Sự hợp tác cần thiết

(ANTĐ) - Dấu ấn cho phim đầu tiên có mô hình hợp tác thành công phải kể đến phim “Mùa len trâu”. Tuy là sản phẩm hợp tác nhưng phim hoàn toàn mang “quốc tịch” Việt Nam. Mang thương hiệu Hãng phim Giải Phóng, “Mùa len trâu” đã “chu du” qua rất nhiều các LHP quốc tế và giành được những giải thưởng đáng mơ ước...

Sự hợp tác cần thiết

(ANTĐ) - Dấu ấn cho phim đầu tiên có mô hình hợp tác thành công phải kể đến phim “Mùa len trâu”. Tuy là sản phẩm hợp tác nhưng phim hoàn toàn mang “quốc tịch” Việt Nam. Mang thương hiệu Hãng phim Giải Phóng, “Mùa len trâu” đã “chu du” qua rất nhiều các LHP quốc tế và giành được những giải thưởng đáng mơ ước...

Tự tin bắt chặt tay

Đầu tiên phải nhắc đến tác giả của các tiểu thuyết “Đứng trước biển”, “Cù lao Chàm”… - Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Vài năm gần đây, anh có cuộc rẽ ngang sang địa hạt của lĩnh vực viết kịch bản phim, như gặp duyên, Nguyễn Mạnh Tuấn đã “nổi đình nổi đám” trong làm phim truyền hình với các kịch bản phim “Đồng tiền xương máu”, “Lưới trời”, “Blouse trắng”…

Mới đây, một hãng phim của Mỹ đã đàm phán mua kịch bản phim của anh. Hãng phim Bigfood - Entertainment, Los Angeles, Mỹ đã chọn kịch bản “Nước mắt phương xa” đưa vào sản xuất. Kịch bản sẽ được làm 2 phim, một phim hợp tác, một phim Bigfood - Entertainment sẽ mang về làm theo kiểu Mỹ. Như vậy, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là con số hiếm khi được Mỹ mua bản quyền phim.

Và kịch bản tiếp theo có nhan đề “Mastermind” được Bigfood - Entertainment đặt hàng anh cũng đã hoàn tất và đang được chuyển ngữ. Tạm lùi thời gian, phim “Sài Gòn nhật thực” (hợp tác với Pháp), phim “Mười” (hãng Phước Sang hợp tác với Hàn Quốc) đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ công chúng, là dấu hiệu đáng mừng cho bước khởi đầu một hướng đi mới cho điện ảnh Việt Nam trong việc hợp tác từ kịch bản, làm phim với nước ngoài.

Dấu ấn cho phim đầu tiên có mô hình hợp tác thành công phải kể đến phim “Mùa len trâu”. Tuy là sản phẩm hợp tác nhưng phim hoàn toàn mang “quốc tịch” Việt Nam. Mang thương hiệu Hãng phim Giải Phóng, “Mùa len trâu” đã “chu du” qua rất nhiều các LHP quốc tế và giành được những giải thưởng đáng mơ ước. Cùng với nó, phim “Thời xa vắng” cũng đã giúp nâng tầm hãng phim phía Nam này, với giải âm nhạc tại LHP quốc tế Thượng Hải và Giải nữ diễn viên chính xuất sắc tại LHP quốc tế Singapore. 

Ở ngoài Bắc, Hãng phim Hội Nhà văn đã theo đuổi mô hình làm phim hợp tác với đối tác chủ yếu là Trung Quốc đã thành công ở hai bộ phim “Nguyễn ái Quốc ở Hồng Kông” và “Hà Nội, Hà Nội”. Gương mặt mới nhất là phim “Mùi ngò gai”, bộ phim với cái tên “ Hàn” hương vị “Việt” - Sự hợp tác giữa tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc CJ Media với Hãng phim Vifa. Công nghệ làm phim chuyên nghiệp, hiện đại cộng với một ê-kíp giỏi nghề được “chuyển giao” từ nước bạn đã đóng góp phần lớn trong kết quả khả quan của sản phẩm hợp tác này…

Hợp tác để phát triển

Nhà biên kịch Quỳnh Trang cho biết: “Hiện nay các kịch bản để dựng thành phim thường được đặt từ chính các nhà biên kịch trong nước, hoặc mua kịch bản từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Và những bộ phim kết hợp với nước ngoài thường được hợp tác với hai quốc gia này.

Một hướng đi mới là các nhà biên kịch, đạo diễn trong nước hiện nay đã biết “tiếp thị” sản phẩm của mình ra với nền điện ảnh thế giới nhằm hướng đến sự hợp tác”. Minh chứng cho điều này, nhà biên kịch Phan Đăng Di với kịch bản phim “Bi ơi, đừng sợ” (Bi, don’t be afraid) đã gửi tác phẩm này tới Liên hoan phim Pusan, Hàn Quốc.

Tại Pusan, Phan Đăng Di và nhà sản xuất có hơn chục cuộc tiếp xúc, trong đó một số nhà đầu tư như NHK (Nhật Bản), Fortissimo Films (Hongkong), Arizona (Pháp), một số đại diện của tổ chức LHP quốc tế Hongkong, LHP Goteborg (Thụy Điển), Cannes (Pháp)... “Bi ơi, đừng sợ” đã đến với hoạt động Pusan Promotion Plan (PPP) - hoạt động bên lề Liên hoan nhằm tạo điều kiện cho các đạo diễn và nhà sản xuất phim của họ có điều kiện giới thiệu nhiều dự án làm phim với các nhà đầu tư và các LHP quốc tế.

Nhà biên kịch Quỳnh Trang cho biết thêm, bên cạnh những đạo diễn trong nước trực tiếp xin tài trợ của nước ngoài cho phim của mình, thì một số hàng phim quốc tế lại đặt hàng các nhà biên kịch Việt Nam để có những một số cảnh quay lấy bối cảnh tại cả hai nước.

Thực tế cho thấy, hợp tác - phần lớn phần vốn hãng trong nước góp vào không nhiều nên không thể đòi hỏi quá nhiều đặc quyền đặc lợi. Để hợp tác thành công, tất cả các bên phải tin cậy, bình đẳng theo thông lệ quốc tế.

Hiện nay các kịch bản trong nước được các hãng phim nước ngoài đặt hàng là chưa nhiều. Qua trao đổi với một số nhà biên kịch, tựu chung lại chính là ở rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về văn hóa. Kịch bản phim, hay những bộ phim muốn bước ra với thế giới phải hướng đến tính toàn cầu, sự hội nhập với nội dung nhằm phụ hợp với con người ở mọi nơi.

Các nhà biên kịch, các nhà làm phim nên chọn những chủ đề truyển tải để tất cả mọi người, tất cả các nền văn hóa có thể đồng cảm được. Một kịch bản, một bộ phim có thể sánh tầm thế giới luôn đòi hỏi chất lượng cao, bởi khi đó một kịch bản, một bộ phim của họ sẽ được “định giá” cao. Và đó là mơ ước của tất cả các nhà biên kịch, đạo diễn Việt Nam.

Trước mắt việc hợp tác là một xu hướng tốt bởi nó là chiếc cầu nối nhanh nhất đưa điện ảnh Việt Nam hòa vào dòng chảy của nền điện ảnh thế giới. Hãy bắt chặt tay, thật tự tin, ban đầu bằng sự hợp tác, những kịch bản tốt, những bộ phim hay “made in Vietnam” đủ sức vươn mình qua biên giới sẽ không còn là cái đích quá xa vời.

Trần Quân