Số hóa Bảo tàng: Cần có cơ chế chính sách và định mức tài chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Viện Bảo tồn Di tích vừa thông tin, mục tiêu từ nay đến năm 2030, 100% di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu, các di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số. Bắt đầu từ thời điểm trong và sau dịch bệnh Covid-19, những bảo tàng, danh thắng hàng đầu của Việt Nam đã tích cực triển khai số hóa di sản một cách bài bản.

Những trải nghiệm và khám phá ấn tượng mới mẻ

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cho biết, từ năm 1997, bảo tàng đã nghiên cứu và xây dựng phần mềm quản lý. Trong những năm gần đây, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch, Bảo tàng đã tích cực, chủ động đổi mới phương thức quảng bá, giới thiệu những giá trị tài liệu, hiện vật; ứng dụng công nghệ trong giới thiệu trưng bày, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, thu hút khách tham quan, thích ứng với hoàn cảnh khó khăn do đại dịch gây ra.

Trưng bày Di sản Phật giáo tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Trưng bày Di sản Phật giáo tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam

Ba trưng bày chuyên đề đã từng được giới thiệu gồm: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”, “Đèn cổ Việt Nam” và “Linh vật Việt Nam”. Sau đó, Bảo tàng tiếp tục xây dựng trưng bày ảo 3D hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng với các chủ đề: “Việt Nam thời Tiền sử”, “Văn hóa Đông Sơn”, “Triều Ngô- Đinh - Tiền Lê - Lý, Trần”, “Văn hóa Óc Eo - Phù Nam”.

Ở trưng bày chuyên đề này, chỉ với thao tác nhấn chuột đơn giản trên máy tính hoặc nhấn chạm trên màn hình điện thoại thông minh, khách tham quan vừa như đang dạo bước, tìm hiểu những góc trưng bày, có thể ngắm nghía đa chiều các “báu vật” lịch sử, xem từng chi tiết, hoa văn trên hiện vật, vừa nghe thuyết minh kèm âm thanh phụ trợ khiến chuyến tham quan trở nên sống động và thú vị. Đặc biệt, công chúng còn được tương tác, nghe các chuyên gia, các nhà sử học giới thiệu về điểm đặc sắc trong mỗi không gian trưng bày, hay những câu chuyện thú vị về hiện vật trưng bày tại BTLSQG qua mục “Tương tác với nhà sử học”.

Từ tháng 9 năm 2021, trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng. Trong những năm gần đây, trên cơ sở các trưng bày chuyên đề trực tiếp tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã số hóa dữ liệu, xây dựng thành các trưng bày chuyên đề trực tuyến như: “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ của các nền văn hóa”; “Hổ trong mỹ thuật cổ Việt Nam”; “Đảng Cộng sản Việt Nam - Từ Đại hội đến Đại hội”… Đây là hình thức giúp đông đảo công chúng (công chúng trực tiếp và cả công chúng không/chưa có điều kiện đến Bảo tàng) dễ dàng tham quan, tìm hiểu trưng bày và khám phá các tài liệu, hiện vật độc đáo, giá trị. Một số trưng bày đã có phụ đề tiếng Anh kết hợp với những hình ảnh 3D hiện vật đặc sắc và không gian trưng bày sinh động, chân thực.

Cây đèn đồng hình người quỳ là một hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, nằm trong số 30 bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Cây đèn đồng hình người quỳ là một hiện vật độc đáo tiêu biểu vào thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn, nằm trong số 30 bảo vật quốc gia đợt 1, năm 2012 và hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Không chỉ có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã và đang có những hoạt động tích cục trong "chuyển đổi số".

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết các hướng dẫn viên du lịch thường phản ánh họ thấy khó khăn khi tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật tại Bảo tàng Mỹ thuật VN. Điều này một phần do hệ thống thông tin quá ít, phần khác là do sự khuyết kiến thức nền về nghệ thuật, dẫn đến tâm lý e ngại, không muốn đưa các đoàn khách du lịch đến bảo tàng. Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật VN đa phần là khách lẻ, cũng là khách nước ngoài. Chính vì thế, ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA ra mắt giúp khách tiếp cận bảo tàng chủ động.

