Phục nguyên vốn cổ cho tín ngưỡng chầu văn

ANTĐ - Tiếp nối chuỗi hoạt động của Liên hoan Nghi lễ chầu văn lần thứ 1 do Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức, hôm qua, 4-10 một không gian tín ngưỡng thờ Mẫu đã được phục dựng trên sân khấu của rạp Công nhân. Ngay từ lúc mở màn cho tới lúc kết thúc, rạp hát 400 ghế không còn một chỗ trống.

Thanh đồng Hoàng Việt Hải, Tô Văn Tuấn

Thanh đồng 8X, 9X

Giải thích lý do chọn rạp Công Nhân cho những ngày quan trọng nhất của Liên hoan, Giáo sư Ngô Đức Thịnh- Ủy viên Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia phân trần: “Tôi là người chủ trương không sân khấu hóa tín ngưỡng chầu văn, nhưng cực chẳng đã, vì không có nơi nào ở Hà Nội đảm bảo được cả hai yếu tố, tâm linh cho người thực hiện tín ngưỡng và chỗ ngồi đủ rộng cho số lượng lớn người xem, nên đành chọn rạp Công nhân”.

Cứ tưởng đây là liên hoan tín ngưỡng dành cho những người có tuổi, hoặc giả chỉ nhữngngười có tuổi mới mê đắm chầu văn. Thế nhưng, lạ là, các cung văn, thanh đồng được mời tham dự liên hoan lại toàn những người trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X, những thế hệ bị xếp vào dạng “có tuổi” cỡ 7X không nhiều, sinh năm 1966, thanh đồng Lê Văn Ngọc Đức được xếp vào diện “hiếm” ở Liên hoan. 

Một trong những thanh đồng trẻ tuổi, sau màn trình diễn nhận được những tràng pháo tay không dứt của người xem tại đền Kim Giang hôm 25-9 là Tô Văn Tuấn sinh năm 1988 ở thôn Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai. Tô Văn Tuấn được bố mẹ cho ra trình đồng từ năm 9 tuổi. Theo lời Tuấn kể thì thuở nhỏ người em như cái dải khoai, ốm dặt ốm dẹo, cha mẹ chạy chữa thuốc men khắp nơi nhưng không tìm ra bệnh gì. Có người mách ra trình đồng, thế rồi khỏi bệnh. Là một thanh đồng “chuyên nghiệp” nhưng xem ra Tô Văn Tuấn có vẻ ngại nói về công việc của mình. Tuấn kể, em cũng đã từng theo học ngành kế toán, đi xin việc khắp nơi làm đâu cũng không trụ được. Nói về chuyện lợi dụng tín ngưỡng trong nghi lễ chầu văn hiện nay, Tuấn cho biết: “Không hiếm người lợi dụng cái sự mờ ảo trong tín ngưỡng tâm linh mà làm những điều “chướng tai gai mắt”, nhưng ông trời luôn công bằng, Thánh không chứng cho những người có tà tâm”. Liên hoan lần này cũng chứng kiến màn ra mắt của các thanh đồng trẻ như Hoàng Việt Hải (1988), Nguyễn Thanh Sơn (1990) Lê Đức Khánh (1993).

Loại bỏ yếu tố đồng “đua”

Sinh năm 1966, Lê Văn Ngọc Đức đứng vào hàng những thanh đồng “có tuổi” tại Liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội. Ít nói, điềm đạm là những gì người đối diện cảm nhận được về thanh đồng này.  Hóa ra, anh từng là một nhà báo chuyên viết mảng văn hóa, là cựu sinh viên khoa Lý luận Phê bình, Đại học Sân khấu Điện ảnh. Lê Văn Ngọc Đức trình đồng từ năm 16 tuổi. Khi chúng tôi hỏi về những giá đồng tiền tỉ mà tầng lớp đồng “đua” bây giờ vẫn theo đuổi và cho đó là cách thể hiện đẳng cấp của mình, Lê Văn Ngọc Đức chỉ cười bảo: “Đó chính là những biến tướng, những quan niệm sai lầm trong tín ngưỡng bởi xưa nay bất cứ tín ngưỡng gì cũng đề cao tín thiện tâm”. Thanh đồng này cũng bày tỏ mong muốn, sau khi Nghi lễ chầu Văn trở thành Di sản phi vật thể quốc gia và làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại, sẽ là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý văn hóa và cả những người đang thực hành tín ngưỡng cùng nhau gạt hết mọi hiểu nhầm, loại bỏ yếu tố đồng “đua”, đồng “đú”, đưa tín ngưỡng thờ Mẫu trở về đúng với vốn cổ trong sáng như khi tín ngưỡng này được sinh ra.

