Đề xuất giải pháp định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước đây, khi du lịch và văn hóa vẫn là hai lĩnh vực tách bạch, nhiều người vẫn nửa đùa nửa thật rằng “văn hóa xây, du lịch phá”. Tuy nhiên, khi nền kinh tế và dân trí phát triển, cái bắt tay chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa sẽ thực sự là nguồn động lực to lớn để vừa huy giá trị vừa bảo tồn, vừa là nguồn lực chính để phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh đến với thế giới.

Trong khuôn khổ của Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2023 đang diễn ra sôi động tại Hà Nội, một cuộc Hội thảo với chủ đề “Du lịch Văn hóa” đã diễn ra với sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý văn hóa cũng như du lịch và đơn vị lữ hành.

Động lực phát triển và bảo tồn

Trong thế kỷ XX (cho đến năm 1980), du lịch và văn hóa là hai mảng riêng biệt của các điểm đến. Trong đó, tài nguyên văn hóa được coi là một phần của di sản văn hóa, liên quan đến giáo dục, đến nền tảng bản sắc văn hóa địa phương hoặc quốc gia. Du lịch thì được coi là một hoạt động liên quan đến giải trí và tách biệt với cuộc sống hàng ngày và văn hóa của người dân địa phương.

Nhiều tour du lịch văn hóa đã được các hãng lữ hành chú trọng đầu tư xây dựng và ra mắt tại VITM 2023

Nhiều tour du lịch văn hóa đã được các hãng lữ hành chú trọng đầu tư xây dựng và ra mắt tại VITM 2023

Đến cuối thế kỷ XX, đặc biệt là từ năm 1980 trở đi, quan hệ văn hóa – du lịch đã thay đổi nhanh chóng, vai trò của tài nguyên văn hóa trong việc thu hút khách du lịch và tạo ra sự khác biệt giữa các điểm đến đã rõ ràng hơn và tài nguyên văn hóa đã được xem là nguồn lực chính để phát triển kinh tế ở nhiều vùng, nhiều địa phương.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, mối liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia.

Mối liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia (ảnh: Phạm Quang Vinh)

Mối liên kết giữa du lịch và văn hóa ngày càng sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa đòi hỏi phải thúc đẩy sự bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là bản sắc và sự khác biệt của văn hóa của mỗi quốc gia (ảnh: Phạm Quang Vinh)

Trình độ học vấn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân toàn cầu đã tăng nhanh, xu thế già hóa dân số ở các nước phát triển, phong cách sống hiện đại, chú trọng nhiều đến phát triển cá nhân dẫn đến nhu cầu tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm trực tiếp ngày một tăng cao. Cùng với đó, khả năng di chuyển của người dân ngày càng dễ dàng, tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng các điểm đến mới, hấp dẫn, khác biệt.

Chính vì thế, vai trò của du lịch văn hóa ngày một quan trọng hơn, du lịch văn hóa đã làm tăng thêm việc làm ở các vùng có tài nguyên văn hóa, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Việc đưa yếu tố văn hóa vào các sản phẩm du lịch sẽ tăng sự hấp dẫn, nâng cao giá trị của các sản phẩm du lịch,tạo động lực mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Văn hóa du lịch trở thành một phương tiện quan trọng hỗ trợ cho công tác bảo tồn di sản và phát triển công nghiệp văn hóa.

Hình thành dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành Du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” cũng như “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong “Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), thời điểm trước dịch COVID-19, du lịch văn hóa đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng 15% mỗi năm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt “Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa”. Theo đó, thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam được định vị dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao và được thị trường đón nhận tích cực. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 20 - 25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.

