Sẽ vẫn hát ở Hà Nội
(ANTĐ) - Đức Tuấn vừa phát hành album “Tiếng hát Trương Chi” - album nhạc Văn Cao ngày 4-7 vừa qua. Thời điểm album ra mắt cũng là dịp tưởng niệm 13 năm ngày nhạc sỹ Văn Cao qua đời (10-7-1995/10-7-2008). Anh coi đó như một lời tri ân và tưởng nhớ người nhạc sỹ tài hoa này. Anh sẽ tổ chức đêm nhạc riêng của mình tại Hà Nội vào tháng 9 và sẽ ra tiếp album Văn Cao đặc biệt cùng thời điểm đó…
Nam ca sỹ đầu tiên ra album Văn Cao
Với album “Tiếng hát Trương Chi”, lần đầu tiên Đức Tuấn thực hiện trọn vẹn một album những bản nhạc lừng danh của nhạc sĩ Văn Cao. Album này có ý nghĩa đặc biệt, bởi “Tiếng hát Trương Chi” từ hơn hai năm nay đã trở thành một “thương hiệu” của Đức Tuấn với những đêm nhạc rất thành công tại các phòng trà lớn Sài Gòn.
“Thương hiệu” này ra đời chính trên cảm hứng từ bài hát Trương Chi của nhạc sĩ Văn Cao. Album gồm 8 bài hát, đều đã rất quen thuộc với người yêu nhạc Việt Nam từ thuở khởi nguồn của nền tân nhạc Việt đến giờ, và cũng từng được các danh ca nhiều thế hệ lựa chọn biểu diễn.
Sự “nhập cuộc” lần này của Đức Tuấn là sự tiếp nối khẳng định tính bất hủ của những ca khúc Văn Cao, từ những bản tình ca đẹp thoát tục tới những khúc hùng ca đỉnh cao của một nền âm nhạc.
8 bài hát trong album được sắp xếp theo một chủ ý nghệ thuật để đưa người nghe khám phá những không gian khác nhau mà Văn Cao đã tạo nên trong âm nhạc của ông, đặc biệt là trong những ca từ đầy chất thơ và vô cùng lãng mạn, trong tâm thế một nghệ sĩ cô đơn.
Mở đầu bằng “Suối mơ”, dẫn dụ vào không gian thu đẹp và buồn. Các bài sau đó nối tiếp mạch cảm xúc buồn da diết, dù dưới hình thức một bản trường ca - truyện ca như Trương Chi, điệu valse dìu dặt trong Thu cô liêu hay khúc tự sự não nề của Buồn tàn thu.
Khi thu “tàn” thì không gian âm nhạc được chuyển sang xuân, bắt đầu với Bến xuân, bài hát mà từ cái nền giai điệu còn cho ra đời một tác phẩm khác, nổi tiếng không kém bản “gốc”: Đàn chim Việt.
Câu chuyện về người nghệ sĩ cô đơn tiếp tục với nỗi hoài nhớ một mùa xuân đã xa, với bài Cung đàn xưa và lên đến cao trào với bản Thiên thai, một khúc nhạc thoát tục, một bản truyện ca lộng lẫy, một đỉnh cao của tân nhạc Việt Nam. Album “Tiếng hát Trương Chi” khép lại với bài hát “Mùa xuân đầu tiên”, khép lại cũng là để mở ra những không gian, những miền cảm xúc mới, đọng lại riêng trong lòng người nghe.
Đây là lần đầu tiên trên thị trường âm nhạc Việt Nam, một nam ca sĩ thu âm một album các ca khúc Văn Cao, trước giờ mới chỉ có nữ ca sĩ ánh Tuyết là người đã thực hiện một album riêng nhạc Văn Cao từ giữa những năm 90. Mở rộng hơn, thị trường âm nhạc hải ngoại cũng mới chỉ có một đĩa nhạc Văn Cao với 2 tiếng hát Mai Hương và Quỳnh Giao.
