“Nỗi đau” của phim đặt hàng

ANTĐ - Đó là chia sẻ chân thành của đạo diễn Vương Đức – Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam trước tình cảnh hầu hết phim Nhà nước đặt hàng đều chật vật tìm đường ra rạp!

“Nỗi đau” của phim đặt hàng ảnh 1“Tâm hồn Mẹ” từng mất cả năm trời mới tìm được đường ra…phòng chiếu!

Nể lắm mới… cho vào!

Việc hầu hết phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất không gây ấn tượng về doanh thu, thậm chí phải chờ các dịp kỷ niệm hay ngày lễ lớn mới được ra rạp đã trở nên bình thường. Cách đây gần 4 năm, “Tâm hồn Mẹ” của đạo diễn Nhuệ Giang dù được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế song cũng rơi vào cảnh hẩm hiu khi suốt một thời gian dài không tìm được đường ra rạp. Nữ đạo diễn tài ba không ít lần thất vọng vì cơ hội giới thiệu đến người xem đứa con tinh thần của mình ở một phòng chiếu hiện đại là rất ít. Có đơn vị phát hành phim tư nhân đề nghị mua bản quyền phát hành bộ phim này nhưng với mức giá rất rẻ, khoảng 100 triệu đồng, bằng 2-3% kinh phí làm phim. Xót xa hơn, 1 năm sau khi hoàn thành, phim rốt cuộc cũng được chiếu dưới hình thức bán vé nhưng không phải ở ngoài rạp chiếu chuyên nghiệp mà ở phòng chiếu phim của Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội. Dĩ nhiên giá vé được bán ra cũng chỉ bằng một nửa  ngoài rạp chiếu. 

Cùng chung số phận lận đận như “Tâm hồn Mẹ” là một loạt các phim khác do Nhà nước đặt hàng sản xuất. Dù là phim được Nhà nước tài trợ hay đặt hàng thì điểm chung dễ nhận thấy là… nỗi buồn của đạo diễn. Điều đáng nói ở chỗ họ đều là những người làm phim tài ba và gạo cội được “chọn mặt gửi vàng” nên cũng không chịu ngồi một chỗ nhìn bộ phim mà mình làm ra héo dần héo mòn. Đạo diễn Nhuệ Giang từng lọ mọ mang “Tâm hồn Mẹ” đi gõ cửa khắp nơi song kết quả cũng chỉ tìm được đường đến với các phòng chiếu nhỏ và các buổi chiếu được giới thiệu là “mang tính chất học thuật, phi lợi nhuận”. Ông xã của chị - đạo diễn Thanh Vân  cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi cố tìm đường ra rạp cho bộ phim “Sống cùng lịch sử”. Bằng uy tín cá nhân, anh cũng nhận được cái gật đầu của một vài rạp chiếu phim Nhà nước song kết quả không như mong đợi. Đồng nghiệp của anh – đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam ngậm ngùi: “Năm nay Thanh Vân đen đủi, phim vừa tìm được đường ra rạp thì đúng 3 ngày mưa tầm tã. Nể Thanh Vân lắm, các rạp mới đồng ý cho phim vào, chứ không còn lâu!”. 

Lận đận vì không được quảng bá? 

Lý giải về việc phim do Nhà nước đặt hàng thường phải chịu số phận hẩm hiu khi tìm đường ra rạp, nhà biên kịch Đoàn Mạnh Tuấn chia sẻ, phim do Nhà nước đặt hàng không có nhiệm vụ phải bán vé để thu hồi vốn, vì thế cũng không thể đòi hỏi các phim này phải vừa đáp ứng yêu cầu tuyên truyền, lại vừa có tính thương mại. Về điều này, đạo diễn Vương Đức thừa nhận khi đem các phim Nhà nước đặt hàng, nhất là phim về đề tài chiến tranh đi giới thiệu với các rạp chiếu, thì luôn nhận được lời từ chối khéo “Em cảm ơn các anh”. 

Tuy không phải chịu gánh nặng về doanh thu song nói như lời đạo diễn Vương Đức: “Không có gì buồn hơn làm phim mà không được chiếu rộng rãi. Đó là nỗi đau lớn nhất của người làm phim đích thực và tử tế”. Cũng theo Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, phần lớn các rạp chiếu phim chuẩn hiện nay đều của tư nhân và nước ngoài, trong khi hệ thống rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý thì ngày càng teo tóp, trang thiết bị kỹ thuật đã lạc hậu và xuống cấp.

Có một thực tế không thể phủ nhận là các hãng phim Nhà nước thua xa các đơn vị sản xuất phim tư nhân về khâu quảng bá.

Đạo diễn Thanh Vân tiết lộ chi phí quảng bá cho “Sống cùng lịch sử” chỉ khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên đạo diễn Vương Đức đính chính, đấy là số tiền được dùng vào việc làm poster quảng cáo, tờ rơi giới thiệu phim, cộng chi phí làm trailer. Còn kinh phí cho việc PR quảng bá bộ phim này cũng như các bộ phim Nhà nước đặt hàng sản xuất từ trước tới nay đều bằng 0. Hãng phim truyện Việt Nam chục năm qua từng nhiều lần đề xuất dành  kinh phí để quảng bá phim. Tuy nhiên, chưa có bất kỳ bộ phim nào do Nhà nước đặt hàng sản xuất được cấp. Trong khi đó, chi phí quảng bá và phát hành một phim do các hãng tư nhân sản xuất hiện nay “bét” nhất cũng phải nửa tỷ đồng, có phim thậm chí còn lên tới 2 tỷ đồng. Vì thế, 50 triệu đồng để quảng bá cho các phim Nhà nước đặt hàng là con số cực kỳ khiêm tốn.

Các hãng phim Nhà nước cũng chỉ biết làm phim, còn việc quảng bá vô cùng nghiệp dư. Trong khi các đơn vị làm phim tư nhân lập ra các trang web riêng để cập nhật thông tin về phim do mình sản xuất, thì việc đơn giản này cũng không được các hãng Nhà nước quan tâm. Đạo diễn Vương Đức thừa nhận ở Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay chưa có bộ phận làm riêng về quảng bá phim. Có lẽ chừng nào khâu quảng bá còn bị bỏ ngỏ, phim Nhà nước, dù được đặt hàng hay tự sản xuất, vẫn còn lận đận mới ra được rạp.