Cơ quan chức năng kiểm tra tại một cơ sở nhập khẩu, phân phối dược phẩm(Ảnh minh họa)
Cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại đều vi phạm
Ngày 19-7 vừa qua, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế công bố danh sách 12 công ty nước ngoài có thuốc vi phạm chất lượng, chủ yếu là các doanh nghiệp dược phẩm của Ấn Độ, Hàn Quốc. Đây đã là đợt công bố thứ 18 của Cục Quản lý dược kể từ đầu năm đến nay, tức bình quân mỗi tháng có đến 3 đợt công bố danh sách các hãng dược có thuốc vi phạm chất lượng, kèm theo rất nhiều quyết định về đình chỉ, yêu cầu thu hồi các loại thuốc không đạt.
Đặc biệt, cuối tháng 6 vừa qua, Cục Quản lý dược phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra thị trường thuốc tại một số địa phương đã phát hiện và xử lý đến 32 doanh nghiệp vi phạm. Đây cũng là một trong những đợt thanh tra, kiểm tra phát hiện số doanh nghiệp dược vi phạm nhiều nhất từ trước đến nay.
Cục Quản lý dược đã ra quyết định xử phạt với 8 doanh nghiệp dược do vi phạm chất lượng thuốc, gồm cả công ty dược phẩm trong nước và công ty dược phẩm nước ngoài như: Công ty cổ phần Dược phẩm Minh Dân, Công ty cổ phần Dược phẩm Sao Kim, Công ty TNHH United International Pharma, Công ty Young - il Pharm Co., Ltd, Công ty Medico Remedies Pvt. Ltd, Chi nhánh Công ty cổ phần dược phẩm Phong Phú - nhà máy sản xuất dược phẩm Usarichpharm...
Ngoài ra, có 10 doanh nghiệp dược bị xử phạt vì vi phạm trong đăng ký thuốc khi không thực hiện đúng quy trình thao tác chuẩn trong quá trình đăng ký thuốc; 9 doanh nghiệp vi phạm trong quản lý giá thuốc khi bán thuốc giá cao hơn giá kê khai…
Theo Cục Quản lý dược, phổ biến nhất là vi phạm không đạt chỉ tiêu về độ hòa tan, không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng… Đáng chú ý vẫn có những doanh nghiệp dược trong nước bị phát hiện, xử lý vi phạm vì sử dụng nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, dùng nguyên liệu rởm để sản xuất thuốc.
Đáng ngại hơn, khoảng 1-2 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng còn phát hiện các đường dây phân phối, bắt giữ hàng nghìn hộp thuốc tây không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có hàng trăm loại thuốc đặc trị các bệnh nan y, thuốc kháng sinh được sử dụng phổ biến.
Ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người bệnh
Tại địa bàn Hà Nội, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, qua thanh tra, kiểm tra, vẫn thường xuyên phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh dược phẩm.
Cụ thể trong tháng 7-2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 23 lượt cơ sở hành nghề dược thì phát hiện tới 22 cơ sở có vi phạm, phạt tiền trên 345 triệu đồng. 7 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 169 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 1,4 tỷ đồng với 152 cơ sở vi phạm, đình chỉ hoạt động 26 cơ sở.
Cùng đó, Phòng Y tế quận, huyện, thị xã cũng đã kiểm tra 893 lượt cơ sở hành nghề dược, phạt tiền trên 300 triệu đồng với 60 cơ sở vi phạm… Những số liệu đó cho thấy chất lượng thuốc chữa bệnh vẫn đang là mối lo rất lớn.
Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (Trung tâm DI&ADR quốc gia) cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Trung tâm đã tiếp nhận 4.621 báo cáo phản ứng có hại của thuốc. TP.HCM và Hà Nội là 2 địa phương có tỷ lệ báo cáo ADR cao nhất (tương ứng 20,8% và 14,4%).
Số báo cáo ADR nghiêm trọng là 1.867 (chiếm 40% tổng số báo cáo), đặc biệt có 27 trường hợp nghiêm trọng dẫn đến tử vong được báo cáo. Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong báo cáo ADR thuộc các nhóm chính là kháng sinh, giảm đau, hạ sốt, chống viêm… Trước thực trạng đó, Sở Y tế Hà Nội vừa yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động, tích cực báo cáo phản ứng có hại của thuốc về Sở Y tế và Trung tâm DI&ADR quốc gia.
Về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan như thủ đoạn sản xuất, kinh doanh thuốc giả, kém chất lượng của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi thì năng lực quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế.
Do vậy, Sở Y tế các tỉnh, thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các công ty nhập khẩu, kinh doanh thuốc trên địa bàn, chú trọng kiểm tra việc thực hiện thông báo thu hồi thuốc kém chất lượng. Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, để ngăn ngừa thuốc giả và kém chất lượng, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời xử phạt nghiêm doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng.