối năm 1927 đồng chí tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1928 đồng chí tham gia ủy viên xứ ủy Bắc kỳ, Bí thư tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong 7 đảng viên chi bộ đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập của Đảng ta và nhận trọng trách Bí thư xứ ủy Bắc kỳ.

Ngày 28-7-1929 tổ chức Công Hội đỏ được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu tổ chức này.

Tháng 10-1930 đồng chí được Trung ương Đảng điều động vào tham gia ủy viên xứ ủy Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 4-1931 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị đế quốc Pháp bắt và kết án tử hình ngày 31-7-1932 tại thành phố Hải Phòng.