- Ban Tổ chức Hội Phết Hiền Quan kiên quyết nói không với bạo lực
- Dừng cướp phết Hiền Quan trong nhiều năm có thỏa đáng?
- Sôi động trò chơi bắt vịt tại hội làng Vạn Phúc
Cũng trong ngày diễn ra lễ hội làng Vạn Phúc thì ở Tam Nông, Phú Thọ có Hội Phết Hiền Quan. Người dân ở Hiền Quan bây giờ vẫn nói rằng: “Chúng tôi năm nào chẳng cướp phết, có ai làm sao đâu”. Đúng là không có ai làm sao trong suốt nhiều năm qua nhưng vài năm trở lại đây, không hiểu người ở đâu đổ về Hiền Quan trong ngày cướp phết đông đến thế. Đa phần không phải người dân địa phương. Luật chơi đã không được tôn trọng, gây ra một đám đông hỗn loạn, tranh cướp và ẩu đả.
Ngay từ trong năm, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL đã nhiều lần bàn bạc cùng với Sở VH-TT&DL Phú Thọ, UBND huyện Tam Nông đưa ra một đề án đổi mới để hạn chế bớt những ẩu đả phản cảm. Song, có thể nói, cho đến thời điểm này, đề án đổi mới ở Hội phết Hiền Quan đã thất bại. Không có màn cướp phết nào được diễn ra vào ngày chính hội (chiều 17-2). Văn bản của Chủ tịch UBND huyện Tam Nông được gửi đi với khẳng định “sẽ không tổ chức vào những năm tiếp theo”.
Năm 2018, lần đầu tiên, hội Gióng Sóc Sơn, Hà Nội áp dụng hình thức mới - phát lộc thay cho cướp lộc tự do như những năm trước. Đó là năm đầu tiên, hội Gióng diễn ra bình yên. Người đi hội thì hoan hỉ vì có được chút lộc Thánh mang về nhà, nhà quản lý thì thở phào nhẹ nhõm vì màn ẩu đả với toàn là gậy tre đã được hạn chế ở mức tối đa. Và câu chuyện thay đổi hình thức cướp lộc ở hội Gióng mấy năm trước thực ra nó cũng y hệt việc thay đổi màn cướp phết ở Hiền Quan những ngày này.
Cuối năm 2018, khi Sở VH-TT Hà Nội bình bầu sự kiện tiêu biểu trong năm, có phóng viên đã hỏi rằng, tại sao không đưa hội Gióng vào 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của ngành. Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội Tô Văn Động đã trả lời đại ý là việc này Hà Nội làm khá thận trọng và từng bước một. Thành công của năm 2018 chưa nói lên điều gì. Và bản thân ông, với vai trò là Giám đốc Sở ông mong muốn việc thay đổi hình thức từ cướp lộc sang phát lộc phải có nền tảng là sự đồng thuận của người dân- chủ thể lễ hội và tạo thành thói quen đối với mỗi du khách trẩy hội đầu năm, lúc đó mới có thể mừng được.
Nếu bây giờ khẳng định chắc chắn “không tổ chức cướp phết những năm tiếp theo” hẳn sẽ là một sự thiệt thòi và không công bằng cho chính người dân ở Hiền Quan, nơi có Hội phết. Việc của nhà quản lý bây giờ là phải bàn bạc với chính quyền địa phương để phân tích và hỗ trợ cộng đồng, giúp cộng đồng nhận ra những gì đã trở nên lạc hậu và không còn phù hợp, đồng thời hỗ trợ cộng đồng.
Bởi lẽ, chính người dân mới là người thực hành tín ngưỡng, đồng thời họ phải sống và làm việc theo pháp luật, chịu trách nhiệm giữ gìn phong tục tập quán trước khi trao truyền cho các thế hệ kế cận. Tóm lại, vấn đề ở đây là để người dân cùng tham gia bàn thảo, thống nhất và vai trò của quản lý Nhà nước là giúp người dân nhận thức.
Theo giải thích của khá nhiều nhà nghiên cứu lịch sử thì để xảy ra hiện tượng cuồng tín, đi hội với tâm thế trục lợi, đi lễ thì mưu cầu xin xỏ thần linh… là do sự “đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt”. Thiếu kiến thức nên gây ra hỗn loạn, xung đột. Đã có một thời gian dài sau đổi mới, nhiều lễ hội được phục dựng với những thiếu sót, mạnh ai người ấy làm.
Và khi quản không xong, cấm không được thì ngành văn hóa buộc phải tiến hành các biện pháp để gọt giũa sao cho tròn trịa!
Mới đây, trong một cuộc họp của Bộ VH-TT&DL, PGS.TS Nguyễn Phương Châm, Viện trưởng Viện Văn hóa lo ngại, nếu cứ “đổi mới” thì các lễ hội truyền thống sẽ mất hết bản sắc, lễ hội nào cũng tròn trịa giống nhau thì còn gì là đa dạng văn hóa. PGS.TS Nguyễn Phương Châm cũng nêu ra quan điểm là cần trả lễ hội về cho chủ thể là người dân, để người dân tự tổ chức, quản lý thay vì hành chính hóa như hiện nay.
Song, nếu trả lễ hội về cho cộng đồng tự quản lý thì ở thời điểm này e là không ổn, thậm chí còn loạn hơn. Bởi đơn giản nhiều lễ hội đã thay đổi về quy mô, nó không còn là lễ hội của một làng hay một vùng. Cả vạn người rùng rùng đổ về trong cùng một thời điểm. Không quản lý chặt đương nhiên loạn.
Phân tích mọi nhẽ để thấy, các nhà quản lý cũng đang ở trong thế “tiến thoái lưỡng nan”, thay đổi cũng dở mà giữ nguyên cũng dở. Quản lý thì bị cho là “hành chính hóa” mà không thì lại bị cho là “buông lỏng, thả nổi”. Sau cùng của các vấn đề về lễ hội thì mọi việc được dồn vào “ý thức người tham gia lễ hội” và chìa khóa của thành công được kỳ vọng vào việc tuyên truyền ý thức. Và đó cũng là một việc rất “phi vật thể” và không phải một sớm một chiều mà làm được.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội. Tính ra, trung bình mỗi ngày diễn ra khoảng 22 lễ hội. Tức là bình quân mỗi giờ, ở Việt Nam lại có một lễ hội được tổ chức. Trong đó, Lễ hội Lịch sử là 322; Lễ hội Tôn giáo là 544; Lễ hội Dân gian là 7039; Lễ hội du nhập từ nước ngoài là 41 và số còn lại dành cho những loại lễ hội khác. Hà Nội là địa phương dẫn đầu trong cả nước về lễ hội với số lượng là 1.095, tiếp đó là Hải Dương 732 và Bắc Ninh 442 lễ hội.