Soạn hòa âm cho album là nhạc sĩ Hoài Sa. Anh đã đặt các bài hát đã có tuổi đời cả hơn nửa thế kỷ (trừ bài Mùa xuân đầu tiên mới qua tuổi 30) vào một không gian nhiều tính đương đại với hòa âm pop là chính, trẻ trung và gần gũi tai nghe hiện nay. Chất cổ điển và một chút dân gian được điểm xuyết làm tăng vẻ đẹp cho giai điệu các bài hát.
Cũng cần nhắc lại là âm nhạc của Văn Cao chịu rất nhiều ảnh hưởng âm nhạc Tây phương đương thời, do người Pháp mang tới, nên trong các bản hòa âm của “Tiếng hát Trương Chi”, nhạc sĩ Hoài Sa đã rất khéo léo sử dụng lại những chất liệu đã từng gây ảnh hưởng đó, như các điệu vũ cổ điển, hay các giai điệu đẹp viết cho dàn dây theo phong cách bán cổ điển.
Trên một nền hòa âm như thế, Đức Tuấn chọn cách hát nhiều chất lãng tử, tình tứ, mang ít nhiều chất cabaret, gần với phong cách hát thịnh hành ở phương Tây những năm 40 - 50, trước khi có rock và các dòng nhạc phát sinh từ nó.
Đức Tuấn: Tôi đang hát nhạc thị trường đó thôi
- Anh có bao giờ nghĩ là mình đã chọn một dòng nhạc quá khó khăn để phát triển con đường âm nhạc của mình không?
- Con đường nào dẫn đến thành công cũng rất khó. Tôi yêu thích dòng nhạc này nên sẽ theo nó đến cùng. Lúc nào tôi cũng có những dự án trong đầu. Và lúc nào tôi cũng muốn thực hiện bằng được.
Tôi yêu thích nhạc Văn Cao từ lâu và tôi đã dồn sức thực hiện album này trong 2 năm. Với tôi, không phải cố tìm bài để nhét đầy album mà nó phải thực sự chín muồi cả về ý tưởng, cảm xúc âm nhạc tôi mới vào phòng thu.
- Anh hát Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Đình Chương… toàn những tên tuổi lớn của nhạc Việt. Phải chăng anh muốn chứng tỏ mình… đẳng cấp?
- Thực ra tôi làm album phải đảm bảo cả nghệ thuật và kinh doanh. Khi chúng ta kinh doanh là chúng ta đang nhắm tới một thị trường âm nhạc nào đó. Vậy thì những gì tôi hát cũng là nhạc thị trường, nếu hiểu theo cách của một người kinh doanh âm nhạc.
Nhạc nào cũng có thị trường của nó, nó rộng hay nhỏ mà thôi. Còn đẳng cấp ư? Cái này cũng mơ hồ thật. Tôi không quan trọng sang hay sến, cũ hay mới, trẻ hay già, mà chỉ thích những cái gì hay mà thôi…
- Anh có nghĩ rằng mình đang gặp thời khi xuất hiện đúng thời điểm mà nhạc xưa đang trở thành “mốt” của một lớp khán giả mới?
- Như đã nói, tôi không quan niệm mình là ca sỹ hát nhạc xưa. Tôi thích classico pop. Và tôi đi hát không phải chỉ để kiếm tiền. Ngay từ đầu tôi đã biết mình không thể trở thành một “hot boy” của nhạc trẻ theo cách mà nhiều ngôi sao đang làm.
Nhưng tôi có niềm đam mê âm nhạc và muốn đến tận cùng với dòng nhạc mà mình theo đuổi. Và tôi đã đi theo hướng này. Tôi không trông chờ các giải thưởng. Khán giả của tôi cũng ít người tặng hoa. Họ im lặng lắng nghe và phản hồi của họ cũng nhẹ nhàng nhưng sâu sắc hơn.
Tôi, xét cho cùng, không phải là người được một đám đông lao đến tung hô mà họ đến với tôi chỉ vì họ thích những gì tôi hát mà thôi.
- Nghĩa là anh chấp nhận việc mình không phải là người nổi tiếng và thành công nhất?