Sự khác biệt bản sắc văn hóa là yếu tố hấp dẫn du khách trải nghiệm

Sự khác biệt bản sắc văn hóa là yếu tố hấp dẫn du khách trải nghiệm

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cũng thẳng thắn nhận định, mặc dù đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng nếu so với tiềm năng, lợi thế, các giá trị văn hóa to lớn của Việt Nam thì việc phát triển du lịch văn hóa vẫn hạn chế. Trong nhiều năm, du lịch Việt Nam được cho là rất thiếu các sản phẩm du lịch trình diễn, tương tác và trình diễn văn hóa, thiếu các công trình văn hóa nghệ thuật, các trung tâm văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách.

Xây dựng thương hiệu dựa trên giá trị đặc sắc

Đại dịch COVID-19 đồng thời đã làm thay đổi nhu cầu du lịch, tạo ra các xu hướng du lịch mới. Các nước trên thế giới, nhất là trong khu vực ASEAN đều tập trung những giải pháp ưu tiên phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng trở lại của ngành du lịch. Chính vì thế, hiện tại, Du lịch Việt Nam phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh gay gắt về điểm đến, cạnh tranh sản phẩm dịch vụ du lịch trong thu hút thị trường khách nước ngoài cũng như phát triển du lịch nội địa.

Để phát triển du lịch văn hóa thời gian tới, tại Diễn đàn Du lịch Văn hóa, nhiều đại biểu cũng đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa Văn hóa - Du lịch, Du lịch - Văn hóa và các giải pháp phát triển Du lịch văn hóa Việt Nam thời gian tới.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group cho rằng, Việt Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch quý giá, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất, độc đáo nhất là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, con người.

“Chúng ta có mỏ vàng di sản quý giá cho phát triển du lịch di sản văn hóa, trải nghiệm giá trị, độc đáo, giàu cảm xúc và đáng nhớ. Du lịch di sản cũng là một phần của du lịch văn hóa, là du lịch để trải nghiệm điểm đến, được tham gia các hoạt động cùng người dân bản địa, tiếp cận một cách chân thực nhất những câu chuyện của lịch sử, trong đó bao gồm cả yếu tố văn hóa, chiêm ngưỡng những tuyệt tác của thiên nhiên. Tôi muốn đưa những yếu tố văn hóa vào các hoạt động và sản phẩm du lịch của mình với mong muốn du khách có thể chạm được vào văn hóa Việt Nam một cách tinh tế, sâu sắc, làm cho trải nghiệm của họ đáng nhớ hơn tại Việt Nam và đặc biệt là phát triển du lịch di sản một cách bền vững" - ông Phạm Hà nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, việc kết hợp chặt chẽ giữa văn hóa với du lịch là hướng đi quan trọng của du lịch Việt Nam thời gian tới, trong việc khai thác những giá trị cốt lõi tốt đẹp đã được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử, để làm sao du lịch có thể phát triển bền vững hơn.

"Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng việc tuyên truyền qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật là một trong những phương tiện và con đường nhanh nhất, hiệu quả và thú vị nhất để tiếp cận khán giả, du khách. Vì vậy, chúng ta nên có những chương trình biểu diễn nghệ thuật đề cao các giá trị văn hóa cũng như chắt lọc được câu chuyện hay chưa khai thác từ kho tàng dân gian Việt Nam. Chúng tôi rất muốn đưa thêm văn hóa vào du lịch để nhân dân có thể hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam. Việc làm này mang tính giáo dục một cách mềm mại, rất thu hút cũng như thích hợp cho tất cả các tầng lớp nhân dân" - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Hiện tại, chính sách về phát triển du lịch văn hóa thuận lợi, loại hình du lịch văn hóa đã có điều kiện được quan tâm, đầu tư và có nhiều kết quả khả quan. Những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền...

Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh ‘Ký ức Hội An’’, ‘’Áo dài’’, ‘’Tinh hoa Bắc Bộ’’, ‘’Múa rối nước’’, ‘’À Ố Show’’.

Ngoài ra, các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam. Du lịch Việt Nam liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Năm 2018, 2019, 2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, ‘’Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á, Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” và là ‘’Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn.

Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.