Nhà văn Vương Tâm

Sexy ư? Tôi có ý khác…

ANTĐ - Nhà văn Vương Tâm tặng cho tôi tập truyện ngắn “Ngày mai còn nắng” mà ông vừa mới cho ra lò, tôi đùa ông rằng, sao bịa lắm chuyện thế, nhưng ông bảo toàn chuyện thật cả đấy, buồn lắm, xót lắm. Tôi đọc một mạch “Ngày mai còn nắng”, không ngờ mọi chuyện cứ phảng phất đâu đó, quen mà lạ. Tôi hẹn ông với nhiều sự tò mò và không ít hồi hộp.

- Bắt đầu từ “Ngày mai còn nắng”, với hình ảnh những con hạc giấy, ông định bày tỏ điều gì vậy?

 - Đó là ngôn ngữ cuối cùng của sự tuyệt vọng sau ngày tận thế của những người biết trước ngày mai mình sẽ chết. Đó là câu chuyện có thật trong gia đình của người họ hàng tôi. Anh ta nghiện heroin rất nặng. Những ngày ngắn ngủi còn lại, anh ta cố làm nhiều việc để bù đắp những lỗi lầm đối với vợ con, cho dù là những hành động nhỏ nhất, như giặt giũ và phơi quần áo cho vợ con hay gấp những con hạc giấy để mong cho ước mơ được giải thoát cùng với những tia nắng cuối cùng trong cuộc đời của mình.Tôi muốn nói lên rằng, cuộc sống thật quý giá và hạnh phúc biết bao, hãy trân trọng và giữ gìn nó; kẻo không cho đến lúc chết cũng khó nhắm mắt.

- Vậy chắc các truyện ngắn khác như Tàn tro, Cây bàng, hay Giấc mơ, Bức họa cuối cùng, hoặc Đại gia quê có phải ông đều lấy vốn sống từ những nguyên mẫu?

- Đúng thế, tôi đều bắt đầu từ những điều có thật. Ví dụ truyện ngắn Bức họa cuối cùng, tôi lấy mẫu nhân vật, một họa sĩ khá nổi tiếng để viết câu chuyện mà tôi được nghe một nhà văn, khá thân thiết với gia đình họa sĩ nọ kể lại. Hoặc truyện ngắn Đại gia quê, nhân vật mẫu là hình ảnh một bí thư xã mà tôi đã từng quen biết, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội. Tất nhiên nhân vật Quang được tôi tổng hợp từ một số mẫu nhân vật bí thư xã khác, để dựng nhân vật có tính điển hình về những quan xã tham nhũng của thời hiện đại.  

 - Vậy khi lấy những mẫu có thật ngoài đời như vậy ông có gặp phiền toái, hay phản ứng gì không?

- Có đấy! Khi truyện ngắn Bức họa cuối cùng in trên Báo Thanh Niên, tôi biết người họa sĩ, mà tôi lấy làm mẫu đã có phản ứng. Nhưng trong truyện ngắn tôi hư cấu thêm cho câu chuyện thương tâm hơn, về cái chết của người cha vì uất ức với đứa con bất hiếu, thì lại không giống với thực tế. Nên mọi phản ứng không có gì phải e ngại. Thêm nữa, có người còn đề cập với tôi về trường hợp người mẫu của truyện ngắn Vũ điệu thiên nga, cũng vậy…

- À tôi cũng định hỏi thêm về truyện ngắn này, hình như ông cũng lấy một mẫu người vũ nữ rất nổi tiếng và câu chuyện có liên quan đến cô ta để viết, có đúng vậy chăng?

- Lần đầu tiên, truyện được in trên Tạp chí Văn Hiến, Hội Văn nghệ Hà Nội, đã được nhiều bạn đọc hỏi về người vũ nữ này, vì những chuyện xảy ra gần giống với cuộc sống của cô ta mà nhiều người biết tới.

 - Tôi đọc thấy giống như những chuyện của nhiều người đẹp dính líu với các đại gia hiện nay. Có vẻ như ông cũng quan tâm tới những người đẹp?

- Thực ra, những câu chuyện giữa các đại gia, hay những người trong tầng lớp thượng lưu, giàu có quan hệ với các hoa hậu, hoa khôi, người đẹp là chuyên muôn thuở, đã có từ xa xưa. Ở nước ta, vài chục năm trước những chuyện ấy thường kín đáo, không ồn ào và đôi khi còn là chuyện riêng tư mà ít người biết đến. Cách đây khoảng gần hai chục năm, chuyện người đẹp quan hệ bất chính hay khác lạ với một doanh nhân giàu có đúng chuyện làm dư luận xôn xao lắm, chứ không như hiện nay, những câu chuyện về tình ái của hoa hậu nọ, hay hoa khôi kia với các đại gia xảy ra như cơm bữa; thậm chí nhiều người còn coi đó là mốt và xu thế tất yếu.

- Nhưng ông viết ra với mục đích gì hay cũng là để “câu khách” bằng một vài chi tiết sexy và đề cập đến những người nổi tiếng?

- Sexy ư? Tôi có ý khác. Tôi viết không chỉ mục đích lên án chuyện vụ lợi của vũ nữ ấy, mà qua nhân vật Nhất, nạn nhân của người đẹp, tôi muốn nói rằng những cái gì không thuộc về mình, thì đừng sống chết hay bằng mọi giá đoạt lấy nó. Trong thực tế người đàn ông kia đã gặp họa, tan đàn xẻ nghé và thân liệt danh bại. Khi nhận ra thì chỉ biết cay đắng trong sầu muộn. Còn trong truyện ngắn của tôi, ông ta không những mất hết mà còn bị tai nạn trong khi vẫn cố chồm dậy và mơ tưởng tới cánh chim thiên nga ở trên trời. Đó là bi kịch của sự hoang tưởng…

- Vậy đối với ông, việc lấy nguyên mẫu có phải là một nguyên tắc sáng tác?

- Không! Đó là một trong những thủ pháp thì đúng hơn, vì điều quan trọng là định nói điều gì chứ không phải chỉ là kể chuyện. Làm sao cho chuyện tưởng như vậy mà không phải vậy, nhưng lại đúng như vậy với bản chất của phát triển của nó, theo cách nhìn của người viết. Tôi nghĩ thế!

- Xin cảm ơn nhà văn!