Với điện thoại hoặc máy tính bảng có kết nối internet và trả phí tải ứng dụng, khách tham quan có thể tự do khám phá 165 tác phẩm tiêu biểu trên hệ thống trưng bày thường xuyên của Bảo tàng Mỹ thuật VN trực tiếp và trực tuyến bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu trên toàn thế giới.

Thời lượng cho mỗi lần sử dụng iMuseum VFA lên đến 8 giờ, với 8 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn, Tây Ban Nha và Ý. “Với ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, Bảo tàng Mỹ thuật VN đã nhận được giải thưởng Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc do Bộ TT-TT trao tặng.

Nhã nhạc cung đình Huế

Nhã nhạc cung đình Huế

Đại diện Viện Bảo tồn di tích- bà Huỳnh Phương Lan chia sẻ, Viện Bảo tồn di tích cũng đã đặt ra mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2030 sẽ số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh cũng như 100% các di tích quốc gia và 100% các bảo vật quốc gia. Viện cũng sẽ thúc đẩy để 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc Bản, Châu Bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế)…

Riêng ở lĩnh vực văn hóa, di sản, việc số hóa và từng bước chuyển đổi số được xem là một bước tiến quan trọng để vừa làm tốt công tác bảo tồn di sản, vừa đem lại những thay đổi tích cực trong việc khai thác, quảng bá văn hóa, di sản. Hiện nay, hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội.

Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia

Thừa Thiên Huế có gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia

Trên nền tảng đó, một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Ông Phan Thanh Hải cho biết thêm, bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam Phan Văn Hà khi nói về khó khăn cũng cho biết: Hiện chưa có cơ chế, chính sách và các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật cụ thể để các bảo tàng có thể chủ động từng bước thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình chuyển đổi số. Kinh phí thực hiện chủ yếu được trích từ nguồn ngân sách hàng năm của đơn vị nên việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số hiện chưa đồng bộ. Cụ thể đối với một bảo tàng, muốn chuyển đổi số các hoạt động bảo tàng thì trước hết phải xây dựng một cơ sở dữ liệu về tài liệu hiện vật bảo tàng.

Trên cơ sở kho dữ liệu tài liệu hiện vật được hình thành và lưu giữ bằng công nghệ dữ liệu lớn (big data) chúng ta xây dựng các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong. Chính vì thế, cần sớm có cơ chế, chính sách và các quy định, định mức về tài chính để các đơn vị có thể từng bước chủ động thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số. Xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin. Ban hành chuẩn hóa hệ dữ liệu hiện vật bảo tàng để các bảo tàng có thể thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin một cách thuận lợi, hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại cho rằng, khó khăn còn ở chỗ “lựa chọn đối tác xã hội hoá”. Để thực hiện dự án xã hội hoá, việc lựa chọn đối tác phù hợp là vô cùng quan trọng. Các bảo tàng tại Việt Nam hiện nay phần lớn là các cơ quan phi lợi nhuận, nguồn kinh phí để xây dựng và duy trì các nền tảng công nghệ số phục vụ các hoạt động ở bảo tàng rất hạn chế, thậm chí gần như không có.

Điều đó đồng nghĩa với việc đối tác hợp tác trước hết phải có năng lực tài chính đủ mạnh và vững để có thể đồng hành cùng bảo tàng trong thời gian dài. Không chỉ vậy, họ còn cần có khả năng công nghệ hiện đại, cập nhật kịp thời cũng như đoán định các xu hướng công nghệ thế giới để đáp ứng nhu cầu hoạt động của bảo tàng cũng như nhu cầu thưởng lãm của công chúng.

Việc sở hữu năng lực đón đầu xu hướng công nghệ mới là rất quan trọng, bởi công tác xây dựng các ứng dụng, chương trình công nghệ số đòi hỏi khoảng thời gian không hề ngắn để có thể đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, công nghệ luôn thay đổi và cải tiến không ngừng, nếu chỉ xây dựng dựa trên những nền tảng hiện thời thì sau một thời gian phát triển, sản phẩm rất dễ trở nên lạc hậu và thất bại.