Quan tâm đến mùi khác lạ của cơ thể để sớm phát hiện bệnh

ANTD.VN - Mùi cơ thể có thể nói nhiều điều về sức khỏe của bạn. Theo các nhà khoa học Thụy Điển, trong thực tế, một số bệnh có thể tạo ra mùi khác lạ.

Hơi thở có mùi hoa quả

Đây là dấu hiệu biến chứng của bệnh tiểu đường được gọi là hiện tượng ketoacidosis (DKA). Những người bị bệnh tiểu đường tuýp 1 thường xuất hiện dấu hiệu này nhiều hơn so với những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2. Nguyên nhân là cơ thể không thể tạo ra năng lượng cần thiết để hoạt động đúng, vì vậy nó bắt đầu phân hủy axit béo làm nhiên liệu.

Điều này tạo ra sự tích tụ của các hóa chất có tính axit được gọi là xeton trong máu. Những ảnh hưởng của DKA có thể nghiêm trọng, thậm chí gây chết người. Nó có thể làm cho bạn bị nôn mửa và đi tiểu thường xuyên, khiến cơ thể mất chất lỏng với tốc độ nguy hiểm.

DKA thường xảy ra với các triệu chứng khác như mệt mỏi, mờ mắt và sụt cân không rõ nguyên nhân. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy hơi thở có mùi trái cây, đặc biệt là nếu kèm theo mệt mỏi, khô miệng, khó thở, đau bụng, hãy tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt, Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến cáo. 

Hôi chân

Nhiễm nấm có thể là nguyên nhân gây hôi chân với các dấu hiệu như da chân khô, có vảy xung quanh ngón chân, mụn nước. Bàn chân cũng có thể bốc ra một mùi hôi, gây ra bởi sự kết hợp của vi khuẩn và nấm làm tổn thương da, ngón chân. Nếu nhiễm nấm ở chân có thể lây lan ra các bộ phận khác của cơ thể, như bẹn hoặc nách. Những người có da ở ngón chân mềm và ẩm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. 

Mùi phân khó chịu

Khi ruột non không sản xuất đủ của một loại enzyme gọi là lactase, nó không thể tiêu hóa lactose, một loại đường được tìm thấy trong các sản phẩm sữa. Vì vậy, ruột non dẫn đường lactose trực tiếp với đại tràng, khiến vi khuẩn đường ruột lên men. Điều này có thể gây ra phân lỏng, có mùi hôi.

Hiện nay, tình trạng không dung nạp lactose khá phổ biến. Trong thực tế, ước tính có khoảng 65% những người có vấn đề tiêu hóa sữa, theo Viện Y tế quốc gia Mỹ. Những triệu chứng của tình trạng này cũng bao gồm cả chuột rút, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy và ói mửa.

Nước tiểu có mùi hắc

Nhiễm trùng đường tiểu (UTIs) khiến nước tiểu gần như có mùi hóa chất. Điều này xảy ra sau khi các vi khuẩn, phổ biến nhất là E. coli, đi vào đường niệu đạo và tiết niệu. Sau đó, chúng được nhân lên trong bàng quang, gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới vì niệu đạo đến bàng quang của phụ nữ ngắn hơn. Vì vậy, nếu nhận thấy nước tiểu có mùi hăng hắc, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để kiểm tra.

Hôi miệng

Nếu hơi thở buổi sáng có mùi hôi, mặc dù bạn vừa đánh răng xong, bạn có thể mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Ngưng thở khi ngủ dẫn đến ngáy, tình trạng này khiến bạn thở bằng miệng suốt đêm. Do đó miệng của bạn bị khô, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sản dễ dàng và sản xuất ra một loại khí lưu huỳnh khiến hơi thở có mùi trứng thối. Chứng ngưng thở khi ngủ cũng liên quan đến bệnh tiểu đường, huyết áp cao, bệnh tim, vì vậy cần điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.