- Thành công thì tôi thành công theo cách của mình. Còn nổi tiếng thì cũng vô chừng lắm. Tôi không bao giờ nghĩ mình phải thành cái này hay cái kia. Hãy cứ làm đi đã.
- Đầu 2008 anh nói sẽ ra album nhạc kịch bằng tiếng Anh, đến nay dự án đó đã khởi động chưa?
- Tháng 8 này tôi sẽ qua Canada thu âm, bởi vì album bằng tiếng Anh nên tôi muốn có chuyên gia người bản xứ “take care”, cố gắng làm tốt nhất có thể. Và dự định album sẽ phát hành vào tháng 12.
- Hát tiếng Anh là một thách thức với bất cứ ca sỹ nào, anh tự tin chứ?
- Tôi học và nghe nhạc tiếng Anh từ lớp 5. Năm trước tôi cũng đi học ở nước ngoài một thời gian, chỉ học cách nói, cách phát âm sao cho chuẩn. Tôi tự tin vào khả năng đó của mình.
- Anh có bao giờ định làm cái gì khác ngoài âm nhạc không?
- Không. Tôi không có tham vọng gì khác ngoài âm nhạc. Tôi theo đuổi classico pop, và muốn trở thành gương mặt tiêu biểu ở Việt Nam trong phong cách này. Và mơ ước xa xôi là được đứng trên sân khấu nhạc kịch quốc tế.
Phú Hải (manager của Đức Tuấn): Tuấn biết chấp nhận
Phú Hải lần đầu tiên chịu xuất hiện trước báo giới như một manager thực sự. Anh đã làm việc với Đức Tuấn trong vai trò này khá lâu, nhưng thường ở sau hậu trường và là một manager kín tiếng, không scandal…
- Anh cộng tác với Đức Tuấn đến nay là được bao lâu rồi?
- Bốn năm. Nhưng tôi cảm giác như đã lâu lắm.
- Điều gì ở ca sỹ này khiến anh muốn hợp tác?
- Đam mê và biết chấp nhận. Đam mê thì ai cũng phải có rồi. Nhưng không phải ai cũng biết chấp nhận. Tuấn chấp nhận đi vào con đường khó, chấp nhận nổi tiếng muộn. Và chấp nhận cả những nguyên tắc làm việc của người khác. Tuấn có sự nhẫn nại ghê gớm.
- Một dự án nghệ thuật mới thường xuất phát từ anh hay từ Tuấn?
- Từ cả hai, có thể nói 50/50. Chúng tôi bàn bạc cụ thể rồi mới đi đến thống nhất. Cũng có khi cãi vã, mâu thuẫn, xung đột đỉnh điểm, nhưng rồi vẫn giải quyết được và đi đến kết luận cuối cùng là có tiếp tục nữa hay không. Thường thì tôi phải kìm bớt những ý tưởng quá mạnh và đôi khi hơi bột phát của Tuấn. Tôi nghĩ điều này cũng cần thiết để dung hòa mối quan hệ.
- Thấy anh nói rất nhiều về kinh doanh âm nhạc, có vẻ như anh là một người được học chuyên sâu?
- Tôi tự học là chính. Còn tôi đến với công việc này cùng Đức Tuấn trước hết là có duyên, sau đó chúng tôi cùng muốn hướng tới một tiêu chí trong âm nhạc nên cùng nhau đi tới. Còn hiện nay, tôi vẫn hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh may mặc.
- Anh mong muốn điều gì ở ca sỹ của mình?
- Thành công. Tôi muốn nói rằng, thành công không có nghĩa là đĩa phải bán mấy trăm nghìn bản hay được hàng triệu người tung hô, mà phải là thành công trong lĩnh vực âm nhạc của mình.
Tôi muốn Tuấn xác lập được một vị trí vững chắc. Khán giả có thể không mua đĩa của Tuấn, nhưng vẫn phải thừa nhận cậu ấy là ca sỹ có đẳng cấp. Và có thể họ không nghe đĩa của Tuấn thường xuyên vì cái dòng nhạc đó nó hơi nặng, nhưng họ vẫn mua đĩa đó như một niềm yêu thích…
Phi Phan (Thực hiện)