Là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về tín ngưỡng chầu văn - hầu đồng, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết, theo dõi liên hoan này từ ngày đầu tiên cho tới thời điểm này, ông rất mừng. Khi những môn nghệ thuật truyền thống khác như Ca trù, cồng chiêng hay hát xoan… phải đau đầu tìm thế hệ trẻ tiếp nối thì ở Nghi lễ chầu văn này, việc đó… chẳng phải lo lắng gì. Thế hệ trẻ hôm nay đã tiếp nối được phong cách kinh điển của những người đi trước dù nghi lễ này từng bị quy vào tội mê tín dị đoan và bị cấm đoán trong một thời gian dài. Trong quá trình theo dõi liên hoan, ông còn thấy được cả những nét phá cách (ở mức có thể chấp nhận được) của những người trẻ tuổi.     

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai - Trưởng Phòng Tôn giáo tín ngưỡng - Viện Nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam: Tiếp cận đúng sẽ thấy giá trị riêng

- PV: Thưa Tiến sĩ, người ta vẫn hay nói về cụm từ “có căn tính”. Vậy thì thế nào gọi là “có căn tính”?

- Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai: Có thể hiểu rằng người có căn tính là người có thể trạng khác bình thường, nhạy cảm, có khả năng nhiễm từ trường vũ trụ, trong không gian nào đó có thể có thần giao cách cảm, có hư giác, nghe thấy hoặc nhìn thấy âm thanh, hình ảnh người bình thường không thấy được. 

- Năm 1996, khi bà bắt tay vào nghiên cứu Luận án thạc sĩ về Tín ngưỡng hầu đồng, khi đó đã có biến tướng xuất hiện nhiều?

- Có, nhưng chưa mạnh mẽ bằng ngày nay và cũng chưa phân hóa nhiều. 1996 mới chỉ một số là thủ nhang điện lớn, hoặc một số chùa có phủ mẫu. Điện tư gia có hoạt động nhưng chưa nhiều như bây giờ. Đến năm 2005 khi tôi bắt tay vào nghiên cứu Luận án Tiến sĩ là đã rầm rộ lắm rồi.

- Bà đánh giá thế nào về di sản tín ngưỡng thờ Mẫu mà đặc biệt là tín ngưỡng hát văn và hầu thánh?

- Mỗi một tôn giáo hay hình thái tín ngưỡng gì trong sự ngăn cấm mà vẫn tồn tại đương nhiên có triết lý riêng, giá trị riêng, vấn đề là tiếp cận góc độ nào mà thôi. Giá trị của lên đồng cổ thế nào không cần bàn cãi. Nói thế không có nghĩa lên đồng hiện đại không có giá trị. Nó vẫn là một thứ tôn giáo giải quyết được nhu cầu tinh thần, bệ đỡ, cân bằng vị thế, tâm lý… Tính thẩm mỹ của nghi lễ này cũng cần được tôn vinh. Nếu so sánh trang phục trong hầu thánh từ năm  1995 tới nay thôi thì đã thấy có sự thay đổi một trời một vực rồi. Nếu biết cách tiếp cận giá trị, có thể làm sống lại cả một bảo tàng trang phục các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên ranh giới là điểm mờ không thấy được.

- Đã từng có tranh luận rằng, có nên tách hát văn ra khỏi hầu đồng?

- Sao mà tách được và tại sao lại phải tách? Bản thân hát văn có tồn tại được hay không là do lên đồng. Không có lên đồng, diễn xướng hát văn với ai?
- Bà đánh giá thế nào về khả năng Nghi lễ chầu văn được UNESCO ghi nhận như một Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

- Tôi nghĩ việc Nghi lễ Chầu văn được UNESCO công nhận là việc đương nhiên thôi. 

- Xin cảm ơn Tiến sĩ!